Một nghiên cứu mới đây của Hội nhi khoa Việt Nam cho thấy: khoảng 2,1% trẻ dị ứng đạm sữa bò và 12,6% các bé có triệu chứng nghi bị dị ứng. Tuy nhiên, vấn đề hiện này chưa được nhiều người quan tâm và biết điều trị đúng cách.
Nhiều trẻ có phản ứng dị ứng muộn nên dễ bị bỏ qua hoặc chẩn đoán nhầm với các bệnh khác. Một số trẻ khác có các biểu hiện nôn trớ, tiêu chảy kéo dài, táo bón, thiếu máu, thiếu sắt, suy dinh dưỡng lâm sàng do dị ứng đạm sữa bò nhưng không được phát hiện nguyên nhân kịp thời. Ngoài ra, dị ứng đạm sữa bò thường bị chẩn đoán nhầm lẫn với bất dung nạp đường Lactose (đường sữa).
Nguồn gốc của dị ứng đạm sữa bò là do hệ miễn dịch của trẻ nhận diện sai lầm đạm trong sữa bò là một chất có hại và cố gắng bảo vệ cơ thể bằng cách ‘đánh lại’ các chất đạm này. Điều đó gây ra tình trạng dị ứng và có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể như da, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa của trẻ.
Ảnh minh họa
Sau khi trẻ uống sữa bò, những triệu chứng của dị ứng có thể xuất hiện trong vòng từ 2 tiếng đến 48 tiếng hoặc trễ hơn. Phản ứng của trẻ với đạm sữa bò thể hiện theo nhiều hình thức khác nhau. Mức độ nghiêm trọng của triệu chứng cũng tùy thuộc vào thể trạng của bé ở từng thời điểm với các biểu hiện khác nhau.
Những triệu chứng xảy ra sớm sau khi uống sữa ở trẻ bị dị ứng đạm sữa bò gồm: khó thở, sưng môi, lưỡi và mặt, phát ban, mề đay, mẫn ngứa hoặc đỏ, chàm, tiêu chảy và nôn ói. Các triệu chứng muộn là sổ mũi, ho mãn tính, thở khò khè, đau dạ dày, trào ngược dạ dày, thực quản, tiêu phân máu…
Vì các triệu chứng của dị ứng đạm sữa bò rất dễ gây nhầm lẫn với các bệnh phổ thông như viêm phế quản, tiêu chảy hay nôn trớ nên nhiều cha mẹ liên tục cho con uống kháng sinh mà không biết chỉ cần đổi sữa là hết bệnh.
Theo hướng dẫn của các tổ chức uy tín trên thế giới như Hiệp hội Nhi khoa, Tiêu hóa, Gan và Dinh dưỡng châu Âu (ESPGHAN) và Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ (AAP), Hội Nhi Khoa Việt Nam đã cùng các chuyên gia y tế xem xét, đưa ra hướng dẫn xử trí dinh dưỡng cho trẻ dị ứng đạm sữa bò. Trẻ dưới 12 tháng tuổi, thức ăn chủ yếu là sữa. Sữa mẹ là tốt nhất cho trẻ trong độ tuổi này.
Tuy nhiên, nếu trẻ không thể bú mẹ thì cách duy nhất để quản lý dị ứng đạm sữa bò là loại sữa bò và những chế phẩm ra khỏi chế độ ăn. Mẹ có thể cho trẻ sử dụng sữa công thức chứa đạm thủy phân toàn phần từ 2 tuần đến 4 tuần. Nếu sau thời gian trên, tình hình của trẻ được cải thiện thì cho trẻ thử lại sữa công thức thông thường từ đạm sữa bò. Nếu trẻ xuất hiện lại triệu chứng dị ứng sữa bò thì tiếp tục duy trì công thức sữa thủy phân toàn phần ít nhất 6 tháng đến 12 tháng.
Sữa công thức chứa đạm thủy phân toàn phần đã được kiểm nghiệm lâm sàng an toàn và hiệu quả do Hội nhi khoa Việt Nam đề nghị sử dụng cho điều trị dị ứng đạm sữa bò trong thời gian dài. Sản phẩm dinh dưỡng đặc biệt chứa đạm thủy phân toàn phần chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng, hàm lượng đúng DHA (17mg trên 100kcal) và ARA (34mg trên 100kcal) cho sự phát triển của não bộ, thị lực và hệ miễn dịch.
Thông thường, khi trẻ được một tuổi, bác sĩ sẽ cho trẻ thử dùng lại các sản phẩm dinh dưỡng thông thường có chứa đạm sữa bò nguyên vẹn. Điều này phải được thực hiện kỹ lưỡng dưới sự theo dõi của bác sĩ để đảm bảo xử trí kịp thời nếu tình trạng dị ứng vẫn còn. Nếu không có phản ứng nào xảy ra, trẻ có thể bắt đầu lại chế độ ăn bình thường với sữa bò và những chế phẩm từ sữa bò.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!