Ẩm thực Việt Nam không chỉ khiến thực khách thích thú bởi sự độc đáo ở hương vị mà cái tài sáng tạo trong tên gọi món ăn cũng là điều chúng ta nên tự hào. Chỉ cần vài cái liên tưởng, chơi chữ, nói lái... là biết bao nhiêu mỹ từ để gán vào từng hương vị. Bởi thế mà đôi khi thực khách cứ phải 'ngẩn ngơ' mất mấy giây với những món Việt Nam có tên lạ tai và thú vị nhưng hóa ra toàn là 'gương mặt thân quen'.
Vũ nữ chân dài - Khô nhái
Miền Tây có bao nhiêu là thức ngon vật lạ, nhưng khiến người ta nghe 'khoái' nhất có lẽ là cái tên 'vũ nữ chân dài'. À mà hiểu theo nghĩa 'khoái mồm' đấy nhé. Bởi vì chẳng có cô nàng xinh đẹp nào mà đây chính là món ăn được nhiều dân nhậu yêu thích, đó chính là khô nhái. Sở dĩ gán cho chúng cái tên mỹ miều như thế bởi vì khi phơi, những 'nàng' nhái nằm với tư thế rất độc đáo, nhìn là liên tưởng ngay đến mấy cô mẫu đang tắm nắng. Bên cạnh đó, nhờ hương vị thơm ngon, đưa đẩy vị giác của chúng nên người ta gọi vậy cho sang.
Khô nhái để lại ấn tượng cho thực khách bởi cái đậm đà và giòn thơm khi chiên. Miếng khô chấm thêm mắm me lại làm người ta đắm chìm trong vị cay the, mằn mặn, chua ngọt rất bắt vị. Những 'nàng' vũ nữ đầy đủ sắc vị này không chỉ là mồi 'bén' để lai rai mà còn góp phần làm phong phú cho nền ẩm thực đặc sắc của miền Tây.
Sà Bì Chưởng - Cơm tấm Sườn Bì Chả
Người miền Tây thấy mộc mạc vậy thôi chứ cũng văn thơ phong phú lắm. Họ thường có thú vui lái chữ khiến người ta phải mất mấy giây để động não. Đến đây, cẩn thận với những chiếc menu với dòng chữ 'Sà Bì Chưởng' nhé, không phải món gì lạ lẫm cao sang đâu mà chính là đĩa cơm tấm sườn bì chả quen thuộc.
Không biết cách gọi là có từ bao giờ nhưng hầu như ai là người gốc miền Tây cũng đều biết để kịp định hình. Chỉ có du khách phương xa là cứ ngờ ngợ mãi. Cũng một phần vì cơm tấm là món quá quen thuộc nên một chút sáng tạo bằng kiểu lái âm này làm cho người ta thích thú, tò mò hơn.
Tung lò mò
Về miền Tây, đặc biệt là vùng An Giang mà được hỏi 'Đi ăn tung lò mò không?' thì chắc chắn bạn sẽ bị ngơ ra mất mấy phút và phải 'lò mò' lên google tra xem đây là món gì. Thực chất, từ nguyên gốc của chúng là 'tung lamaow', theo tiếng Chăm có nghĩa là món ăn làm từ ruột bò. Nhưng do mọi người cứ đọc lướt qua cho nhanh nên cái tên 'tung lò mò' ra đời từ đó và phổ biến rộng rãi hơn từ gốc.
Tung lò mò là một loại lạp xưởng bò truyền thống và đặc sắc nhất của ẩm thực người Chăm. Bên trong lớp vỏ ruột bò là sự hoà hợp giữa thịt vụn và mỡ. Nhờ ướp tẩm gia vị theo công thức độc đáo mà món ăn mang đến hương vị lạ lẫm khiến người ta nhớ mãi. Những chiếc lạp xưởng căng tròn, đầy đặn nướng mọi trên than hồng vừa beo béo vừa ngọt thơm nâng niu từng cung bậc vị giác.
Cơm âm phủ
Người ta hay kháo nhau rằng đến Huế mà không thưởng thức cơm âm phủ thì coi như chuyến đi chưa trọn vẹn. Cái tên ma mị khiến ai cũng có phần sợ sệt nhưng đây là một món ăn đặc sắc và mang đậm truyền thống của ẩm thực Huế. Bắt nguồn từ một quán ăn mở vào giai đoạn 1914 - 1918, toạ lạc ở vùng đất hẻo lánh, tối tăm và chỉ có duy nhất một chiếc đèn để thắp sáng. Thêm vào đó, ông chủ chỉ bán 'độc' một món cơm nên thực khách cứ gọi vui là cơm âm phủ.
Được lưu giữ cho đến ngày nay, cơm âm phủ khác lạ bởi thành phần là cơm chiên hoặc cơm trắng và ăn cùng tới 7 món ăn kèm như rau củ, thịt, giò lụa, tôm, trứng... Điểm nhấn hương vị là sự hài hoà giữa từng nguyên liệu khi trộn tạo nên một phần ăn đầy đủ sắc màu và cân bằng. Hiện nay, cơm âm phủ cũng đã có mặt ở nhiều nơi nhưng có lẽ không nơi đâu đem đến trọn vẹn sự đặc sắc của món ăn này ngoài đất Cố Đô.
Rồng xanh vượt đại dương
Đọc menu ở một số nhà hàng, quán nhậu mà bắt gặp cái tên 'Rồng xanh vượt đại dương', nhiều người đã rất ngạc nhiên, tò mò không biết đây là món ăn gì mà có tên mĩ miều đến thế. Chắc mẩm cũng phải cao lương mĩ vị gì đây này. Nhưng khi món bày ra, ai cũng hụt hẫng mấy phần bởi chúng chính là đĩa rau muống xào tỏi vô cùng quen thuộc.
Sở dĩ có cái tên như vậy vì rau muống xào tỏi là món được nhiều người yêu thích, góp mặt trong hầu hết thực đơn của các nhà hàng, quán nhậu... Tuy nhiên, cứ để nguyên tên cũ thì nghe có vẻ bình dân nên mấy tâm hồn nhà văn, nhà thơ đã vắt óc nghĩ ra phép ẩn dụ nào cho thật sinh động và 'sang hóa' lên, nên 'Rồng xanh vượt đại dương' lại là lựa chọn phù hợp.
Có lẽ vì có hình sợi dài, mềm mại nên người ta liên tưởng cọng rau muống như rồng đang uốn lượn, lại còn được xào ngập nước nên chẳng phải đang 'vượt đại dương' hay sao? Chỉ cần một chút thêm thắt, sáng tạo mà từ món có vẻ bình dân, quen vị đã khiến thực khách thích thú và yêu thích hơn hẳn.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!