Viêm màng não mô cầu: Hãy tiêm phòng ngay kẻo muộn!

Nuôi dạy con - 11/24/2024

Ai cũng có khả năng mắc viêm màng não mô cầu. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là hai đối tượng dễ mắc bệnh và nguy cơ tử vong cao.

Liên tiếp xuất hiện các ca bệnh viêm màng não mô cầu tại miền Bắc

Bệnh viêm màng não do não mô cầu là căn bệnh hiếm gặp nhưng vô cùng nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao. Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung Tâm Y tế Dự phòng (Hà Nội) cho biết, trung bình một năm thành phố ghi nhận 5-7 ca mắc viêm màng não mô cầu. Vì vậy, tin tức về trường hợp miền Bắc có bệnh nhân mắc viêm màng não mô cầu tử vong khiến nhiều người dân nghi ngại.

Theo đó, ngày 20/02 Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương tiếp nhận bệnh nhân Đỗ Thị Xuyến, học sinh lớp 12, phường Tứ Minh, TP Hải Dương trong tình trạng xuất huyết. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương quyết định chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện 108. Tại đây, Xuyến có biểu hiện sốc nhiễm trùng, suy hô hấp, rối loạn đông máu. Xét nghiệm cho thấy bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết/viêm màng não mủ do não mô cầu. Đến ngày 22/02, Xuyến đã không qua khỏi. Gia đình nữ sinh được khuyến cáo khâm liệm tử thi tại chỗ và hỏa táng để phòng tránh lây nhiễm cho cộng đồng.

Ca tử vong của nữ sinh 18 tuổi khiến người dân tại TP Hải Dương hoang mang do cơ quan y tế lo ngại những người đã từng tiếp xúc với bệnh nhân có nguy cơ nhiễm bệnh. Hơn 50 người được đưa vào danh sách theo dõi.

Viêm màng não mô cầu: Hãy tiêm phòng ngay kẻo muộn!

Bệnh nhân đầu tiên nhiễm viêm màng não mô cầu ở Hà Nội đang có dấu hiệu phục hồi sức khỏe (Ảnh: Kênh 14)

Ngay đầu tháng 3, Hà Nội đã tiếp nhận 2 trường hợp bị nhiễm viêm màng não mô cầu. Bệnh nhân đầu tiên đang được cách ly điều trị. Ngày 29/2 bệnh nhân nam 30 tuổi (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nhập viện (Bệnh viện Đa khoa Đông Anh, Hà Nội) với biểu hiện sốt, đau đầu, lơ mơ, hôn mê. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm màng não và chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và chắc chắn mắc não mô cầu dù trên cơ thể bệnh nhân không xuất hiện các ban điển hình của viêm màng não mủ. Hiện nay, bệnh nhân vẫn đang được điều trị tích cực và có dấu hiệu tiến triển tốt.

Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân sinh sống tại Quốc Oai, Hà Nội, được Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận và chẩn đoán viêm não mô cầu. Bệnh nhân đang được cách ly điều trị và tình trạng sức khỏe cũng đang khá dần lên.

Viêm màng não mô cầu cực nguy hiểm với trẻ nhỏ

Bệnh do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây ra nhiễm trùng huyết, các vi khuẩn xâm nhập vào máu và gây tổn thương nặng nề nhiều cơ quan quan trọng. Các lớp màng bao quanh não và tủy sống bị nhiễm trùng khiến não bị tổn thương. Tỷ lệ tử vong là 50% nếu không được điều trị, là 15% nếu đã được điều trị.

Bất kỳ ai cũng có khả năng mắc viêm màng não dù là người lớn hay trẻ nhỏ. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là hai đối tượng dễ mắc bệnh và nguy cơ tử vong cao.

Viêm màng não mô cầu: Hãy tiêm phòng ngay kẻo muộn!

Trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc viêm màng não mô cầu và chịu ảnh hưởng nặng nề (Ảnh minh họa: Internet)

Bệnh viêm màng não mô cầu rất dễ lây lan do lây truyền qua đường hô hấp. Người lành chỉ cần tiếp xúc, hít phải các loại dịch tiết ra từ người bệnh đều có nguy cơ mắc bệnh và bùng phát thành dịch. Đặc biệt trong thời tiết giao mùa đông xuân hiện nay, khi cơ thể mệt mỏi, sức đề kháng giảm sút, trẻ nhỏ càng có nguy cơ nhiễm bệnh.

Bệnh tiến triển rất nhanh, triệu chứng giống với các bệnh viêm màng não do nhiễm siêu vi thông thường nên khó phát hiện trong giai đoạn đầu. Nhưng khi nhiễm não mô cầu, người bệnh có thể tàn tật suốt đời với những di chứng nghiêm trọng như phải cắt bỏ các chi, tổn thương não, thận, rối loạn tâm lý hoặc tử vong chỉ trong 24 giờ.

Phòng bệnh viêm não mô cầu: Chủ động tiêm phòng cho con

Biện pháp tốt nhất để phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu là tiêm vắc-xin. Trẻ nhỏ từ 2 tuổi trở lên được chỉ định tiêm phòng não mô cầu tuýp A và tuýp C. Nếu con bạn đang trong độ tuổi tiêm chủng nên chủ động đưa trẻ đến các điểm tiêm chủng để được tư vấn và thực hiện phác đồ tiêm đúng-đủ-phù hợp cho trẻ.

Do tâm lý chủ quan bệnh viêm màng não mô cầu hiếm gặp, ít xuất hiện, nên nhiều gia đình không đưa trẻ đi tiêm trước khi dịch bệnh bùng phát. Hiện nay, nhiều điểm tiêm chủng tại Hà Nội, Hải Dương, TP.HCM đều đang 'cháy hàng' vắc-xin viêm màng não mô cầu do nhu cầu tiêm phòng của người dân tăng cao sau khi có liên tiếp các thông tin về bệnh nhân nhiễm bệnh và tử vong do não mô cầu.

Viêm màng não mô cầu: Hãy tiêm phòng ngay kẻo muộn!

Tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch là cách phòng viêm màng não mô cầu tốt nhất cho trẻ nhỏ (Ảnh min họa: Internet)

Theo thông tin từ một số cán bộ y tế, khoảng đầu tháng 4/2016 tới đây, vắc-xin viêm màng não mô cầu sẽ được bổ sung đầy đủ hơn, vì vậy các gia đình có trẻ nhỏ cần theo dõi, cập nhật tình hình vắc-xin tại các phòng tiêm chủng để tiêm phòng cho trẻ đúng lịch.

Ngoài ra, gia đình cần nhắc nhở trẻ thường xuyên rửa tay bằng xà phòng sát khuẩn. Tránh tụ tập nơi đông người. Hạn chế đưa tay chạm vào mắt, mũi, miệng khi chưa được rửa sạch. Không ôm hôn, cho trẻ lui tới các địa phương đang có dịch. Tuyệt đối cách ly người ốm (trong bất kỳ trường hợp chưa xác định rõ bệnh) với trẻ nhỏ. Khi trẻ có triệu chứng sốt cao, sợ ánh sáng, nhức đầu, buồn nôn và nôn, cứng cổ, lơ mơ, cha mẹ cần đưa ngay đến cơ sở y tế để kịp thời theo dõi và phát hiện bệnh.

>> Xem thêm: Dấu hiệu sớm của viêm màng não mô cầu ở trẻ nhỏ

Thanh Lê

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!