Phụ nữ nên đi khám thường xuyên để tầm soát ung thư cổ tử cung. Ảnh: BV
TS.BS Hàn Thị Thanh Bình, Phó Trưởng khoa Nội vú - Phụ khoa Bệnh viện K cho biết: Virus HPV có thể gây ra các bệnh ung thư cổ tử cung, ung thư âm đạo, âm hộ, các bệnh u nhú khác ở đường sinh dục…
Virus HPV lây qua đường tình dục khi quan hệ trực tiếp, lây qua các đường âm đạo, trực tràng, đường miệng… Việc sử dụng đồ dùng chung với người nhiễm HPV cũng có thể làm lây lan virus HPV.
HPV cũng có thể lây lan ngay cả khi người bệnh không có dấu hiệu hay triệu chứng gì; đặc biệt virus này không lây qua đường máu.
Không ai biết được virus HPV có thể gây bệnh lúc nào vì khi nhiễm HPV nhiều người không có triệu chứng. Riêng bệnh ung thư cổ tử cung thường gặp ở độ tuổi từ 30 - 60 tuổi, hay gặp nhất là độ tuổi từ 50 - 55 tuổi.
Theo BS. Hàn Thị Thanh Bình, việc tầm soát ung thư cổ tử cung hiện nay có thể thực hiện được tất cả các tuyến bệnh viện. Người bệnh có thể được thăm khám cổ tử cung bằng mắt thường, bằng các test kiểm tra, kiểm soát tế bào cổ tử cung, test virus HPV. Trong trường hợp có tổn thương nghi ngờ sẽ tiến hành sinh thiết cổ tử cung để kiểm tra xem người đó có bị ung thư cổ tử cung hay không.
Theo đó, để phòng lây nhiễm virus HPV và bệnh ung thư cổ tử cung do HPV gây ra, người dân có thể thực hiện một số các biện pháp sau:
- Tiêm vắc xin: Vắc xin HPV rất an toàn, có hiệu quả phòng bệnh. Vắc xin HPV được khuyến cáo cho các đối tượng nữ từ 11 – 12 tuổi đến 21. Việc tiêm vắc xin giúp tạo đề kháng với các bệnh gây ra bởi virus HPV. Vắc xin này gồm 3 mũi tiêm trong thời gian 6 tháng, tiêm đủ liệu trình giúp đạt được hiệu quả phòng bệnh.
- Để phòng lây nhiễm HPV trong quan hệ tình dục, người dân nên sử dụng bao cao su đúng cách; không quan hệ tình dục bừa bãi bởi rất dễ làm lây lan virus HPV.
- Đặc biệt, phụ nữ nên định kỳ sàng lọc phát hiện ung thư cổ tử cung, những người trong độ tuổi từ 21 đến 65 có thể làm sàng lọc giúp phát hiện và sớm có biện pháp phòng chống ung thư cổ tử cung.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!