Xử lí khi kinh nguyệt không đều

Sức khỏe giới tính - 05/17/2024

Kinh nguyệt không đều làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh như thiếu máu, thiếu dinh dưỡng, u xơ tử cung, u nang buồng trứng...

Bình thường, ở người phụ nữ khỏe mạnh, việc ra một ít máu giữa chu kỳ kinh cũng có thể gặp do một số nguyên nhân, trong đó có thể do chảy máu từ nơi phóng noãn của buồng trứng. Khi một nang noãn ‘chín’ được phóng ra khỏi buồng trứng (thường vào ngày thứ 14 cách ngày đầu của kỳ kinh lần sau), tại buồng trứng nơi noãn đã phóng ra hình thành một cái hốc rỉ máu.

Theo ThS. Vũ Thị Tuyết Mai, Bộ Y tế, nếu không được điều trị dứt điểm, kinh nguyệt không đều làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh như bệnh kinh niên, thiếu máu, thiếu dinh dưỡng hoặc có thể là viêm nhiễm, u xơ tử cung, u nang buồng trứng. Bệnh kéo dài có thể gây vô sinh ở nữ giới.

Xoay quanh đề tài này, ThS Mai sẽ hướng dẫn chị em cách tính chu kì kinh nguyệt bình thường, cũng như các triệu chứng cần lưu ý để phát hiện sớm các dấu hiệu rối loạn. Từ đó, bạn đọc kịp thời phát hiện tình trạng bệnh của mình để có hướng điều trị sớm, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản.

Câu hỏi 1: Xin hỏi Bác sĩ chuyên gia Songkhoe.vn. Tôi năm nay 45 tuổi, hiện tại kinh nguyệt của tôi 1 tháng ra 2 lần, vòng kinh ngày chính thì vẫn ra bình thường. Còn vòng phụ là giữa tháng thì ra một ít dịch nhầy có màu hồng giống như màu cá mè. Hiện tượng này diễn ra 3 tháng nay rồi. Xin hỏi bác sĩ như vậy là bệnh gì? Và nếu có bệnh thì chữa như thế nào, chữa ở bệnh viện nào thì tốt? Xin cảm ơn bác sĩ!

Xử lí khi kinh nguyệt không đều

Ảnh minh họa

Trả lời:

Trường hợp của chị, có hiện tượng ra một ít dịch nhầy, mầu hồng như máu cá mè, đây có thể là biểu hiện của rụng trứng.

Tuy nhiên, điều này chỉ mới xuất hiện và diễn ra 3 tháng gần đây, cũng có thể do giai đoạn này nội tiết của chị có thay đổi, dao động, do bước vào độ tuổi tiền mãn kinh.

Với các biểu hiện điển hình của tiền mãn kinh thì ngoài rối loạn nội tiết, còn có thể có các biểu hiện như ngủ ít, nóng trong người, béo phì, dễ nổi giận và cáu gắt...

Trường hợp dịch xuất hiện sang màu lạ như trắng đục, vàng xanh, xám và có mùi hôi thì khi đó cần phải quan tâm vì đây là biểu hiện của viêm nhiễm.

Do vậy, để yên tâm và có biện pháp đối phó với tình trạng tiền mãn kinh (nếu có), thì chị nên đến khám tại cơ sở y tế chuyên về sản phụ khoa.

Tại đây, ngoài việc được khám để xác định các nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt, chị còn nhận được các tư vấn liên quan tới sức khoẻ sinh sản, cũng như liên quan tới giai đoạn tiền mãn kinh.

Một chế độ ăn đảm bảo chất dinh dưỡng, bổ sung vitamin và khoáng chất, giàu chất xơ và uống nhiều nước, kết hợp với sắp xếp làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, tránh lo lắng căng thẳng, sẽ giúp chị tăng cường sức khoẻ nói chung và giúp ổn định tình trạng kinh nguyệt nói riêng.

Câu hỏi 2: Thưa bác sĩ. Cho cháu hỏi cháu năm nay 19 tuổi nhưng chu kì kinh nguyệt của cháu không đều. Thường 3-4 tháng mới thấy một lần. Vậy theo bác sĩ cháu có bị làm sao không và phải nên điều trị như thế nào ạ?

Xử lí khi kinh nguyệt không đều

Ảnh minh họa

Trả lời:

Thông thường, chu kỳ kinh nguyệt khoảng 28-30 ngày, nhưng cũng có thể dài hơn hoặc ngắn hơn. Chu kỳ kinh nguyệt thường rối loạn dao động xung quanh độ tuổi dậy thì do nồng độ hoóc-môn nội tiết chưa ổn định và ổn định sau đó một vài năm.

Trường hợp của em, nếu chu kỳ kinh nguyệt kéo dài 3-4 tháng nhưng luôn đều đặn và số ngày hành kinh nằm trong giới hạn bình thường (3-7 ngày) thì vẫn có thể được coi là chu kỳ đều, chỉ khác kéo dài hơn bình thường mà thôi.

Đặc biệt, nếu có yếu tố gia đình (như mẹ, chị, em gái) cũng có chu kỳ kinh nguyệt như vậy, thì trường hợp của em được coi là bình thường và không có gì đáng ngại.

Tuy nhiên, để yên tâm hơn và đồng thời để đánh giá sức khoẻ của bộ máy sinh sản (tử cung, vòi trứng, buồng trứng...), em nên tới cơ sở y tế chuyên khoa sản phụ để kiểm tra và loại trừ các nguyên nhân bệnh lý gây rối loạn kinh nguyệt.

Chúc em vui khỏe!

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!