Xử lý dằm đâm ở trẻ nhỏ

Nuôi dạy con - 04/27/2024

Trẻ nhỏ nghịch ngợm nên rất dễ bị dằm đâm. Mảnh dằm nhỏ nhưng nếu không xử lý đúng cách sẽ rất nguy hiểm cho trẻ.

Một bé trai 11 tuổi tại Tây Ninh mới đây được cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) trong tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng vùng mặt do hàng chục mảnh dằm từ thân cây khô gây ra. Rất may, các bác sĩ đã kịp thời phẫu thuật cắt bỏ các vùng mô tổn thương và giữ lại tính mạng cho em.

'Nhỏ mà có võ'

Những vết dằm tuy có kích thước rất nhỏ, đôi khi chỉ gây khó chịu cho trẻ khi chưa kịp thời được gắp ra nhưng cũng có không ít trường hợp trẻ bị tổn thương nghiêm trọng vì bị dằm đâm.

Xử lý dằm đâm ở trẻ nhỏ

Trẻ nhỏ dễ bị dằm đâm do hay nghịch ngợm (Ảnh minh họa: Internet)

Nguy cơ lớn nhất là trẻ mắc bệnh uốn ván, bệnh do vi khuẩn clostridium tetani gây ra. Loại vi khuẩn này tồn tại trong các mảnh dằm và xâm nhập vào cơ thể người thông qua các vết thương ở da. Nhiều trường hợp gặp biến chứng nghiêm trọng do bố mẹ coi thường không cho trẻ tiêm phòng vắc-xin uốn ván.

Một số trường hợp khác là do trẻ bất cẩn bị ngã bên ngoài nhưng không biết mình đã bị dằm đâm. Thực tế là các mảnh dằm này nằm sâu trong vết thương khiến phụ huynh khó phát hiện, gây ra tình trạng nhiễm trùng nặng nề.

Biện pháp xử lý khi trẻ bị dằm đâm:

Vệ sinh sạch sẽ

Nếu bạn chưa thể lấy được mảnh dằm ra ngay lập tức cho bé thì cũng phải nhắc nhở để trẻ giữ vệ sinh sạch sẽ vết thương có dằm. Không để trẻ sờ mó, nghịch bẩn làm vết thương trở nên nghiêm trọng.

Gắp dằm bằng nhíp

Khi trẻ bị dằm đâm, bạn nên dùng nhíp đã được khử trùng để gắp chúng ra nhẹ nhàng thay vì cố gắng dùng móng tay hoặc các đồ vật khác để loại bỏ. Những hành động này vô tình đẩy mảnh dằm càng vào sâu bên trong.

Xử lý dằm đâm ở trẻ nhỏ

Nếu không xử lý kịp thời, mảnh dằm không chỉ gây đau mà còn có thể khiến trẻ bị nhiễm trùng (Ảnh minh họa: Internet)

Dùng băng dính và xà bông

Một mẹo rất đơn giản để lấy nhằm ra nhanh mà không khó nhọc chính là sử dụng xà bông. Bạn có thể bôi một lớp dày xà bông tại vết thương (thông thường là ở tay) rồi quấn băng dính xung quanh, mục đích để làm mềm lỗ dằm đâm và tự nó bong ra.

Bạn cũng có thể dùng băng dính trong dính nhẹ đầu dằm để lôi chúng ra khỏi vết thương. Cách làm này cần khéo léo và kiên nhẫn.

Sau khi lấy dằm

Ngay khi lấy được mảnh dằm, bạn nên bôi thuốc mỡ kháng sinh, băng nhẹ và làm sạch vết thương hàng ngày đến khi lành hẳn. Không nên để vết thương bị nhiễm bẩn làm tăng nguy cơ nhiễm trùng với biểu hiện thường gặp là mưng mủ, sốt cao ở trẻ.

Trường hợp cần đi khám

Khi trẻ bị dằm đâm ở mức độ nhẹ, gia đình hoàn toàn có thể xử trí tại nhà. Tuy nhiên, bạn cần cân nhắc một số trường hợp nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thầy thuốc xử lý như: Đã thử nhiều cách khác nhau nhưng không lấy được dằm, trẻ bị quá nhiều mảnh dằm đâm, kích thước dằm quá to, dằm đâm vào các vị trí nguy hiểm như mắt, bộ phận sinh dục… Một số trường hợp cần thiết sẽ được chỉ định tiêm phòng uốn ván.

Thanh Lê

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!