11 bước giúp mẹ cho bé bú dễ dàng hơn

Nuôi con bằng sữa mẹ - 03/28/2024

Việc cho con bú sẽ gây khó khăn cho mẹ bầu. 11 bước sau sẽ giúp việc mẹ cho con bú dễ dàng hơn: luôn luôn bên cạnh con, nhận biết dấu hiệu bé thèm bú, kiên nhẫn luyện tập cho con bú

Việc cho con bú không dễ dàng gì. Do đó, hãy tham khảo 11 bước giúp mẹ cho con bú dễ dàng trong hành trình nuôi con bằng sữa mẹ.

Không có bí quyết nào có thể giúp bạn thành công ngay trong lần đầu cho con bú sữa mẹ. Tuy nhiên, có rất nhiều bước bạn có thể thực hiện ngay từ đầu để giúp cả hai mẹ con đạt được kết quả tốt nhất.

1. Việc mẹ cho con bú sẽ dễ dàng hơn khi bắt đầu sớm

Nếu có thể, tốt nhất là bạn hãy cho bé bú ngay từ lúc mới lọt lòng. Bé thường rất háo hức và sẵn sàng bú mút trong hai giờ đầu sau khi sinh và có phản xạ mút mạnh mẽ nhất trong khoảng ba mươi phút sau khi sinh. Nhưng đừng lo lắng nếu bạn và bé đều không thành công ngay lập tức. Việc cố gắng ép buộc bé ăn khi cả hai đang kiệt sức chỉ có thể tạo ra trải nghiệm không như mong đợi.  Việc cho bé âu yếm vú mẹ cũng có hiệu quả tương đương với việc cho bé bú trong những giây phút đầu đời. Nếu bạn không ở cạnh bé sau khi sinh, hãy yêu cầu y tá đưa bé đến phòng để bạn được gần gũi con càng sớm càng tốt sau khi hoàn thành các thủ tục chăm sóc cần thiết cho bé. Bạn hãy nhớ kỹ, ngay cả một khởi đầu sớm cũng không đảm bảo thành công ngay lập tức. Dù lần đầu cho con bú có ra sao thì bạn vẫn sẽ cần luyện tập nhiều hơn nữa mới có thể thành thạo được công việc này, bạn có thể tham khảo 4 tư thế mẹ bầu cho con bú đúng cách.

2. Nêu rõ các yêu cầu của mình

Nhiều bệnh viện và hầu hết các trung tâm hộ sinh đều biết đến tầm quan trọng của việc người mẹ cho con bú sớm. Nhưng ngay cả những bệnh viện tốt nhất cũng thường chọn các phương pháp đôi khi không phù hợp với nhu cầu của các bà mẹ và trẻ sơ sinh. Để chắc chắn rằng bạn không bị cản trở việc cho con bú do các quy định tại nơi sinh, bạn hãy bày tỏ suy nghĩ của mình để các nhân viên và các y tá hiểu được nhu cầu cho bé được bú sữa mẹ của bạn.

3. Luôn luôn bên cạnh con

Đảm bảo rằng bạn và bé luôn ở bên nhau trong hầu hết hoặc toàn bộ thời gian để tạo điều kiện cho con bú. Nếu bạn đang mệt mỏi sau khi sinh, hoặc cảm thấy chưa đủ tự tin để chăm sóc cho bé 24/24, hãy ở chung phòng với bé vào một số thời điểm nhất định vào ban ngày (bạn không nên ở bên bé vào ban đêm). Với cách này, bạn có thể ở bên bé cả ngày để cho bú và y tá sẽ giúp bạn cho bú vào ban đêm nếu bé tỉnh giữa giấc, nhờ vậy mà bạn có thể được ngủ đủ giấc. Nếu việc ở bên bé 24/24 trong cùng một phòng không được bệnh viện cho phép, bạn có thể yêu cầu mang bé đến bên giường của bạn khi bé tỉnh lại và đói, hoặc ít nhất là hai đến ba giờ một lần.

4. Không cho bé bú bình

Một số người vẫn thường cố gắng vỗ về khi bé khóc giữa những lần cho bú sữa mẹ bằng cách cho bé uống nước đường. Vài ngụm nước đường sẽ thỏa mãn lòng ham thích và nhu cầu bú của bé, và khi được mang đến chỗ bạn, bé sẽ cảm thấy buồn ngủ thay vì đói. Bạn sẽ thấy bé miễn cưỡng dùng núm vú của bạn sau nhiều lần sử dụng núm vú giả, kết quả là bé ít chủ động bú hơn. Tệ hơn nữa, nếu ngực của bạn không được kích thích để sản xuất đủ sữa, một vòng luẩn quẩn sẽ bắt đầu và sẽ gây trở ngại cho việc cho bé bú sữa.

Sữa bột cũng có thể gây trở ngại cho việc cho con bú. Vì vậy, hãy yêu cầu nghiêm ngặt rằng không được cho bé ăn bất cứ gì khác ngoài thuốc. Bạn thậm chí có thể đặt một bảng hiệu lên nôi của bé ghi rõ: “Chỉ cho bú mẹ – đừng dùng bình”.

5. Chú ý yêu cầu của bé

Cho bé bú khi đang đói chứ không phải theo lịch trình cụ thể sẽ giúp bạn tập cho bé bú mẹ thành công. Nhưng những ngày đầu, bé thường ngủ nhiều hơn là cảm thấy đói và sẽ không đòi ăn nhiều, bạn cần phải chủ động cho bé ăn. Phấn đấu cho bé bú ít nhất tám đến mười hai lần một ngày, ngay cả khi nhu cầu của bé chưa đến mức đó. Điều này không chỉ giúp cho bé luôn vui vẻ mà còn làm tăng nguồn sữa của bạn, từ đó có thể đáp ứng nhu cầu cho bé phát triển.

6. Đừng để bé đánh lừa

Một vài bé trong những ngày đầu khi vừa sinh có thể tỏ ra thèm ngủ hơn thèm ăn và sẽ không buồn thức dậy thường xuyên để ăn. Mặc dù bé không cần nhiều sữa như vậy trong những ngày đầu, vú bạn vẫn luôn cần những kích thích từ bé để đảm bảo sản xuất đủ sữa cho những lúc bé thức dậy để bú.

7. Nhận biết các dấu hiệu bé thèm bú

Lý tưởng nhất là hãy cho bú khi bé có những biểu hiện thèm ăn hay thèm bú như miệng và tay bé bám lấy chỗ núm vú, hoặc bé trở nên đặc biệt nhạy cảm. Việc bé khóc ré lên thường không phải dấu hiệu thèm ăn, nên bạn đừng đợi đến khi bé khóc vì đã quá đói mới cho bé bú. Nếu bé khóc, hãy ôm và nựng bé hoặc dùng ngón tay cho bé mút để làm bé bình tĩnh trước khi bắt đầu cho bú.

8. Luyện tập, luyện tập thật nhiều

Hãy cho trẻ bú cạn kiệt sữa của bạn và đừng lo lắng là trẻ bú không đủ chất. Lượng sữa của bạn được điều tiết theo nhu cầu của trẻ và vào lúc này nhu cầu ấy không nhiều. Thực tế thì dạ dày của trẻ sơ sinh không chứa được nhiều nên lượng sữa ít ỏi mà bạn tiết ra cũng đủ cho sự phát triển của bé. Hãy xem những lần cho bú này như những buổi luyện tập kỹ năng hơn là để bé bú no bụng.

9. Hãy kiên nhẫn trong việc luyện tập cho bé bú

Không ai có thể cho con bú thành công ngay sau chỉ một lần luyện tập. Trẻ em khi mới sinh chắc chắn chẳng nhận thức được gì; và bạn – người mẹ lần đầu cho con bú cũng như vậy. Cả hai sẽ đều phải kiên nhẫn học và sẽ trải qua rất nhiều lần thử nghiệm trước khi cung hợp với cầu. Ngay cả khi hiện tại bạn thành công với bé, không điều gì có thể đảm bảo những lần cho bú sau này sẽ dễ dàng cho bạn. Hãy nhớ rằng, sẽ luôn có những yếu tố khác tác động đến việc cho bú. Đặc biệt nếu lúc mới sinh, cả mẹ và bé bị uể oải và mệt mỏi, cả hai có thể sẽ không hòa nhịp với việc cho bú được ngay. Vậy nên hãy nghỉ ngơi trước khi thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.

10. Đừng cố tự mình cho con bú

Hãy hỏi bác sĩ hoặc chuyên gia và đề nghị họ giúp đỡ trong ít nhất một vài lần cho bú đầu tiên để bạn có thể nắm rõ cách thực hành và được cung cấp những gợi ý hữu ích. Nếu bệnh viện mà bạn sinh bé không cung cấp dịch vụ này, hãy yêu cầu chuyên gia tư vấn hoặc một y tá có hiểu biết về cho con bú quan sát kỹ thuật của bạn và hướng dẫn nếu bạn và bé không thể phối hợp với nhau. Bạn có thể đề nghị sự hỗ trợ từ bạn bè, người thân và những người đã nuôi con bằng sữa mẹ thành công.

11. Giữ bình tĩnh, tập thể dục thư giãn

Đây sẽ không phải là điều dễ dàng khi bạn lần đầu làm mẹ, nhưng việc cho con bú thành công có vai trò rất quan trọng. Căng thẳng có thể ức chế việc điều tiết của sữa, nghĩa là ngay cả khi bạn đang tạo ra sữa, bạn cũng không thể truyền hết được cho bé trừ khi bạn thực sự thư giãn. Nếu bạn đang cảm thấy khó chịu và căng thẳng, hãy mời tất cả mọi người ra khỏi phòng trước khi cho bé bú. Hãy tập các bài thể dục giúp thư giãn nếu cảm thấy cần, hay bạn có thể đọc một cuốn sách hoặc tạp chí, hoặc nhắm mắt lại và lắng nghe nhạc nhẹ trong một vài phút.

Hãy hỏi ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về nhi khoa nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về việc cho con bú.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Những quan niệm sai lầm về cho con bú sữa mẹ
  • Bạn nên cho trẻ bú sữa mẹ đến khi nào?
  • Nhổ răng khôn khi cho con bú, an toàn là trên hết!

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!