Vì sao dễ mắc lao khi mang thai?

Mang thai - 11/24/2024

Bệnh lao là một trong 3 bệnh truyền nhiễm gây tử vong cao nhất trên thế giới gồm HIV/AIDS, lao và sốt rét.

Vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây bệnh lao lan truyền qua các giọt nước trong không khí từ chất tiết khi ho, nhầy mũi, nói chuyện hay khạc nhổ của người nhiễm vi khuẩn hoạt động.

Mang thai được 4 tháng, đã hết thời kỳ nghén, nhưng chị H. vẫn thấy người mệt mỏi, gầy sút, hâm hấp sốt vào buổi chiều, lại hay ra mồ hôi trộm. Đến ngày hẹn siêu âm, chị nói các triệu chứng trên với bác sĩ sản khoa. Bác sĩ yêu cầu chị làm một số xét nghiệm vì nghi ngờ chị bị nhiễm lao. Kết quả chị H. bị lao phổi.

Triệu chứng bệnh lao

Trường hợp như chị H. không phải là hiếm. Nhưng do thiếu hiểu biết, do chủ quan, cho rằng các triệu chứng khá điển hình của bệnh lao như ho (thường kéo dài 3 tuần hoặc hơn), đau ngực, mỏi mệt, biếng ăn, hay cảm giác ăn mất ngon, ớn lạnh, sốt hoặc đổ mồ hôi vào ban đêm… là dấu hiệu thường thấy trong thai kỳ, nên nhiều chị em không đi khám bệnh, không được điều trị kịp thời và tích cực, đã dẫn đến nhiều tai biến và hậu quả đáng tiếc.

Vì sao dễ mắc lao khi mang thai?

Vi khuẩn lao dưới kính hiển vi.

Nhiễm lao khi mang thai

Phụ nữ trong lứa tuổi sinh đẻ và nuôi con lại dễ bị mắc lao hơn so với các lứa tuổi khác và nam giới là do rất nhiều yếu tố, trong đó đáng kể nhất là sự thay đổi các nội tiết tố oestrogen, progesteron và sự xuất hiện nội tiết tố rau thai làm cho các cơ quan phục vụ cho quá trình mang thai chuẩn bị cho cuộc đẻ và nuôi con như hệ sinh dục, vùng chậu hông, da, cơ... tăng cường chuyển hóa các chất, ngấm nhiều nước hơn... kéo theo cả tổ chức phổi - những tổ chức xơ sẹo trở nên mềm hơn, làm cho vi khuẩn lao dễ dàng hoạt động hơn.

Bên cạnh sự thay đổi nội tiết, khi mang thai, cơ thể người mẹ giảm miễn dịch tự nhiên để chấp nhận một cơ thể lạ mà một nửa là của người khác; do ăn uống không đủ chất; sự vất vả trong mang thai, cuộc đẻ và lúc nuôi con… cũng là một trong nhiều nguyên nhân khiến họ dễ nhiễm lao hơn bao giờ hết.

Điều nguy hiểm là, bệnh lao không chỉ khiến cho cơ thể người mẹ bị tàn phá, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi. Khi người mẹ mắc bệnh thì những đứa con cũng dễ dàng bị lây bệnh, thậm chí lây ngay từ khi còn là bào thai, đó là lao bẩm sinh, việc điều trị sẽ rất khó khăn.

Vì sao dễ mắc lao khi mang thai?

Những điều cần làm khi mắc bệnh lao trong thai kỳ

Chính vì những điều kể trên, khi nghi ngờ mắc bệnh lao trong thai kỳ, bạn cần thực hiện ngay theo hướng dẫn sau đây:

Làm các xét nghiệm lâm sàng và cận lâm sàng tại các bệnh viện chuyên ngành để biết chắc chắn mình có bị bệnh lao hay không. Các xét nghiệm lao thường an toàn với thai kỳ nếu quy trình kỹ thuật được đảm bảo. Nếu mang thai giai đoạn đầu, bạn cần thông báo với bác sĩ điều trị để họ thực hiện kỹ hơn các kỹ thuật an toàn cho thai nhi. Nếu phải kiểm tra Xquang, bạn nên nhắc nhân viên y tế sẽ đeo chì trên bụng để bảo vệ em bé của bạn khỏi tia X.

Lao là một trong 3 bệnh truyền nhiễm gây tử vong cao nhất trên thế giới gồm HIV/AIDS, lao và sốt rét. Vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây bệnh lao lan truyền qua các giọt nước trong không khí từ chất tiết khi ho, nhầy mũi, nói chuyện hay khạc nhổ của người nhiễm vi khuẩn hoạt động. Tiếp xúc gần gũi (kéo dài, thường xuyên, thân mật) là nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất. Người mắc lao hoạt động không điều trị có thể lây sang 20 người khác mỗi năm.

Dùng thuốc điều trị bệnh lao theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Việc điều trị bệnh lao thể hoạt động trong thời kỳ mang thai thì ít nguy hiểm hơn là không điều trị gì. Thuốc được chọn lựa đầu tiên INH, rifampicin và andethambutol, thuốc được sử dụng hằng ngày trong vòng 2 tháng hoặc có thể sử dụng INH và rifampicin 2 lần trong một tuần trong cả thời kỳ mang thai. Không nên sử dụng streptomycin và PZA, vì những thuốc này có những ảnh hưởng xấu đến thai nhi.

Phải đặc biệt lưu ý cung cấp đủ dinh dưỡng. Thực phẩm phải có đủ lượng calo, giàu protein, vitamin và khoáng chất. Tốt nhất nên uống viên canxi và dầu cá để tiện cho sự phục hồi vùng nhiễm bệnh của phổi.

Phải có chế độ nghỉ ngơi thích hợp để giảm sự hô hấp, có lợi cho phục hồi vùng bụng. Sau khi sinh phải nghỉ ngơi lâu, đồng thời ăn nhiều thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao.

Việc cách ly đối với con rất cần thiết khi người mẹ mắc lao phổi có vi khuẩn lao trong đờm. Nếu điều kiện không cho phép, tối thiểu người mẹ phải mang khẩu trang mỗi khi ở gần, chăm sóc con hoặc cho con bú... cho đến khi vi khuẩn lao âm tính.

Nên nuôi con bằng sữa mẹ nếu đang điều trị lao (đặc biệt là đối INH) do nồng độ thuốc không ảnh hưởng đến trẻ và nồng độ thuốc cũng không đủ để ngừa bệnh lao. Do đó nếu trẻ mắc bệnh thì cũng nên điều trị cùng lúc.

Con của người mẹ mắc lao phải được theo dõi cẩn thận để phát hiện lao bẩm sinh và phải được tiêm BCG sớm để phòng bệnh lao sơ nhiễm.

Tư vấn với nhân viên y tế về các kế hoạch chăm sóc khi bị nhiễm lao hay mắc bệnh lao.

BS. Trần Hạnh Hoa

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!