Bệnh viêm loét dạ dày có thể xuất hiện ở bất kỳ lứa tuổi nào, từ trẻ em cho đến người già cũng có thể mắc. Bệnh có thể chữa khỏi nhưng còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và cách điều trị.
Nguyên nhân nào gây viêm loét dạ dày?
Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh viêm loét dạ dày. Theo các chuyên gia, những nguyên nhân gây bệnh viêm loét dạ dày thường gặp là do:
- Chế độ ăn uống không hợp lý: Trong cuộc sống ngày nay, thói quen ăn nhanh, nhai thức ăn không kỹ, sử dụng thức ăn nhanh thường xuyên và uống nhiều bia rượu chính là một trong những nguyên nhân gây bệnh.
- Dùng thuốc giảm đau, kháng viêm, corticoid: Rất nhiều loại thuốc tân dược có thể gây hại cho niêm mạc dạ dày. Các loại thuốc chống viêm không steroid như: aspirin, phenylbutazone, indomethacin, ibuprofen có tác dụng giảm đau thông qua cơ chế ức chế tổng hợp prostaglandin. Những loại thuốc này có vai trò bảo vệ niêm mạc dạ dày.
Nhưng việc lạm dụng thuốc giảm đau cũng chính là một trong những nguyên nhân gây đau dạ dày. Nếu bạn thường xuyên sử dụng thuốc giảm đau thì niêm mạc dạ dày sẽ bị bào mỏng đi và mất khả năng bảo vệ dạ dày.
- Yếu tố căng thẳng thần kinh : Trạng thái căng thẳng, buồn phiền, tức giận, mệt mỏi sẽ nhanh chóng được khuếch tán tới các cơ quan trong cơ thể, ảnh hưởng đến hệ thần kinh thực vật gây mất cân bằng cho chức năng của dạ dày, đường ruột; axit hydrochloric và pepsin tăng tiết khiến cho huyết quản dạ dày, môn vị co thắt, tầng bảo vệ niêm mạc dạ dày bị thương tổn, hình thành bệnh viêm loét dạ dày. Bệnh nhân thường bị đau khi căng thẳng trong công việc, lo lắng, buồn bực, tức tối hoặc sợ hãi.
- Vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP): Khoảng 50% dân số thế giới bị nhiễm vi khuẩn HP, nhưng trong số những người đó chỉ có một số người nhiễm HP sẽ tiến triển thành bệnh loét dạ dày. Một số trường hợp đặc biệt sẽ tiến triển thành ung thư dạ dày.
Ảnh minh họa
Biểu hiện của bệnh viêm loét dạ dày
Người bị bệnh dạ dày sẽ có biểu hiện chủ yếu là đau bụng cồn cào kèm theo ợ chua, ợ hơi, hoặc có cảm giác buồn nôn hay muốn nôn.
Tuy nhiên, một số người không có triệu chứng rõ rệt, chỉ khi vào viện với các biến chứng như: xuất huyết đường tiêu hóa, thủng dạ dày, hẹp môn vị, hoặc nội soi kiểm tra thì mới phát hiện ra bệnh.
Biến chứng hay gặp của bệnh viêm loét dạ dày là chảy máu ồ ạt hay rả rích do ổ loét ăn sâu đến lớp dưới niêm mạc, gây thủng các mạch máu, gây ra mất máu nặng, tụt huyết áp. Nếu không được cứu chữa kịp thời, người bệnh có khả năng tử vong.
Khi bệnh trở nặng, bệnh nhân có thể nôn ra máu hoặc đại tiện ra phân có màu đen như nhựa đường, có mùi hôi tanh. Trong trường hợp ổ loét tiếp tục ăn sâu xuyên thành dạ dày thì có thể gây thủng dạ dày. Khi đó, người bệnh bị đau bụng dữ dội, bụng gồng cứng rất đau khi cử động.
Đó là tình trạng viêm màng bụng cấp tính, nếu không được mổ cấp cứu, sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Dần dần ổ loét có thể lành nhưng tạo nên những vết sẹo gây co rút và làm biến dạng dạ dày.
Nếu vị trí sẹo nằm gần lỗ môn vị có thể gây hẹp môn vị. Điều này làm cho thức ăn không đi xuống được tá tràng nên người bệnh sẽ bị nôn, suy dinh dưỡng… Trong một số trường hợp, ổ loét có thể trở thành ung thư, nhất là ở vị trí bờ cong nhỏ của dạ dày.
Điều trị bệnh viêm loét dạ dày
Bệnh viêm loét dạ dày có thể phòng tránh và điều trị khỏi bệnh nếu bệnh được phát hiện từ sớm và tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Để biết được tình trạng bệnh, bạn cần phải nội soi dạ dày. Nếu bệnh ở thể nhẹ, bạn cần tuân thủ theo chế độ ăn uống, thời gian, loại thuốc sử dụng, làm đúng y lệnh của bác sĩ.
Tránh ăn đồ cay nóng, chua, ăn đúng giờ, không bỏ bữa, ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa, ít dầu mỡ. Bạn không nên ăn bữa cuối cùng trong ngày gần giờ đi ngủ. Thêm vào đó, bỏ chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá. Chú ý giữ tinh thần thoải mái, lạc quan, tránh suy nghĩ tiêu cực.
Khi bệnh đã chuyển qua giai đoạn nặng, có biến chứng hoặc chuyển qua ung thư thì việc điều trị rất khó khăn và tốn kém.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!