Nghĩ lá lô hội mát, bà Lượng mua về xát vào các vùng da nổi mẩn, không ngờ sau đó bà càng ngứa, các vùng bôi lá còn loét da, chảy nước, khiến bà phải vào viện cấp cứu.
Đang nằm điều trị tại khoa Dị ứng miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, bà Lượng (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, tuần trước, bà bị ngứa hai bên cánh tay nên đi khám và được cho thuốc chống dị ứng. Thấy dùng thuốc theo đơn không đỡ, bà liền nghe lời người cháu đi mua lá lô hội về bôi lên mặt, tay. 'Mấy đứa thanh niên nói bôi cái này vào mát lắm, khỏi ngứa, da mịn ngay nên tôi đem tẽ đôi lá rồi xát vào chỗ ngứa', bà kể lại.
Sau khi bôi xong, bà Lượng càng ngứa dữ dội nên gãi nhiều khiến da lở loét, sưng tấy, rỉ nước.
Bệnh nhân đang điều trị sau khi thử xát lá lô hội lên vùng ngứa. Ảnh: Minh Thùy.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Trường, khoa Dị ứng miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh nhân Lượng nhập viện trong tình trạng dị ứng khá nặng. Bà được chẩn đoán là viêm da tiếp xúc do bôi lá lô hội và đã được điều trị kịp thời và dần hồi phục.
Theo bác sĩ, khoa từng tiếp nhận nhiều người bị triệu chứng tương tự khi dùng các loại lá cây - được mách là mát, lành - như lô hội, rau má hay các loại lá rất lạ... để chữa ngứa, làm mịn da. Có những người bị bong tróc da, lan sang cả những vùng da không bôi.
'Thực tế, bất cứ loại lá cây, kể cả rau trái nào cũng có nguy cơ gây dị ứng, nhất là với những người có cơ địa dị ứng, có thể do họ mẫn cảm với thành phần nào đó trong lá, quả đó hoặc phản ứng với chất bảo quản thực phẩm, cây, trái này', bác sĩ Trường cho biết.
Ông khuyến cáo, những người có cơ địa dị ứng, từng bị viêm da tiếp xúc cần thận trọng khi bôi, đắp bất cứ loại thuốc, lá nào. Tốt nhất, hãy thử đắp lên vùng da mỏng ở tay, tuyệt đối không nên đắp, xoa, xát khắp người ngay, nhất là ở vùng mặt, bởi khi bị ở vùng da này rất dễ tái phát, dai dẳng, và có thể gây sạm da, khó hồi phục.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!