'Xây hàng rào' bảo vệ sức khỏe trong đại dịch Covid-19 có khả thi?

Thời sự - 11/24/2024

Các chuyên gia Y tế khuyến cáo, trong thời điểm dịch Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp và khó lường việc chủ động tăng sức đề kháng cho cơ thể là vô cùng cần thiết.

'Xây hàng rào' bảo vệ sức khỏe trong đại dịch Covid-19 có khả thi?

Tăng cường dinh dưỡng để duy trì một hệ miễn dịch khỏe mạnh sẽ giúp chúng ta phòng chống các tác nhân gây bệnh. Ảnh TL.

Để có một cơ thể khỏe mạnh ngoài kết hợp với các biện pháp phòng dịch an toàn như đeo khẩu trang, dùng dung dịch sát khuẩn việc bổ sung lượng khoáng chất, dinh dưỡng cần thiết sẽ giúp cơ thể chống được sự xâm nhập của virus, hạn chế nguy cơ mắc bệnh.

Theo GS.TS Lê Danh Tuyên - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, trong cơ thể người hệ miễn dịch được chia thành miễn dịch bẩm sinh và miễn dịch chủ động. Miễn dịch bẩm sinh tuy không đặc hiệu và nó không giống như các Vaccine mà tạo ra hệ thống miễn dịch chủ động, nhưng đó cũng là 'hàng rào' bảo vệ đầu tiên để tránh virus xâm nhập trong cơ thể.

Hơn nữa, kể cả hệ miễn dịch bẩm sinh cũng như hệ miễn dịch chủ động thì đều hình thành qua các tế bào lympho T, lympho B và đều cần có các nguyên liệu để nó phát triển.

GS.TS Lê Danh Tuyên lấy ví dụ: mỗi người sinh ra có trọng lượng trung bình khoảng 3kg và nặng trung bình khoảng 52 đến 53kg khi trưởng thành. Vì vậy, trọng lượng 50kg mà mỗi người đó tăng lên là do thức ăn, vitamin, chất khoáng, các protein được thu nạp trong quá trình cơ thể lớn lên.

Cùng với quá trình lớn lên thì hệ miễn dịch của con người cũng ngày càng hoàn chỉnh thông qua hấp thu các chất dinh dưỡng, qua tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh và tạo ra kháng thể.

'Xây hàng rào' bảo vệ sức khỏe trong đại dịch Covid-19 có khả thi?

GS.TS Lê Danh Tuyên - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia. Ảnh TL.

Như vậy, chế độ dinh dưỡng, việc ăn uống hợp lý là hết sức quan trọng cho cơ thể nhằm tạo ra hệ thống miễn dịch để ngăn ngừa các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài. Ngoài ra, mỗi cơ thể người cũng được tiêm Vaccine để tạo ra các miễn dịch chủ động.

Cũng theo GS.TS Lê Danh Tuyên, về chế độ ăn phải thực hiện nghiêm ngặt việc ăn chín uống sôi, ăn uống đa dạng các loại thực phẩm, tăng cường các loại thực phẩm cung cấp các vi chất. Theo đó, bắt buộc phải tăng cường vi chất, bởi vi chất tham gia vào các phản ứng của cơ thể, đặc biệt là thành phần của các enzym. Vì thế, khi thiếu vi chất dinh dưỡng, sẽ không đủ khả năng để xây dựng hệ miễn dịch tốt cho cơ thể.

Chia sẻ về việc tăng cường sức đề kháng trong phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay, PGS.TS Bùi Thị Nhung - Chủ nhiệm Khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho rằng; để có cơ thể khỏe mạnh thì điều đầu tiên là chúng ta phải có chế độ ăn đủ năng lượng và chất đạm.

Tốt nhất là ăn đa dạng thực phẩm với số lượng cụ thể trong tháp dinh dưỡng cho người Việt Nam. Các vitamin và khoáng chất giúp tăng cường miễn dịch không chỉ có vitamin C mà còn có vitamin A, D, E, các chất khoáng như sắt, kẽm, selen và các chất chống oxy hóa như Flavonoid.

Hơn nữa, các loại rau gia vị ngoài cung cấp vitamin và khoáng chất còn có kháng sinh tự nhiên giúp cơ thể phòng bệnh. Với một bữa ăn khoa học và hợp lý thì cần phối hợp nhiều loại thực phẩm trong chế biến món ăn, giúp cho món ăn vừa ngon hấp dẫn và giúp cơ thể phòng bệnh.

Vào mùa đông cơ thể có nguy cơ thiếu vitamin D còn cao hơn cả thiếu vitamin C, vitamin D có vai trò quan trọng trong chống nhiễm khuẩn, tăng cường miễn dịch. Theo đó, vitamin D chỉ có khoảng 10-15% trong thực phẩm, còn 85-90% được tổng hợp khi da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.

Mọi người cần phơi nắng, để da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời khoảng 15-25 phút cơ thể mỗi ngày có thể tổng hợp 5.000-10.000 UI vitamin D. PGS.TS Bùi Thị Nhung nhấn mạnh.

Trong 16 bệnh nhân mắc Covid-19 tại Việt Nam đã khỏi bệnh và được xuất viện ghi nhận ca bệnh nhi ba tháng tuổi mắc Covid-19. Vậy làm thế nào để giúp trẻ em có cách tăng sức đề kháng tốt nhất phòng chống các bệnh truyền nhiễm. Trả lời về vấn đề này, TS Nghiêm Nguyệt Thu Trưởng Khoa Dinh dưỡng, Tiết chế - Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, đối với bé dưới sáu tháng tuổi, sữa mẹ là nguồn thức ăn quý giá, bởi sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tự nhiên và cung cấp kháng thể cho em bé.

Về sau cần cho trẻ ăn đa dạng và đầy đủ các thực phẩm tăng cường miễn dịch tự nhiên như thịt/cá/trứng, các loại quả chín, các loại sữa chua có probiotic cũng giúp tăng cường sức khỏe đường tiêu hóa, tăng sức đề kháng.

Có thể nói, sức đề kháng chính là 'hàng rào' bảo vệ sức khỏe khỏi mọi sự tấn công từ các tác nhân bên ngoài.

Sức đề kháng giúp cơ thể chống lại các tác nhân có hại như virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng xâm nhập vào bên trong gây bệnh. Nếu sức đề kháng tốt, cơ thể người sẽ khỏe mạnh và ít nguy cơ mắc bệnh hơn, trường hợp không may mắc bệnh cũng sẽ diễn biến nhẹ và phục hồi nhanh hơn.

Việc tăng cường sức đề kháng không khó, mỗi người có thể tự cải thiện bằng nhiều cách thông qua nghỉ ngơi, luyện tập và bổ sung các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể.

Trong đó chế độ dinh dưỡng cân bằng, đảm bảo cơ thể không bị thiếu hụt các dưỡng chất thiết yếu điều này đóng vai trò then chốt trong việc tạo ra hệ thống miễn dịch tốt ở mỗi cơ thể người.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!