Khi phát hiện u nang buồng trứng, bệnh nhân cần được điều trị sớm để tránh trường hợp bỏ sót ung thư buồng trứng - một trong những nguy cơ gây tử vong cao cho phụ nữ.
U nang buồng trứng phát sinh từ các thành phần cấu trúc của buồng trứng bình thường hay từ những di tích phôi thai của buồng trứng, thường được chia làm 2 loại:
- U nang cơ năng: Là những nang nhỏ ở 1 hay 2 bên buồng trứng do rối loạn chức phận của buồng trứng gây ra, không có tổn thương giải phẫu ở buồng trứng.
- U nang thực thể: Do tổn thương thực thể ở tổ chức buồng trứng.
Ảnh minh họa
U nang buồng trứng cơ năng thì không cần điều trị, chỉ cần theo dõi từ 3 - 6 vòng kinh. Nếu u nang buồng trứng cơ năng thì tự mất đi.
Trái lại, u nang buồng trứng thực thể thì điều trị phẫu thuật là chủ yếu, nếu không sẽ có biến chứng như xoắn khối u nang, ung thư hoá. Vì vậy, khi chẩn đoán là u nang thực thể thì nên mổ cắt bỏ u sớm.
Nang nước:gặp ở người lớn tuổi thì nên cắt cả 2 buồng trứng.
Nang nhầy: cần cắt bỏ sớm cả 2 buồng trứng để tránh nhầy tái phát.
Nang bì: cắt bỏ u và cố gắng bảo tồn nhu mô lành. Nếu nang buồng trứng 2 bên ở người trẻ tuổi còn nhu cầu sinh đẻ, cần bóc tách khối u và bảo tồn tối đa phần mô lành, vòi trứng.
Thông thường, phẫu thuật mổ mở u nang buồng trứng có vết mổ khoảng 5-6cm, nằm ngang trên xương vệ, được giấu vào nếp gấp của vùng dưới da bụng. Vì vậy, sau khi liền da, bệnh nhân có thể thấy vết mổ nhỏ và không ảnh hưởng gì nhiều về thẩm mỹ.
Bình thường sau mổ, cảm giác đau ngay tại vết mổ có thể kéo dài đến 6 tháng. Đường mổ nằm ngang trên vệ, cắt ngang qua các dây thần kinh cảm giác nên đau kéo dài, thỉnh thoảng đau âm ỉ, nhất là vào lúc trời lạnh.
Có cục cứng xuất hiện một thời gian sau khi vết mổ đã lành kèm theo ngứa và nổi mụn, đó có thể do lớp chỉ tiêu bên trong chưa tiêu hết.
Tuy nhiên, để chắc chắn, bệnh nhân nên đi khám bác sĩ sản phụ khoa, vừa để kiểm tra lại tình trạng vết mổ, vừa đánh giá lại buồng trứng sau mổ cắt u nang.
ThS. Vũ Thị Tuyết Mai
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!