Về quê ăn Tết, đừng làm dụng thuốc chống say tàu xe

Cần biết - 04/29/2024

Để hạn chế các tác dụng phụ không mong muốn của thuốc chống say tàu xe, cần ghi nhớ những lưu ý sau.

Đây thật sự là một nỗi ám ảnh, đặc biệt là đối với những người bị say tàu xe. Để đối phó với các triệu chứng của say tàu xe như cảm giác mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn, tụt huyết áp…, nhiều người chọn giải pháp uống thuốc. Nhưng thuốc chống say tàu xe thật sự có an toàn?

Tác dụng phụ của thuốc chống say tàu xe

Thực tế ghi nhận có không ít trường hợp gặp tai biến khi sử dụng thuốc chống say tàu xe, nhất là trẻ em và người có tiền sử mắc bệnh.

Thông thường, thuốc được phân loại theo nhóm: nhóm kháng cholinergic, kháng histamin, nhóm điều chỉnh rối loạn chức năng tiêu hóa, nhóm thuốc chống nôn mạnh. Mỗi nhóm thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ khác nhau tùy mức độ sử dụng và thể trạng từng người. Nhưng nhìn chung, những tác dụng phụ thường gặp là khô miệng, buồn ngủ, giảm thị lực, táo bón, thậm chí là ảo giác, trầm cảm, rối loạn tâm thần.

Một số người lại rất chuộng dùng miếng dán chống say xe vì cho rằng nó vừa tiện lợi, lại không đưa trực tiếp thuốc vào cơ thể nên an toàn tuyệt đối. Thực tế, miếng dán kiểu này có chứa dược chất scopolamin. Khi dán lên da, thuốc sẽ thấm qua da, đi vào máu và phát huy tác dụng giảm buồn nôn do say tàu xe. Vì lẽ đó, miếng dán chống say tàu xe cũng được coi là một loại thuốc và bạn cũng cần cẩn trọng với các tác dụng phụ của chúng.

Về quê ăn Tết, đừng làm dụng thuốc chống say tàu xe

Không ít trường hợp gặp tai biến khi sử dụng thuốc chống say tàu xe (Ảnh minh họa: Internet)

Lưu ý khi sử dụng thuốc chống say tàu xe

Để hạn chế các tác dụng phụ không mong muốn của thuốc chống say tàu xe, cần ghi nhớ những lưu ý sau:

- Không sử dụng bia, rượu khi đang uống thuốc.

- Thận trọng khi sử dụng thuốc đối với những người rối loạn chức năng gan, thận, rối loạn chuyển hóa, người bị bệnh hen suyễn, rối loạn đường hô hấp dưới, người bị bệnh tim mạch, cường giáp…

- Thận trọng khi sử dụng thuốc cho người già. Không nên dùng thuốc cho phụ nữ có thai và đang cho con bú. Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi chỉ được sử dụng khi có chỉ định từ bác sĩ.

- Nhóm thuốc chống nôn mạnh có thể gây nghiện, nên hạn chế sử dụng.

- Đối với miếng dán chống say tàu xe, không dùng cho phụ nữ có thai và trẻ dưới 8 tuổi. Trẻ em từ 8-15 tuổi chỉ dùng nửa miếng dán. Khi sử dụng, nếu thấy có triệu chứng bất thường phải bóc miếng dán ra khỏi da ngay lập tức và nên đến cơ sở y tế nếu các triệu chứng này không thuyên giảm.

Về quê ăn Tết, đừng làm dụng thuốc chống say tàu xe

Miếng dán chống say tàu xe, không dùng cho phụ nữ có thai và trẻ dưới 8 tuổi (Ảnh minh họa: Internet)

Chống say xe không cần dùng thuốc

Một số mẹo sau đây có thể giúp bạn phòng và giảm tình trạng say tàu xe mà không cần dùng đến thuốc:

- Trước khi khởi hành 30 phút, uống 1 cốc nước ấm pha với gừng tươi hoặc pha với dấm. Có thể mang thêm vài lát gừng để ngậm trong quá trình di chuyển. Các nhà khoa học Anh, Mỹ đã nghiên cứu và đưa ra kết luận 1.000 mg gừng khô có tác dụng chống say tàu xe như 10 mg metoclopramide và đặc biệt là không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nào.

- Ngửi vỏ chanh, cam, quýt, bánh mỳ hoặc nhấm nháp ngũ cốc, bánh quy, hoa quả khô cũng có tác dụng giảm cảm giác nôn nao.

- Tránh ngồi ở hàng ghế phía cuối hoặc đuôi máy bay. Khi tàu, xe di chuyển, nhìn thẳng về phía trước, không nhìn sang 2 bên. Đặc biệt lưu ý không tranh thủ đọc sách báo, xem phim, chơi game khi đi tàu, xe.

- Sử dụng khẩu trang giúp tránh được các mùi dễ khiến bạn nôn nao như mùi xăng, mùi thuốc lá, mùi khó chịu của xe…

- Sử dụng gối đầu, tựa đầu để giữ đầu cố định, không bị lắc lư.

- Tránh ăn quá no, ăn những đồ gây đầy bụng như lạc, thức ăn chiên rán…, uống đồ uống có ga, có cồn trước khi lên xe.

- Không quá căng thẳng vì tâm lý sợ say xe. Nên thư giãn đầu óc bằng cách nói chuyện với mọi người xung quanh, nghe nhạc hoặc tranh thủ ngủ một giấc.

Hà Vân

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!