Đây là thử nghiệm đầu tiên được FDA cho phép để kiểm tra vi khuẩn M. gen, liên quan đến viêm niệu đạo không do lậu cầu ở nam giới, viêm cổ tử cung và nhiễm trùng các cơ quan sinh sản (viêm vùng chậu) ở phụ nữ.
Bệnh nhiều người mắc nhưng ít người biết
Gần như ai cũng có thể kể một vài bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến như HIV, viêm gan b, lậu, giang mai... Nhưng có một bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất, nhiều người mắc nhất mà rất ít người biết, đó chính là bệnh do M.gen. Ước tính ít nhất trên 1% người trưởng thành nhiễm loại vi khuẩn này.
Hình ảnh vi khuẩn Mycoplasma genitalium (M.gen).
Lần đầu tiên được phân lập vào năm 1980, tuy nhiên đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa biết rõ về tác hại của vi khuẩn này gây ra cho con người cũng như việc chẩn đoán bệnh hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn.
Khi bị nhiễm vi khuẩn này, nam giới có thể có những triệu chứng như chảy dịch, bị tiểu buốt, đau khi đi tiểu. Ở nữ giới, triệu chứng thường nặng hơn như chảy dịch, ra máu trong và sau khi quan hệ, đau vùng bụng dưới...
Tuy nhiên, nhiều người bị nhiễm vi khuẩn này lại không có triệu chứng hay biểu hiện gì rõ ràng. Một trong những khó khăn khi chẩn đoán trước đây là FDA chưa công nhận bất kỳ xét nghiệm nào để chẩn đoán chính xác bệnh.
Để chẩn đoán bệnh thường phải dùng các xét nghiệm rất phức tạp và tốn kém như PCR (Phản ứng chuỗi polymerase, Phản ứng khuếch đại gene), NAAT (Khuếch đại chuỗi axit nucleic).
Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, M.gen chịu trách nhiệm gây ra khoảng 15-30% các trường hợp viêm niệu đạo kéo dài hoặc tái phát ở nam giới ở Hoa Kỳ và 10-30% các trường hợp viêm cổ tử cung ở phụ nữ. M.gen là một loại vi khuẩn phát triển chậm và rất khó phát hiện bằng các phương pháp phòng thí nghiệm truyền thống.
Ngoài ra, vi khuẩn này có thể gây một số biến chứng nặng như gây nhiễm trùng tiết niệu, nhiễm trùng cổ tử cung, nhiễm trùng vùng tiểu khung... có thể dẫn đến vô sinh hoặc khó có thai. Đây chính là điều mà các bác sĩ, nhà khoa học lo ngại.
Để điều trị bệnh cũng cần các loại kháng sinh thế hệ mới do loại vi khuẩn này không có vách tế bào nên thường không đáp ứng với các loại kháng sinh thông thường mà phải dùng đến các loại kháng sinh thế hệ mới như azithromycin hay mocifloxacin...
Do việc chẩn đoán bệnh vẫn khó khăn nên không dễ để khám và điều trị. Cần lưu ý, kể cả dùng bao cao su cũng không chắc chắn 100% phòng bệnh vì vi khuẩn Mycoplasma genitalium có thể lây qua những hành vi tình dục như hôn, vuốt ve...
Với đối tượng dưới 24 tuổi, nên đi kiểm tra mỗi năm 1 lần để chẩn đoán bệnh HIV, giang mai, Chlamydia và lậu (ảnh minh họa).
Xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán bệnh giúp điều trị kịp thời
Xét nghiệm Aptima Mycoplasma vừa được FDA cho phép tiếp thị là một xét nghiệm khuếch đại axit nucleic, phát hiện vi khuẩn M.gen trong mẫu nước tiểu, niệu đạo, tế bào dương vật, mẫu bệnh phẩm nội tiết...
FDA đã xem xét dữ liệu từ một nghiên cứu lâm sàng bao gồm thử nghiệm 11.774 mẫu. Nghiên cứu cho thấy xét nghiệm Aptima Mycoplasma xác định chính xác M.gen trong khoảng 90% mẫu lấy ở âm đạo, niệu đạo nam, nước tiểu nam và dương vật; trong mẫu nước tiểu và nội tiết nữ xác định chính xác M.gen tương ứng là 77,8% và 81,5%.
Gạc âm đạo là loại mẫu được ưa thích do hiệu quả lâm sàng tốt hơn, tuy nhiên, nếu không có gạc âm đạo có thể xét nghiệm nước tiểu. Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy xét nghiệm xác định chính xác các mẫu không có M.gen chính xác tới 97,8 - 99,6%.
Các bệnh nhân bị nhiễm trùng tiết niệu, sinh dục không xác định thường được điều trị bằng kháng sinh, một số trong đó có thể không có hiệu quả đối với M.gen.
Xét nghiệm này cung cấp cho các bác sĩ có thể phát hiện M.gen một cách tin cậy hơn, điều trị cẩn thận hơn và sử dụng các loại thuốc có hiệu quả nhất.
Trong trường hợp M.gen được phát hiện, các bác sĩ sẽ lựa chọn kháng sinh có hiệu quả với loại vi khuẩn này. Có các xét nghiệm chính xác và đáng tin cậy để xác định vi khuẩn cụ thể gây nhiễm trùng có thể giúp các bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị đúng cho nhiễm trùng, có thể làm giảm việc lạm dụng kháng sinh và giúp chống lại kháng kháng sinh của vi khuẩn.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!