Xử trí khi bị sốc và đột quỵ nhiệt ngày nắng nóng

Sống khỏe mạnh - 05/07/2024

Hiện tượng sốc nhiệt và đột quỵ nhiệt trong thời tiết nóng như đổ lửa có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Cơ thể con người có chế độ tự cân bằng nhiệt tuyệt vời, nhưng sự cân bằng đó cũng chỉ ở trong mức giới hạn. Thân nhiệt bình thường của chúng ta là 37oC. Nhưng tiếp xúc kéo dài với nắng nóng, như khoảng 40 độ trở lên chẳng hạn, cơ thể bắt đầu đổ mồ hôi, thân nhiệt cũng dần tăng lên.

Nếu thân nhiệt của cơ thể chạm ngưỡng 40oC và con người ta tiếp tục phơi mình trong điều kiện nhiệt độ cực cao, mồ hôi càng toát ra nhiều thì hiện tượng mất nước càng nghiêm trọng, dẫn đến chứng đột quỵ nhiệt. Người đột quỵ nhiệt có thể mê sảng, co giật và hôn mê, thậm chí tử vong nếu không được điều trị y tế khẩn cấp.

Nếu gặp trường hợp bị đột quỵ nhiệt thì chúng ta xử trí thế nào? Trước hết, đưa bệnh nhân vào chỗ mát, cách ly với môi trường nắng nóng bên ngoài. Cởi bớt quần áo, phun nước lạnh vào người bệnh nhân. Khi nhiệt độ xuống 38oC, gọi cứu thương hoặc đưa đến cơ sở y tế gần nhất để tiếp tục theo dõi điều trị.

Xử trí khi bị sốc và đột quỵ nhiệt ngày nắng nóng

Vận động mạnh ngoài trời nắng nóng dễ xảy ra đột quỵ nhiệt (Ảnh minh họa: Internet)

Đề phòng đột quỵ nhiệt, nên tránh đi lâu, làm việc kéo dài ngoài trời khi trời nắng to; trang bị bảo hộ lao động phòng tránh nắng nóng; môi trường làm việc cần thông gió, thông khí đảm bảo; không hoạt động gắng sức khi cơ thể mệt mỏi, ăn uống không đầy đủ.     

Trong khi đó, ở thành phố, một tình trạng cũng hay xảy ra là sốc nhiệt, phản ứng tiêu cực của cơ thể khi nhiệt độ thay đổi đột ngột. Đi ngoài đường giữa trời nắng nóng 40oC mà vào ngay những chỗ có nhiệt độ quá thấp (từ 17-21oC), đôi khi sự chênh lệch nhiệt độ nhiều sẽ làm nhiệt độ cơ thể hạ đột ngột, mồ hôi không toát ra được, tổn hại đến trung khu thần kinh.

Nhẹ thì có biểu hiện mệt mỏi, lờ đờ, nói lắp, đau đầu, chóng mặt, nặng thì nhịp tim và hơi thở lúc đầu nhanh, sau đó chậm dần, khó thở, có thể dẫn đến trạng thái hôn mê. Vì thế, để tránh sốc nhiệt, nên dừng lại ở những chỗ mát hơn nhiệt độ ngoài trời từ 3-5 phút rồi mới vào trong phòng lạnh. Đồng thời, khoảng cách nhiệt độ ngoài trời nắng và nhiệt độ trong phòng chỉ nên chênh nhau từ 8 - 10 độ là an toàn nhất.

Xử trí khi bị sốc và đột quỵ nhiệt ngày nắng nóng

Nếu không được xử lý kịp thời, nạn nhân sẽ gặp nhiều biến chứng nguy hiểm (Ảnh minh họa: Internet)

Để phòng ngừa rủi ro trong thời tiết nắng nóng này, quan trọng nhất là, bạn cần uống đủ nước để bổ sung lượng chất lỏng bị mất qua mồ hôi. Uống khoảng 1-2 ly nước mỗi giờ có thể giúp bạn tránh đột quỵ nhiệt.

Khi phải ra ngoài nắng, hãy mang theo dung dịch có pha 1 thìa đường, 2 nhúm muối và 1 nhúm baking soda hoặc natri bicarbonate với khoảng 200- 300 ml nước. Đó là thức uống có chứa chất điện giải, lại bổ sung năng lượng, thúc đẩy chức năng của các khoáng chất trong cơ thể, tất cả sẽ ngăn được tình trạng mất nước, duy trì cơ thể khỏe mạnh, giúp chống chọi với thời tiết khắc nghiệt.

>> Xem thêm: Bị tổn thương não nặng do say nắng khi đi gặt lúa

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!