Xử lý thế nào khi bé bị hẹp bao quy đầu

Làm mẹ - 11/24/2024

Cha mẹ nên chú ý đến dương vật của bé để kịp thời phát hiện tình trạng hẹp bao quy đầu.

Hẹp bao quy đầu là tình trạng lớp da ở phần đầu của dương vật không tụt được xuống để lộ phần quy đầu dương vật, khiến việc vệ sinh khó khăn, làm tăng nguy cơ viêm nhiễm, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản và tình dục sau này.

Khi mới sinh, đa số trẻ có tình trạng hẹp bao quy đầu sinh lý, tức là bao quy đầu không kéo tuột xuống được do có tình trạng dính tự nhiên giữa bao quy đầu và quy đầu. Trong 3 - 4 năm đầu, do dương vật to ra, lớp bề mặt da (gọi là thượng bì) bong ra, tích tụ lại thành chất bợn nằm bên dưới da quy đầu, giúp bao quy đầu tách dần khỏi quy đầu. Nhờ những lần dương vật cương khi buồn tiểu, khi ngủ mà bao quy đầu tự tuột hẳn xuống được. Khi trẻ được 3 tuổi, 90% bao quy đầu tuột xuống được.

Hiện nay còn nhiều bậc cha mẹ chưa ý thức được việc kiểm tra xem con mình có bị hẹp bao quy đầu hay không, đồng thời cũng không biết cách vệ sinh sạch sẽ, sự tích tụ các chất cặn trong nước tiểu và dịch nhầy của đường tiết niệu đọng ở nếp da quy đầu. Đây chính là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển nhanh chóng, dẫn đến viêm nhiễm đường tiết niệu, ảnh hưởng tới thận, gây khó khăn trong quan hệ tình dục sau này, thậm chí có thể là nguyên nhân dẫn tới ung thư dương vật.

Xử lý thế nào khi bé bị hẹp bao quy đầu

Cần đưa bé đi khám ngay nếu sau một thời gian dài mà bao quy đầu vẫn hẹp. (Ảnh minh họa: Internet)

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị hẹp bao quy đầu

Cha mẹ có thể phát hiện con bị hẹp hay không bằng cách sau:

- Vạch da quy đầu của bé xem lỗ có hẹp không, bao quy đầu có lộn ra ngoài được không.

- Để ý quan sát, nếu thấy trẻ gặp khó khăn khi đi tiểu, bí tiểu: Trẻ thường phải rặn khi đi tiểu. Bao da quy đầu căng phồng như bong bóng. Tia nước tiểu yếu. Nhiều trẻ khóc thét và sợ hãi mỗi lần đi tiểu.

- Ngoài ra trẻ hay có biểu hiện ngứa ngáy bộ phận sinh dục, thường do không được vệ sinh đúng cách, các chất cặn bã tích tụ lại bên trong bao quy đầu gây viêm nhiễm.

Cha mẹ cần làm gì?

Có tới gần 90% trẻ mới sinh bị hẹp bao quy đầu sinh lý, nhưng sau đó cùng với thời gian, da bao quy đầu sẽ tách khỏi quy đầu. Đối với những trường hợp này bố mẹ nên chú ý nong bao quy đầu cho trẻ mỗi lần đi tắm thật nhẹ nhàng để phần bao da quy đầu dần lộ xuống. Thời điểm nong lộn bao quy đầu thích hợp nhất là khi trẻ dưới một tuổi vì giai đoạn này da quy đầu của các bé mỏng, độ đàn hồi cao.

Nếu sau một thời gian, bao quy đầu trẻ vẫn không lộn xuống được, trẻ có biểu hiện khó khăn trong khi đi tiểu hay bị viêm nhiễm cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa khám để bác sĩ có chỉ định can thiệp đúng cách. Tùy theo độ tuổi và tình trạng hẹp của bao quy đầu mà bác sĩ sẽ lựa chọn biện pháp xử trí phù hợp.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!