Da khô nứt nẻ
Hiện tượng da khô nứt nẻ, đỏ rát, ngứa có thể xuất hiện bất cứ vùng nào trên cơ thể của bé, chủ yếu là mặt như má, môi, chân, tay. Đây là biểu hiện thường gặp trong mùa đông đặc biệt khi nhiệt độ càng xuống thấp.
Lời khuyên:
Theo PGS.TS Lưu Thị Hồng (Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế), những bé có hiện tượng như trên vẫn có thể tắm bình thường nếu các gia đình tuân thủ quy trình chuẩn bị trước, trong và sau khi tắm. Cần lưu ý, trẻ có bệnh da liễu nếu hạn chế tắm thì càng khiến khó chịu hơn do không đảm bảo vệ sinh.
Đối với trẻ da khô, khi tắm rửa không nên dùng nước quá nóng, chỉ dùng nước ấm để tắm cho trẻ. Bạn có thể sử dụng khuỷu tay để kiểm tra nhiệt độ nước tắm trước khi cho bé tắm.Tránh sử dụng các loại xà bông, dầu gội đầu, sữa tắm có chứa cồn hoặc hương nước hoa. Không dùng các sản phẩm tắm gội của người lớn cho trẻ nhỏ. Sau khi tắm và lau khô người, các mẹ có thể mát-xa bằng các loại kem dưỡng da giữ ẩm dành cho trẻ.
Ngoài ra, trong quá trình tắm cần chú ý an toàn và đảm bảo sức khỏe cho trẻ như:
- Đặt tấm chống trượt trong bồn tắm để mẹ và bé không sảy chân ngã.
- Lau khô sàn nhà và chân trẻ để trẻ không trượt ngã.
- Chuẩn bị sẵn khăn cuốn để giữ ấm cho trẻ sau khi tắm xong.
- Gội đầu cho trẻ sau khi tắm để đầu không bị lạnh.
- Cứ 2 - 3 ngày tắm cho trẻ một lần. Phòng tắm kín gió, trong ngày lạnh có thể sử dụng quạt sưởi, đèn sưởi tại khu vực tắm.
Cứ 2 -3 ngày bạn nên tắm cho trẻ một lần (Ảnh minh họa :Internet)
Chàm (Eczema)
Nếu cha mẹ của trẻ bị chàm thì nguy cơ con cái di truyền căn bệnh này rất cao. Ngoài ra, chàm là bệnh da liễu có xu hướng gia tăng trong mùa đông với hiện tượng da khô cứng, mẩn ngứa rất khó chịu.
Lời khuyên:
Gia đình có trẻ nhỏ bị chàm cần lưu ý việc giữ ẩm cho bé. Mặc dù thời tiết lạnh nhưng cần lau rửa 2 lần/ngày cho bé bằng các dung dịch tắm rửa không chứa xà phòng, không màu, không mùi. Bạn cần lau sạch các vùng da nách, mông, háng, chân, tay của bé nhanh chóng trong khoảng 2 phút. Sau khi lau khô người cần bôi kem dưỡng ẩm hoặc các loại thuốc mỡ chống viêm theo đơn của bác sĩ.
Bong vảy da đầu
Những ngày nhiệt độ lạnh, các bé được đội mũ cả ngày khiến da đầu bị bí, làm xuất hiện những mảng da khô trên đầu giống như gàu. Ngoài ra, việc sử dụng lượng lớn dầu gội và chưa gội kỹ trong quá trình tắm rửa cũng là nguyên nhân xuất hiện bong vảy da đầu ở trẻ nhỏ.
Lời khuyên:
- Nên sử dụng dầu gội dành riêng cho trẻ và gội 2 lần/tuần.
- Sau khi đội mũ 3 - 4 giờ thì nên tháo bỏ, mát-xa da đầu cho bé.
- Nếu bé xuất hiện nhiều vảy da đầu, mẹ có thể bôi dầu oliu, chờ 10 - 15 phút và dùng lược chải bỏ các lớp vảy rồi mới gội sạch.
Hăm tã
Hăm tã sẽ bảo vệ được vùng da ở mông, bẹn và xung quanh bộ phận sinh dục (Ảnh minh họa: Internet)
Trẻ 0 - 3 tuổi trong mùa đông hay dùng tã bỉm. Tuy nhiên, cùng với lớp tã ẩm, trẻ lại được quấn và mặc bên ngoài nhiều lớp quần áo trong ngày lạnh khiến làn da nhạy cảm dễ bị kích thích với triệu chứng da vùng mông, bẹn, xung quanh bộ phận sinh dục bị mẩn đỏ, tấy rát.
Lời khuyên:
- Cố gắng tạo thói quen để trẻ chủ động gọi người lớn khi cần đi vệ sinh.
- Không để trẻ mặc tã, bỉm quá lâu.
- Đảm bảo kích thước của tã, bỉm phù hợp với trẻ, tránh quá chật hoặc quá rộng.
- Mỗi lần thay tã nên lau rửa bộ phận sinh dục của trẻ bằng nước ấm, lau khô. Sau đó dùng phấn rôm hoặc bôi kem chống hăm.
- Nếu trẻ thường xuyên mặc tã, sau mỗi lần thay cần để làn da trẻ thông thoáng khoảng 3 - 5 phút trước khi mặc tã mới.
Xem thêm:
3 thói quen ở trẻ nhỏ bạn nên học tập
Chăm sóc trẻ tiêu chảy, viêm đường hô hấp cấp
Cho bé đeo kính râm: lợi hay hại?
Thanh Lê
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!