10 thắc mắc về việc bảo quản sữa mà các bà mẹ cần lưu ý

Nuôi con bằng sữa mẹ - 09/18/2024

Làm thế nào để bảo quản sữa mẹ đúng cách để đảm bảo bé được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, phát triển khỏe mạnh?

Sau kì nghỉ thai sản, mẹ luôn bận tâm lo lắng làm sao để con đủ sữa trong thời gian mẹ làm việc. Đồng thời, trữ sữa bao nhiêu là đủ và bảo quản sữa mẹ đúng cách là như thế nào để sữa vẫn đủ dinh dưỡng cho bé yêu ở nhà đây? 

Việc bảo quản sữa mẹ đúng cách rất quan trọng vừa giúp trẻ hấp thụ đủ dinh dưỡng vừa tốt cho trẻ khi vẫn được tiêu thụ sữa từ chính mẹ. Vì sữa mẹ là tốt nhất cho trẻ và có các lợi ích mà các loại sữa khác không thể thay thể được để trẻ phát triển một cách toàn diện nhất. Sau đây là một số lưu ý về việc quản bảo sữa như thế nào là tốt, là đủ và an toàn cho trẻ.

1. Sau khi vắt, tôi nên đựng sữa ở đâu?

10 thắc mắc về việc bảo quản sữa mà các bà mẹ cần lưu ý

Trước khi vắt sữa, bạn hãy rửa tay bằng xà bông và tiệt trùng dụng cụ hay máy vắt sữa. Sau khi vắt, bạn bảo quản sữa trong bình, lọ thủy tinh hoặc nhựa cứng không chứa BPA, có nắp đậy. Bạn cũng có thể sử dụng túi nhựa được thiết kế dành cho việc trữ sữa.

Đồ đựng bằng thủy tinh được xem là sự lựa chọn ưa thích cho sữa đông lạnh vì các thành phần sữa được bảo quản tốt hơn trong thủy tinh. Tuy nhiên, thủy tinh dễ vỡ nên gây ra sự bất tiện.

Bình nhựa cứng là một lựa chọn thứ hai. Có nhiều ý kiến khuyên bạn không nên sử dụng bình nhiều màu sắc vì chúng có thể chứa thuốc nhuộm có thể  bị rò rỉ vào sữa.

Túi trữ sữa là một lựa chọn khác. Trong ba lựa chọn lưu trữ, túi trữ sữa dễ bị rò rỉ nhất. Ngoài ra, nếu túi được để trong nước ấm, nhiễm khuẩn có thể xảy ra. Nếu bạn chọn túi trữ sữa, một số lưu ý để đảm bảo an toàn bao gồm:

  • Nên chú ý  túi dày hay mỏng để bảo đảm sữa được bảo quản tốt nhất.
  • Trong tủ đông, cất các túi sữa mẹ trong một hộp nhựa cứng có nắp đậy.
  • Không sử dụng túi ni lông thông thường để bảo quản sữa mẹ. Chỉ sử dụng túi được thiết kế đặc biệt cho việc trữ sữa.
  • Khi muốn rã đông sữa, không để nước đi qua đầu túi để tránh nước có thể tràn vào túi. Nếu nước dùng để làm  ấm bị đục thì đã
  • xảy ra hiện tượng rò rỉ và phải lấy túi sữa ra.

2. Trữ sữa mẹ đúng cách và an toàn

Sử dụng nhãn dán và mực không thấm nước ghi trên đồ đựng sữa, dán nhãn vào thân chai để bạn có thể phân biệt chúng một cách dễ dàng. Ngoài ra, bạn nên dự trữ sữa mẹ trong tủ lạnh với nhiệt độ thích hợp nếu không có ý định cho bé dùng ngay. Nếu bạn không có tủ lạnh hãy giữ sữa tạm thời trong túi giữ nhiệt có kèm theo đá khô.

3. Nên dự trữ bao nhiêu sữa mẹ?

Lượng sữa dự trữ tùy thuộc vào lượng sữa mẹ tiết ra nhiều hay ít và nhu cầu dinh dưỡng của bé. Bạn không nên trữ một lượng sữa lớn trong tủ đông, vượt xa nhu cầu của bé. Mỗi dụng cụ trữ sữa chỉ trữ từ 60 – 120ml/1 dụng cụ để tránh lãng phí nếu bé bú không hết. Ngoài ra, bạn cũng có thể cho sữa mẹ vào khay nước đá đã được rửa sạch bằng nước nóng rồi đặt vào tủ đông. Với cách này, bạn có thể dự trữ được một lượng sữa nhất định và dễ dàng rã đông khi cho bé uống hơn.

4. Có thể thêm sữa mẹ mới vắt vào trong sữa đã trữ không?

Bạn có thể thêm sữa mẹ mới vắt vào sữa được bảo quản trong tủ lạnh hoặc đông lạnh trong cùng ngày. Tuy nhiên, hãy bảo đảm là bạn đã làm lạnh sữa mới trong tủ lạnh hoặc làm lạnh hơn bằng đá trong vòng ít nhất 1 giờ trước khi hòa vào sữa cũ. Bạn không nên cho sữa ấm vào sữa đông lạnh. Làm như vậy sẽ khiến sữa đông lạnh tan ra. Hãy để sữa của những ngày khác nhau vào những hộp khác nhau.

5. Thời gian bảo quản sữa mẹ phụ thuộc phương pháp bảo quản thế nào?

  • Ở nhiệt độ phòng: Sữa mẹ mới vắt có thể được bảo quản ở nhiệt độ phòng khoảng 35oC trong 4 – 7 giờ. Nếu bạn không dùng sữa đó sớm, hãy bảo quản trong tủ lạnh hoặc tủ đông.
  • Tủ lạnh cách nhiệt: Sữa mẹ mới vắt có thể được để trong tủ ướp lạnh cách nhiệt với đá đến 1 ngày. Sau thời gian này, bạn nên cho bé dùng sữa hoặc chuyển qua dụng cụ đựng sữa chuyên dụng (túi, hộp) rồi cho vào tủ lạnh hoặc tủ đông.
  • Tủ lạnh: Sữa mẹ để trong tủ lạnh ở 0oC có thể giữ được đến 8 ngày.
  • Sữa bảo quản trong tủ đông: Sữa mẹ trữ trong tủ đông ở khoảng -20oC sẽ giữ được trong vòng 2 tuần. Nếu tủ ủ đông có một cửa tách biệt và có nhiệt độ khoảng -35oC thì sữa mẹ có thể để được từ 3 – 6 tháng. Nếu bạn có tủ đông kín, ít bị mở ra và nhiệt độ khoảng -40oC thì sữa có thể giữ được trong 12 tháng.

Bạn nên dùng sữa càng sớm càng tốt. Vài nghiên cứu khuyên rằng bạn bảo quản sữa càng lâu, dù trong tủ lạnh hay tủ đông, lượng vitamin C có trong sữa sẽ bị mất nhiều hơn. Những nghiên cứu khác chỉ ra rằng để sữa trong tủ lạnh hơn 2 ngày có thể làm giảm tính năng tiêu diệt vi khuẩn của sữa mẹ và việc trữ đông lâu có thể khiến hàm lượng chất béo trong sữa giảm.

6. Làm thế nào để làm tan và làm ấm sữa?

Trước tiên, bạn không nên quá lo lắng về bề ngoài của sữa. Sữa được bảo quản thường tách thành một lớp kem và một lớp sữa. Sữa mẹ có thể có các màu sắc từ vàng nhạt đến vàng cam, hồng, xanh lá cây, tùy thuộc vào việc bạn dùng thực phẩm, thức uống hoặc thuốc nào. Để làm tan sữa, bạn có thể cho bịch sữa/chai sữa vào trong bát nước ấm. Sau khi sữa ấm, nhẹ nhàng lắc đều bình sữa để các thành phần hòa quyện với nhau. Muốn kiểm tra nhiệt độ của sữa, bạn hãy đổ vài giọt vào cổ tay. Nếu sữa hơi nóng hoặc không nóng thì bé có thể dùng được.

7. Rã đông có giữ được dinh dưỡng trong sữa mẹ?

Bạn không nên làm tan sữa đông lạnh ở nhiệt độ phòng vì có thể khiến vi khuẩn trong sữa sinh sôi. Bạn cũng không được hâm sữa trong lò vi sóng do sức nóng phân bố không đều có thể phá hủy những kháng thể của sữa và có nguy cơ gây bỏng miệng bé. Hãy cho bé dùng sữa đã được rã đông trong vòng 24 giờ và vứt bỏ sữa dư. Bạn không nên làm đông lại số sữa đã được rã đông hoặc đã làm rã đông một phần.

Sữa được rã đông có thể có mùi hơi khác so với sữa mới vắt ra hoặc có mùi xà phòng do sự phân hủy chất béo trong sữa nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho trẻ dùng.

8. Sau khi rã đông, sữa sử dụng an toàn trong bao lâu?

Nếu đã tan hết, sữa có thể để trong ngăn mát đến 24 giờ và không nên đông lạnh lại. Một nghiên cứu cho thấy rằng vẫn có thể tiếp tục cho bé bú sữa đã sử dụng trước đó từ  1 – 2 giờ sau khi được chuẩn bị.

9. Sữa mẹ đông lạnh có bị đổi màu không?

10 thắc mắc về việc bảo quản sữa mà các bà mẹ cần lưu ý

Sữa mẹ đông lạnh có thể có màu hơi khác so với sữa tươi. Tuy nhiên, đây không phải là điều xấu. Sữa mẹ thường có màu hơi xanh, vàng hoặc nâu khi bảo quản trong tủ lạnh. Sữa mẹ khi để tủ lạnh sẽ bị tách lớp, điều này hoàn toàn bình thường. Sau khi rã đông, bạn chỉ cần lắc nhẹ để trộn chúng lại với nhau. (1) (2) (3)

10. Có thể đông lạnh lại sữa đã rã đông?

Khi sữa đã đông lạnh nếu muốn cho bé bú, bạn chỉ có thể làm tan nó trước. Sử dụng sữa ngay sau khi rã đông. Lưu ý là không đông lạnh lại sữa sau khi đã rã đông.

Hãy hỏi ý kiến chuyên gia dinh dưỡng nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào khác về cách bảo quản sữa mẹ và sử dụng sữa mẹ đã vắt để bé yêu được hưởng trọn vẹn nguồn dinh dưỡng quý giá.

Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • 4 thói quen có thể ảnh hưởng chất lượng sữa mẹ
  • Khi nào mẹ không nên cho con bú?
  • So sánh sữa bột và sữa mẹ để có sự lựa chọn đúng đắn cho con

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!