Vẫn cho trẻ bú bình khi đã được hơn 1 tuổi, cha mẹ coi chừng lợi bất cập hại

Làm mẹ - 11/24/2024

Các nghiên cứu khoa học cộng với kinh nghiệm thực tế từ việc cho trẻ bú bình trong thời gian kéo dài đã chứng minh việc làm này của cha mẹ lợi đâu chưa thấy mà chỉ thấy hại nhiều.

Cho trẻ bú bìnhcó lẽ là hoạt động quá quen thuộc với bất cứ gia đình nào có trẻ nhỏ. Thế nhưng câu hỏi đặt ra là cha mẹ nên cho trẻ bú bình đến thời điểm nào thì cần cai bình, liệu việc cho trẻ dùng bình sữa có ảnh hưởng gì tới sức khỏe của trẻ sau này hay không?

Vẫn cho trẻ bú bình khi đã được hơn 1 tuổi, cha mẹ coi chừng lợi bất cập hại

Độ tuổi nào thì cần cai bình cho trẻ, những tác động lâu dài của việc bú bình tới sức khỏe sau này của trẻ là gì? (Ảnh minh họa)

Để giải đáp những thắc mắc trên, nhiều nhà nghiên cứu đã thực hiện khảo sát và tìm hiểu vấn đề độ tuổi cho trẻ bú bình và những tác động tới sức khỏe của trẻ. Một nghiên cứu mới đây về ảnh hưởng của việc cho trẻ bú bìnhtrong thời gian dài được công bố trên tạp chí Dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em (Maternal and Child Nutrition-Mỹ) cho thấy rằng trẻ trên 1 tuổi vẫn tiếp tục bú bình sẽ hấp thụ lượng calo nhiều hơn so với trẻ uống bằng cốc, ly. Điều này có thể dẫn đến sự phát triển của mô mỡ, tích tụ chất béo trong cơ thể trẻ, dẫn đến nguy cơ béo phì cao hơn 33% trong tương lai sau này của trẻ.

Để minh chứng cho lập luận này, một bà mẹ giấu tên đã chia sẻ về kinh nghiệm của chính mình. Chị cho biết: 'Hồi nhỏ tôi rất thích uống sữa và nước cam, nhưng phải là uống bằng bình. Và tôi duy trì việc uống bình cho tới năm 3 tuổi. Năm nay tôi 35 tuổi, nhưng trong suốt ngần ấy thời gian tôi luôn phải vật lộn để giảm cân vì tôi quá béo. Đó có thể là hệ quả của quãng thời gian uống bằng bình hồi nhỏ, tôi đã hấp thụ quá nhiều calo không cần thiết'.

Vẫn cho trẻ bú bình khi đã được hơn 1 tuổi, cha mẹ coi chừng lợi bất cập hại

Cho trẻ bú bình kéo dài có thể dẫn đến sự hấp thụ calo quá mức cần thiết, tích tụ chất béo dẫn đến nguy cơ béo phì cao ở trẻ (Ảnh minh họa).

Tác hại của việc cho trẻ trên 1 tuổi sử dụng bình còn ảnh hưởng tới răng của trẻ. Theo bác sĩ nha khoa Amy Bloomberg (New York, Mỹ), trẻ bú bình trong thời gian càng dài thì càng có nguy cơ sâu răng cao. Bởi trẻ liên tục nhai, bú, mút núm bình, đường trong sữa dần dần ăn mòn men răng, tạo ra các lỗ hổng và gây sâu răng. Tiến sĩ Chin Shou King, bác sĩ nha khoa và giám đốc Trung tâm Y tế Camden (Singapore) cho biết: 'Một số trẻ vừa ngủ vừa ti bình trong miệng. Vì trong sữa chứa nhiều đường nên hành động ngậm bình sữa như vậy có thể gây sâu răng cho trẻ. Hành động bú bình cũng giống như khi trẻ mút ngón tay, lâu dần sẽ tạo thành các khe hở giữa những chiếc răng, khiến cho sự ăn khớp hàm trên và hàm dưới giảm đi'.

Người mẹ giấu tên kể trên cũng cho biết cô lớn lên với hàm răng khấp khểnh và tốn khá nhiều chi phí để chỉnh sửa hàm răng của mình. Các bác sĩ cũng kết luận sự bất thường trong kết cấu răng của người mẹ này có thể là do hồi bé cô đã bú bình trong thời gian khá dài.

Vẫn cho trẻ bú bình khi đã được hơn 1 tuổi, cha mẹ coi chừng lợi bất cập hại

Tác hại của việc cho trẻ trên 1 tuổi sử dụng bình còn ảnh hưởng tới răng của trẻ như sâu răng, lệch khớp căn hai hàm (Ảnh minh họa)

Các chuyên gia Nhi khoa khuyên các bậc cha mẹ hãy cho trẻ cai bú bình vào khoảng 12-18 tháng tuổi để giảm các ảnh hưởng của việc bú bình tới sức khỏe sau này và sự phát triển hàm răng của trẻ. Tuy nhiên tiến sĩ, bác sĩ y tế cộng đồng Rachel Gooze tại Trung tâm nghiên cứu và giáo dục bệnh béo phì – Đại học Temple (Mỹ) cho hay: 'Việc cai bình cho trẻ 1 tuổi không phải chuyện dễ dàng, và cai bình khi trẻ trên 2 tuổi có thể còn khó khăn hơn. Cha mẹ càng đợi lâu thì việc cai bình cho trẻ càng khó thực hiện, kéo theo các vấn đề sức khỏe khác cho trẻ'.

Tạp chí BMC Nhi khoa cũng khẳng định trẻ trên 1 tuổi tiếp tục bú bình sẽ có nguy cơ răng mọc lệch cao hơn. Ngoài ra, thói quen bú mút trong thời gian dài cũng gây ảnh hưởng tới sự ăn khớp của hai hàm và hoạt động nhai thức ăn của trẻ.

Vẫn cho trẻ bú bình khi đã được hơn 1 tuổi, cha mẹ coi chừng lợi bất cập hại

Việc cái bình cho trẻ cần được thực hiện trong độ tuổi 12-18 tháng và cho trẻ chuyển sang dùng cốc uống (Ảnh minh họa)

Chính vì vậy cai bình cho trẻ cần thực hiện càng sớm càng tốt, thay vì bắt ép trẻ phải chuyển từ bình sang cốc, mẹ hãy rèn cho trẻ thói quen uống bằng cốc với một số cách nhẹ nhàng và hiệu quả như sau:

- Kích thích, thu hút sự chú ý của bé

Mẹ có thể cho nước vào cốc cùng với một chiếc ống hút, thổi bóng để thu hút bé. Đây là một cách làm cho quá trình này trở nên vui nhộn và thu hút bé chuyển qua dùng cốc.

- 'Con nhìn này, mẹ uống nước bằng cốc!'

Có một sự thật là trẻ nhỏ luôn bắt chước hành động của những người xung quanh. Mẹ hãy tận dụng cơ hội này và luôn cho con thấy cả bố và mẹ đều uống bằng cốc như thế nào. Khi đưa bé đi chơi, hãy cho con nhìn những bạn nhỏ khác cũng đang dùng cốc uống như thế nào. Chắc chắn bé sẽ có động lực để chuyển đổi giống như những người khác đang làm.

- Gợi ý món đồ khác thay cho bình

Hầu hết trẻ nhỏ đều khó ngủ mà không có bình sữa bên cạnh, thậm chí nhiều bé không thể ngủ hoặc cáu gắt nếu không được bú bình trước và trong khi ngủ. Tuy nhiên, cha mẹ hãy thử gợi ý cho bé một món đồ chơi hấp dẫn khác như một con thú nhồi bông, một cái gối nhỏ hoặc một tấm chăn có in hình ngộ nghĩnh. Vào giờ đi ngủ, mẹ cùng con chơi trò chơi nào đó với món đồ chơi mới và làm bé phân tâm, không còn nghĩ đến chiếc bình nữa.

Vẫn cho trẻ bú bình khi đã được hơn 1 tuổi, cha mẹ coi chừng lợi bất cập hại

Trên thị trường hiện nay có nhiều loại cốc tập uống, cốc mỏ vịt dành cho trẻ (Ảnh minh họa)

- Động viên, khích lệ

Cha mẹ hãy dành những lời khen ngợi và khích lệ bé, cho bé thấy sự ghi nhận của cha mẹ trong mỗi việc làm của con, kể cả việc con bắt đầu biết dùng cốc. Ví dụ khi bé uống sữa bằng cốc, hãy cổ vũ và khen ngợi bé: 'Hôm nay, con của mẹ đã lớn nên biết uống sữa bằng cốc rồi nhé'.

- Kiên trì, tránh bỏ cuộc giữa chừng

Cũng giống như khi hướng dẫn con làm bất cứ việc gì, sự kiên nhẫn của cha mẹ và lòng kiên trì sẽ giúp bé đạt kết quả tốt. Quá trình chuyển đổi từ bình sang cốc cũng vậy, không thể thành công trong một sớm một chiều mà phải tốn một khoảng thời gian. Cha mẹ hãy bình tĩnh và kiên trì cùng con qua giai đoạn chuyển đổi này.

Nguồn: Romper, Parent

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!