Liên quan đến sự việc một sản phụ bất ngờ mất con trong bụng khi đang chờ sinh tại Bệnh viện (BV) Từ Dũ vào đêm 28/12 gây xôn xao dư luận, ngày 7/1 bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó Giám đốc BV đã có thông tin chính thức gửi đến báo chí.
Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM).
Nguyên nhân thai nhi bất ngờ tử vong trong bụng mẹ
Cụ thể theo hồ sơ ngày 28/12 BV có tiếp nhận thai phụ N.T.K.D., là vợ của anh Nguyễn Văn Quý, lúc thai được 40 tuần tuổi. Từ lúc nhập viện, nhân viên y tế có nghe tim thai ở một số mốc thời gian khi chồng bệnh nhân thông báo chị D. liên tục đau bụng và ra dịch hồng.
Kết quả đều cho thấy tim thai bình thường.
Tuy nhiên đến 22h khi anh Q. thông báo vợ ra huyết nhiều, nhân viên y tế tiến hành kiểm tra thì phát hiện tim thai đã ngừng đập.
Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó Giám đốc BV Từ Dũ thông tin sự việc.
Chị D. được phẫu thuật mổ bắt con ngay sau đó vì có dấu hiệu nhau bong non.
Sau khi anh Quý và gia đình bức xúc cho rằng các y bác sĩ trực đã thờ ơ, tắc trách khiến anh mất con sắp sinh, ngày 6/1 phía BV Từ Dũ đã triệu tập hội đồng chuyên môn để tìm hiểu nguyên nhân thai nhi tử vong.
Bác sĩ Mỹ Nhi cho biết, quá trình chị D. đến BV và các thời điểm thân nhân báo có dấu hiệu đau bụng và ra huyết đều được thực hiện đầy đủ thăm khám chẩn đoán.
Một ca sinh tại BV Từ Dũ.
'Thời điểm 22h khi nghe chồng bệnh nhân nói ra huyết nhiều, nhân viên y tế khám lại thì tim thai rất khó nghe. Điều dưỡng đã gửi đi siêu âm lập tức. Lúc này ghi nhận thai đã chết trong tử cung.
Cổ tử cung lúc này đã nở 2-3 cm. BV luôn ưu tiên giải quyết để tránh cho sản phụ một cuộc mổ cũng như các biến chứng thai bám vết mổ cũ cho lần sau.
Tuy nhiên bệnh nhân có dấu hiệu nhau bong non, nước ối có máu, nếu để trễ có thể diễn tiến phải cắt bỏ tử cung. Do đó phải mổ nhanh để phòng ngừa nguy hiểm, bảo tồn tử cung cho bệnh nhân để còn có cơ hội sinh nở' - bác sĩ Mỹ Nhi lý giải về quyết định mổ bắt con cho sản phụ.
Ca mổ lấy thai thực hiện vào rạng sáng 29/12, ghi nhận em bé đã mất trong bụng. Sau khi xem xét kỹ và đánh giá kỹ, các bác sĩ kết luận bé tử vong do dây rốn thắt nút, dây rốn quấn 2 vòng cổ, nhau bong non.
Quá trình mổ bắt thai nhi cũng như đưa đến kết luận trên, chồng sản phụ có nhìn thấy mọi vấn đề ngay tại phòng sanh.
Cũng theo bác sĩ Mỹ Nhi, dây rốn thắt nút dẫn đến tử vong trên y văn đã có ghi nhận là hiếm gặp, tỉ lệ chỉ từ 0.3-2%.
Bác sĩ kết luận bé tử vong do dây rốn thắt nút, dây rốn quấn 2 vòng cổ, nhau bong non.
Tình trạng này khó chẩn đoán trên siêu âm vì không biết xảy ra vào thời điểm nào. Thai càng lớn càng chật chội thì càng khó phát hiện. Do đó không thể có chiến lược tầm soát bằng siêu âm mà thường phát hiện bằng tình cờ.
Dây rốn tồn tại và ngày càng siết chặt thì tuần hoàn của mẹ và con sẽ dần bị cắt đứt. Tới 1 thời điểm nào đó sẽ tử vong khi không còn tuần hoàn từ mẹ qua con.
Khi có dây rốn thắt nút, tỉ lệ mất thai tăng gấp 4 lần người bình thường. Thời điểm chuyển dạ dây rốn thắt nút nhiều và siết chặt là lúc thai dễ mất nhất.
Liệu có sự tắc trách trong quá trình điều trị cho chị D. hay không?
Trả lời cho câu hỏi này, Phó Giám đốc BV Từ Dũ cho rằng trong phần tường trình của kip trực và đối chiếu hồ sơ bệnh án đều cho thấy nhân viên y tế tại khoa Sản A làm việc đúng quy trình chuyên môn.
'Chúng tôi rất đau lòng và thông cảm với gia đình. Dù đó là rủi ro y khoa thì chúng tôi vẫn thấy mình có lỗi vì đã không giữ được đứa bé. Chúng tôi cố gắng giải thích với gia đình bằng khoa học. Chúng tôi đã họp 3 lần và đã gửi công văn lên cấp trên vào ngày 6/1' - lãnh đạo BV chia sẻ.
Lãnh đạo BV cho biết nhân viên y tế khoa sản A. làm đúng quy trình chuyên môn.
Về chi tiết chồng sản phụ liên tục thông báo vợ ra huyết nhưng nhân viên y tế chỉ phản hồi là 'chuyện bình thường thôi' rồi không can thiệp gì, bác sĩ Mỹ Nhi lý giải hiện tượng chảy máu là dấu hiệu của chuyển dạ, chỉ có thể theo dõi. Nếu can thiệp bằng việc khám âm đạo có thể gây nhiễm trùng sơ sinh.
Do đó, có nhân viên y tế trả lời với người nhà bệnh nhân như trên là không sai.
Theo quy định của BV, sản phụ chỉ được chuyển tới phòng sanh khi cổ tử cung mở 3 cm. Từ 1-3 cm chắc chắn sẽ tiết dịch liên tục, tróc nút nhầy cổ tử cung ra. Mọi thứ không có dấu hiệu bất thường, mọi quy trình chuyên môn tại khoa Sản A đều phù hợp.
Nhân viên y tế BV Từ Dũ chăm sóc trẻ sơ sinh.
'Khi có thai thì ai cũng kỳ vọng con phải khỏe mạnh và bình thường. Tuy nhiên muốn đánh giá phải trải qua một quá trình dài, phải chờ đợi thời gian chứ không thể khẳng định ngay.
Do đó khi gia đình hỏi thì BS phải nói trong chừng mực là đang theo dõi, chưa thể nói trước điều gì. Lâu dần nhiều người nhà sẽ nghĩ là y bác sĩ vô cảm nhưng không phải vậy.
Dù vậy BV khẳng định không phải lúc nào nhân viên y tế cũng giao tiếp tốt hoàn toàn. BV luôn luôn chấn chỉnh, cố gắng hết sức nhưng không thể đảm bảo tốt 100%.
Hằng năm đều có dạy kỹ năng mềm cho những người mới vào nhưng rất tiếc sẽ có những lúc bác sĩ không vượt qua được áp lực và chừng mực giao tiếp với bệnh nhân' -lãnh đạo BV nhận định.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!