Người mẹ hiện đại khi nuôi con cần có bản lĩnh vững vàng để có thể tỉnh táo nhận biết đâu là kinh nghiệm khoa học và phù hợp nhất với trẻ. Vẫn biết rằng mỗi mẹ có một phương pháp chăm sóc và nuôi con khác nhau, nhưng bài viết dưới đây vẫn chỉ ra 9 cách chăm sóc trẻ sơ sinh được cho là đã lỗi thời và mẹ nên cân nhắc khi muốn áp dụng cho con của mình.
1. Trẻ sơ sinh phải được quấn tã thật chặt
Có thể nói, quan niệm quấn chặt bé sơ sinh không mấy xa lạ với các bà mẹ cả xưa và nay. Theo quan niệm của các bà các mẹ thời xưa, quấn chặt bé sơ sinh sẽ giúp chân của bé được thẳng và không bị bành ra như chân chim. Nhưng thực tế thì các bác sĩ Nhi khoa cho rằng việc quấn chặt bé có thể gây ra chứng loạn sản khớp háng. Đây là một rối loạn bẩm sinh phổ biến ở trẻ làm gia tăng nguy cơ phải thay khớp háng khi đến tuổi trung niên. Ngoài ra việc quấn tã quá chặt còn để lại những vết hăm trên da khiến trẻ đau rát hoặc dẫn đến hăm tã. Quấn tã quá chặt còn cản trở khả năng vận động và phát triển xúc giác của trẻ do không được tự do sờ nắm, cảm nhận mọi thứ xung quanh và bị gò bó trong chiếc tã quá chật.
Một số mẹ bỉm sữa vẫn giữ quan niệm truyền thống rằng, quấn tã chặt giúp bé không giật mình, ngủ ngon hơn và cảm giác như nằm trong tử cung. Tuy nhiên, các bác sĩ cũng cho rằng, việc quấn tã là không cần thiết bởi trẻ giật mình là do thần kinh còn yếu và chưa hoàn thiện, hiện tượng này sẽ dần mất đi khi trẻ lớn hơn.
2. Phòng ngủ của trẻ càng ấm càng tốt
Một số bà mẹ có quan niệm truyền lại rằng phòng ngủ của trẻ sơ sinh phải thật ấm áp. Tuy nhiên, các nhà khoa học và chuyên gia Nhi khoa đã giải thích rằng nếu để nhiệt độ phòng quá ấm sẽ gây hại cho trẻ, điển hình là hiện tượng hạ thân nhiệt, gây đột tử ở trẻ sơ sinh. Nhiệt độ phòng thích hợp cho bé dao động từ 25-27 độ C. Tốt nhất cha mẹ nên giữ cho phòng của bé được thoáng mát, không quá nóng cũng không quá lạnh. Căn phòng mát mẻ, dễ chịu sẽ giúp bé ngủ ngon và sâu giấc hơn, lớp màng nhầy trong mũi bé không bị khô và bé dễ thở hơn.
3. Dỗ dành bé bằng đồ ngọt
Một số bà mẹ có kinh nghiệm nuôi con đã truyển lại cho những người sau hãy cho đầu vú giả vào mật ong hoặc đồ ăn ngọt để dỗ bé mỗi khi bé quấy khóc. Các bác sĩ Nhi khoa hoàn toàn phản đối quan niệm này. Trẻ sơ sinh rất dễ dị ứng với đồ ngọt, chính chúng ta cũng không thể biết được sự phản ứng của cơ thể trẻ khi tiếp xúc với hàm lượng chất ngọt nhiều như vậy. Đặc biệt là mật ong, do có nhiều tạp chất nên mật ong có thể gây ngộ độc cho bé. Ngoài ra, nếu bé đã có răng thì việc gặm nhấm những thứ có đường chỉ khiến trẻ bị sâu răng mà thôi.
4. Lúc nào cũng phải có chăn và gối trong cũi
Các bà các mẹ thường hay đặt thêm chăn, gối, gấu bông hay đồ chơi vào cũi của bé với suy nghĩ giúp bé yên tâm, ngủ ngon hơn. Nhưng hiện nay, quan niệm này đã được các y bác sĩ khuyến cáo nên thay đổi. Mẹ không nên để đồ vật gì trong giường, cũi của bé vì chúng có thể gây ngạt thở cho bé. Khi trời trở lạnh, mẹ có thể mặc cho bé những bộ đồ liền thân ấm áp, cho bé ngủ trong túi ngủ và hạn chế đắp chăn.
5. Cho trẻ nằm sấp khi ngủ
Nhiều bậc phụ huynh có thói quen cho bé nằm sấp khi ngủ với suy nghĩ khi con nằm sấp, nguy cơ bé bị hóc, sặc sẽ giảm xuống. Nhưng các bác sĩ Nhi khoa ngày nay khẳng định cho trẻ nằm sấp thậm chí còn nguy hiểm hơn cả nằm ngửa. Bởi áp lực lớn đè nặng lên bụng, ngực của bé, khiến bé càng khó thở hơn. Tư thế nằm sấp cũng khiến bé bị nóng khi áp mặt và toàn bộ phần bụng xuống dưới thay vì ngửa lên trên. Tư thế ngủ được khuyến khích dành cho các bé là nằm ngửa và quay đầu sang một bên.
6. Không gian ngủ của bé phải tuyệt đối yên tĩnh
Có một sự thật là khi ngủ, trẻ sơ sinh có xu hướng ngủ ngon hơn nếu có tiếng ồn. Nhưng đó là tiếng ồn trắng, không quá lớn. Trẻ có thể ngủ ngay cả khi mẹ đang nói chuyện điện thoại hoặc có nước chảy róc rách trong phòng tắm. Một số cha mẹ ngày nay còn bật tiếng ồn trắng để giúp trẻ ngủ nhanh hơn. Ngoài ra, nhờ tiếng ồn trắng, em bé sẽ không thức dậy nếu mẹ muốn hút bụi hoặc rửa bát đĩa.
7. Cho bé ăn theo lịch trình cố định
Mẹ nào cũng biết rằng cho bé ăn ăn là cách tốt nhất để cung cấp dinh dưỡng nuôi con lớn khôn. Và theo kinh nghiệm từ xưa, để giúp bé ăn ngoan, mẹ nên cho bé ăn theo một lịch trình đã sắp sẵn. Nhưng các bác sĩ khuyên mẹ hãy cho bé ăn theo nhu cầu chứ không nhất thiết là phải theo một quy định cứng nhắc nào. Tuy nhiên, đối với những bé dùng sữa công thức thì điều này có thể không thực hiện được, vì bé sẽ ăn theo một khung thời gian nhất định nào đó theo thói quen.
8. Cho bé ăn dặm quá sớm
Khi thấy con chậm tăng cân hoặc tâm lý sợ con còi, con không khỏe, các bà các mẹ xưa thường vội vã bỏ cho con bú mà chuyển sang ăn bột, ăn cháo từ khi trẻ mới 2, 3 tháng tuổi. Điều này rất hại cho trẻ. Hoặc nhiều bậc cha mẹ trẻ nghe theo người lớn cho bé 3 tháng tuổi ăn thêm lòng đỏ trứng hoặc một số loại thực phẩm khác kết hợp từ 4 tháng tuổi. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, cha mẹ chỉ nên cho bé ăn dặm, bổ sung thực phẩm khi bé được 6 tháng tuổi, trước thời gian này thì không nên cho trẻ ăn dặm sớm.
9. Sữa tươi tốt hơn sữa công thức
Nhiều người cho rằng sữa công thức chứa nhiều chất độc hại và thường chọn sữa tươi cho bé uống. Nhưng theo các bác sĩ, sữa tươi có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ sơ sinh vì những lí do sau:
- Chứa rất nhiều khoáng chất mà thận của em bé không thể xử lý được.
- Không có đủ hàm lượng sắt cần thiết, gây thiếu máu ở trẻ.
- Không có hàm lượng vitamin C cần thiết
- Protein trong sữa tươi có thể kích thích niêm mạc ruột.
- Nguy cơ dị ứng với sữa tươi cao hơn
- Thành phần sữa không cân bằng khiến bé dễ bị tăng cân.
Đó là lý do tại sao sữa tươi được khuyến cáo dành cho trẻ từ 1 tuổi trở lên. Và sữa công thức dành cho trẻ không xấu như cha mẹ vẫn nghĩ bởi sữa công thức là sản phẩm được sản xuất dựa trên các thông số dinh dưỡng hoàn toàn phù hợp cho trẻ sơ sinh.
Nguồn: Brightside
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!