Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trần Đặng Ngọc Linh - Phó trưởng bộ môn ung thư Đại học Y dược TP HCM, có đến 80% phụ nữ đã quan hệ có nguy cơ nhiễm virus gây u nhú HPV vào một thời điểm nào đó trong đời. Hệ miễn dịch giúp người phụ nữ thải loại virus trong đa số trường hợp. Song ở một số người, cơ thể không đủ sức chống virus, nhiễm lâu ngày dẫn đến tiền ung thư và ung thư cổ tử cung.
Ở giai đoạn tiền ung thư, bệnh không có triệu chứng. Chị em không thể phát hiện các tế bào bất thường đang nhen nhóm trong cơ thể, nếu không đi khám phụ khoa và làm xét nghiệm tầm soát định kỳ.
Các dấu hiệu bệnh chỉ xuất hiện ở giai đoạn sau, khi khối bướu phát triển, xâm lấn xung quanh và có thể đã di căn xa. Bệnh càng trễ tỷ lệ chữa khỏi càng giảm, giai đoạn đầu khoảng 85-90%, giai đoạn II-III chỉ còn một nửa, mất khả năng làm mẹ. Giai đoạn cuối (IV), dưới 15% bệnh nhân còn sống sau 5 năm.
Ung thư cổ tử cung đe dọa mạng sống, cướp đi cơ hội làm mẹ.
Triệu chứng ung thư cổ tử cung thường mờ nhạt, dễ nhầm lẫn với các bệnh phụ khoa khác. Nhiều chị em đến thăm khám khi quá muộn. Bỏ qua 10 dấu hiệu dưới đây có thể khiến bệnh tiến triển sang giai đoạn nặng hơn, giảm cơ hội điều trị.
Chảy máu âm đạo bất thường: Khối ung thư phát triển kích thước, ăn lan sang các mô lân cận, tạo ra mạch mới, dễ vỡ, gây chảy máu. Chảy máu bất thường xảy ra giữa kỳ kinh nguyệt, sau khi quan hệ tình dục, sau mãn kinh. Máu thường đỏ tươi, lượng ít, tự ngưng nhưng sau đó lặp lại và tăng dần.
Huyết trắng: Huyết trắng lúc đầu ít, sau tăng dần, có thể loãng hay nhầy, trắng đục hoặc lẫn máu nhầy như máu cá, lâu ngày có mùi hôi.
Đau sau quan hệ: Quan hệ tình dục đau là dấu hiệu quan trọng cảnh báo tổn thương ở đường sinh dục, trong đó có ung thư cổ tử cung.
Đau vùng chậu: Cơn đau âm ỉ, xảy ra bất cứ lúc nào trong tháng và thường xuyên hơn.
Rối loạn kinh nguyệt: Ung thư cổ tử cung có thể khiến kinh nguyệt ra nhiều và kéo dài hơn bình thường, rong kinh.
Khó chịu khi tiểu: Ung thư cổ tử cung cũng có thể gây khó chịu khi tiểu, gắt buốt.
Tiểu không kiểm soát: Tiểu khó, lắt nhắt, đôi lúc kèm máu, không tự chủ là dấu hiệu cảnh báo ung thư đã lan rộng ra ngoài cổ tử cung.
Giảm cân không rõ lý do: Thường gặp ở giai đoạn muộn, sụt cân cho thấy bệnh đang tiến xa.
Mệt mỏi liên tục: Cơ thể thiếu máu và suy giảm miễn dịch. Cảm giác mệt mỏi, thiếu năng lượng dù đã nghỉ ngơi.
Đau chân: Khối ung thư lan ra làm tắc nghẽn dòng máu, gây sưng và đau chân. Đau có xu hướng liên tục và tăng theo thời gian.
Các triệu chứng này không đồng nghĩa với ung thư, mà còn gặp trong nhiều bệnh khác. Vì vậy, chị em nên nhanh chóng đi khám bác sĩ để được chẩn đoán bệnh chính xác.
Bao cao su không phòng được virus gây ung thư cổ tử cung.
Bác sĩ Linh nhấn mạnh, bao cao su không hoàn toàn phòng được virus gây ung thư cổ tử cung như chị em lầm tưởng. Bởi virus HPV dễ lây truyền khi tiếp xúc vùng sinh dục không được bao cao su che phủ, gián tiếp qua quan hệ bằng tay, đồ lót...
Các dấu hiệu trên có thể cảnh báo bệnh đang ở giai đoạn muộn. Vì vậy, không nên chờ đến khi có triệu chứng mới thăm khám phụ khoa, mà nên chủ động tầm soát hàng năm, tiêm vắcxin ngừa HPV sớm (9-26 tuổi) để giảm 70% nguy cơ ung thư cổ tử cung. Độ tuổi nhiễm HPV nhiều nhất là 20-25; tổn thương tiền ung thư thường gặp ở tuổi 35.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!