Xỉa răng bằng tăm: Lợi ít, hại nhiều

Cần biết - 05/09/2024

Dùng tăm tre xỉa răng để loại bỏ thức ăn thừa bám lại trên răng. Nhưng ngoài tác dụng đó thì nó lại ẩn chứa rất nhiều nguy cơ.

Từ xưa đến nay việc dùng tăm tre để xỉa răng đã trở thành một thói quen gắn liền trong cuộc sống của người Việt. Thậm chí có người uống nước chè, nước hoa quả xong cũng xỉa răng. Một số người còn dùng cả những cành cây nhỏ, những vật nhọn… bất kể có đảm bảo vệ sinh hay không để thay tăm xỉa răng, nhiều khi còn bị chảy máu. Họ nghĩ, hành động này có thể làm răng sạch hơn. Nhưng đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm.

Xỉa răng bằng tăm: Lợi ít, hại nhiều

Thói quen dùng tăm xỉa răng đã có từ lâu đời

Thường xuyên xỉa răng bằng tăm sẽ khiến khoảng cách giữa các kẽ răng tăng lên, làm hàm răng thưa, trông rất mất thẩm mỹ. Thói quen này còn làm cho mối liên kết giữa các răng trong hàm lỏng lẻo, bám thức ăn, từ đó dễ gây nên các bệnh về răng miệng.

Xỉa răng gây tụt lợi, vỡ men

Nhiều người có thói quen dùng tăm có đầu nhọn, sắc, chọc vào khe răng làm tổn thương lợi, tụt lợi, viêm quanh chân răng. Xỉa răng làm kẽ răng ngày càng rộng, trở thành nơi 'trú ngụ' của mảng bám thức ăn, là nguyên nhân hàng đầu gây sâu răng. Men răng bị phá hỏng và răng dễ bị rụng.

Gây hại cho lợi và xương

Các thức ăn thừa giắt lại trong kẽ răng tạo thành bựa. Lúc này, vi khuẩn sinh trưởng mạnh trong môi trường miệng kết hợp với các chất khoáng lắng đọng trong nước bọt tạo thành vôi răng (cao răng). Khi bạn dùng tăm loại bỏ những thức ăn còn sót lại, thì những chiếc gai gỗ nhỏ này chọc vào phần lợi mềm sẽ làm rách lợi, gây chảy máu. Vi khuẩn ở trên tăm và trong khoang miệng lợi dụng chỗ bị nhiễm khuẩn thừa cơ đột nhập, gây viêm tấy rất khó chịu. Nếu thường xuyên phải chịu những tổn hại như vậy, lợi và xương chân răng sẽ dần dần nhỏ lại.

Xỉa răng bằng tăm: Lợi ít, hại nhiều

Xỉa răng còn có thể khiến cho lợi bị viêm nhiễm, chảy máu

Nguy cơ mắc một số bệnh nguy hiểm

Các bệnh về răng tưởng chừng đơn giản, nhưng là một trong những tác nhân khiến bạn có nguy cơ phải đối mặt với rất nhiều chứng bệnh về huyết áp, tim mạch cũng như ung thư.

Các bệnh răng miệng như nướu có thể làm phát sinh viêm không chỉ ở nướu răng mà còn ở hệ tuần hoàn, hậu quả là gây ảnh hưởng đến lưu lượng máu truyền lên não, từ đó làm suy giảm chức năng nhận thức.

Xỉa răng bằng tăm: Lợi ít, hại nhiều

Dùng chỉ nha khoa là cách loại bỏ mảng bám thức ăn an toàn nhất

Gây nên những tai nạn không đáng có

Không chỉ dừng lại ở việc gây nên các bệnh liên quan đến răng miệng, thói quen sử dụng tăm còn mang đến những nguy hiểm không lường trước được. Gần đây đã xảy ra trường hợp anh N.Đ.H (38 tuổi) phải cấp cứu và phẫu thuật để lấy que tăm gỗ có chiều dài 8cm với 2 đầu nhọn đâm sâu vào hành tá tràng.

Xỉa răng bằng tăm: Lợi ít, hại nhiều

Những chiếc tăm tre có đầu nhọn luôn gây nguy hiểm cho người dùng

Năm 2011, bệnh nhân Hoàng Văn Giang đã phải nhập viện trong tình trạng đau, sốt vì vết thương phía sau lưng bị bưng mủ. Sau khi chẩn đoán và tiến hành mổ vết thương, các y bác sĩ của Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Đắk Nông đã phát hiện và lấy ra một cây tăm xỉa răng bằng tre nhọn 2 đầu, dài khoảng 8 cm.

Xỉa răng bằng tăm: Lợi ít, hại nhiều

Cây tăm lấy ra khỏi lưng bệnh nhân Hoàng Văn Giang sau khi mổ

Bên cạnh đó, thói quen xỉa răng ở người lớn cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến trẻ em. Có trường hợp trẻ suýt thủng ruột vì nuốt tăm, hay mải cười đùa mà vô tình nuốt tăm vào bụng. Tai nạn hi hữu này khiến sức khỏe của trẻ bị tổn hại vì trầy xước đoạn ống tiêu hóa từ thực quản đến dạ dày.

Trẻ em thường chưa ý thức và hay tập bắt chước xỉa răng giống người lớn, nên có thể do vô ý nuốt tăm gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời.

Một hàm răng khỏe mạnh không những làm nụ cười thêm rạng rỡ mà còn giúp bạn nhai kỹ thức ăn và tiêu hóa tốt hơn. Vì vậy bảo vệ hàm răng là việc rất quan trọng. Nên sử dụng loại tăm nhỏ và xỉa răng nhẹ nhàng để tránh làm tổn thương lợi. Có thể dùng chỉ nha khoa để lấy các thức ăn thừa mắc trong kẽ răng. Như vậy, bạn sẽ yên tâm và tự tin hơn với một hàm răng khỏe mạnh.                          

>> Xem thêm: Gắp que tăm gỗ đâm xuyên hành tá tràng

Ảnh minh họa: Internet

Vân Doãn

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!