“Anh thấy biểu hiện của em y hệt như con mèo ngày trước anh nuôi sắp đẻ đi tìm chỗ lót ổ, cứ bình tĩnh, còn lâu mới đẻ.” – lời trấn an vợ đầy dí dỏm của ông bố nhiếp ảnh gia hài hước Phạm Đức Ngọc khi cùng vợ "vượt cạn" đang khiến nhiều chị em “phát hờn” vì tình cảm và sự quan tâm chăm sóc của anh dành cho bà xã của mình.
Khổ như...mang bầu là câu nói thường được nhiều người nhắc đến để nói lên sự vất vả của người phụ nữ trong suốt quá trình thai nghén, ốm nghén kéo dài, mất ngủ, bụng lớn vượt mặt và đặc biệt là những cơn đau dữ dội nhất cuộc đời. Do đó, sự đồng hành của các ông bố trong thời khắc chuyển dạ đầy khó khăn chính là nguồn động lực tinh thần to lớn giúp các mẹ bầu vượt cạn an toàn, khỏe mạnh. Chẳng thế mà câu chuyện cùng vợ vượt cạn “không thể thật hơn” của ông bố Đức Ngọc – Chủ một tiệm ảnh Apu Studio đã thu hút sự quan tâm của nhiều người trên mạng xã hội. Đặc biệt là những ai đang chuẩn bị làm cha làm mẹ.
Nếu thường ngày ông bố “phó nháy” chinh phục khách hàng qua việc thổi hồn vào những bức ảnh thì với nhật ký “đưa vợ đi đẻ”, anh lại thu hút mọi người với cách kể chuyện đầy chân thật, dí dỏm. Dưới đây là chia sẻ kinh nghiệm mà anh Đức Ngọc tâm sự trên Facebook:
“Trước khi đi đẻ, vào tuần thai thứ 36, 2 vợ chồng mình khệ nệ vác bụng bầu đến Vinmec đăng ký gói thai sản sau khi tham khảo hàng loạt các bệnh viện được các mẹ bầu đi trước review, chia sẻ kinh nghiệm cũng như tìm hiểu trên mạng internet. Cùng tâm trạng nông nóng pha chút hồi hộp của các ông bố bà mẹ trước ngày dự sinh 1 vài tuần, em xin chia sẻ kinh nghiệm đi đẻ của vợ chồng em như sau:
Đêm hôm trước khi chuyển dạ...
Vợ em xuất hiện các cơn gò cứng bụng, xoay người liên tục và đi tiểu rất nhiều lần kèm theo trạng thái đứng ngồi không yên, em trấn an vợ:
- Anh thấy biểu hiện của em y hệt như con mèo ngày trước của a sắp đẻ đi tìm chỗ lót ổ (ngày trước em bất đắc dĩ đỡ đẻ cho mèo nên có kinh trong việc này), cứ bình tĩnh, còn lâu mới đẻ
Đến sáng hôm sau, những cơn co ngày một dồn dập hơn, mỗi lần xuất hiện cơn đau là dừng hình, khom lưng và không đi lại được nữa, tranh thủ tắm gội sạch sẽ tinh tươm lên đường đi vào viện.
Ở thời điểm chuyển dạ các bố nên đặc biệt chú ý nhé, phụ nữ sắp sinh họ có sợi dây tình cảm đặc biệt với con nên khi con muốn chui ra người mẹ sẽ cảm nhận rõ ràng nhất, đừng vì chủ quan mà nghĩ đó là chuyển dạ giả như mấy lần trước đó.
Tranh thủ tắm gội sạch sẽ tinh tươm cho vợ lên đường đi vào viện.
Lên đường nhập viện...
Sau khi làm hết các thủ tục và đóng các khoản phí phát sinh khám thêm ngoài gói (gói của em là gói 36w, có 5 lần siêu âm và chạy máy thì đã sử dụng hết cả 5), chi phí phát sinh thêm bào gồm: 1 lần khám + siêu âm + chạy máy monitor là 1.660.000 đồng. Đến lúc chạy máy, bạn y tá nói:
- Nhà mình có cơn co rồi nhé, chắc chị sẽ sinh trong ngày hôm nay thôi
2 vợ chồng em nghe thấy như mở cờ trong lòng vì 5 lần chạy máy rồi, lần nào cũng như lần nào, không hề có dao động, không có cơn co,...
Chi phí phát sinh thêm bào gồm: 1 lần khám + siêu âm + chạy máy monitor là 1.660.000 đồng.
Nhập viện, vợ được đeo cho cái vòng bảng tên mã số mã vạch, quả này chắc chắn rồi, hồi hộp pha chút lo lắng là cảm giác lúc này.
Tiến vào phòng sinh...
Tưởng vào phòng sinh là đẻ ngay, ai dè đây là khỏng thời gian chờ đợi dài nhất từ trước đến giờ của em, vào phòng vẫn cứ là công cuộc theo dõi máy monitor, thỉnh thoảng lại có chị y tá vào kiểm tra, lúc này cổ tử cung đã mở 2 cm.
Các cơn co xuất hiện đều đặn khi xem trên máy monitor.
Toàn cảnh phòng sinh với các y thiết bị vây quanh.
Tận mắt chứng kiến cơn đau dữ dội của vợ...
Vợ đau càng ngày càng nhiều hơn, bác sỹ khuyến khích đi lại 1 chút cho đầu em bé thúc xuống nhiều hơn...lúc ấy khi đo đã mở được 3 cm.
Vợ hết đứng lại ngồi, xuýt xoa chưa bao giờ đau đến thế, vợ trách mẹ "sao mẹ lại bảo đẻ không đau"...
Các anh em ạ, có chứng kiến tận mắt mới cảm nhân được đau đẻ nó đau đến nhường nào, người ta so sánh đau đẻ như bẻ từng khúc từng khúc sương xườn một cũng không ngoa. Chị y tá căn dặn đi lại thật nhiều, quá trình chuyển dạ đẻ con so thường kéo dài lâu hơn (16-24 tiếng) so với con dạ (10-15 tiếng).
Em tỏ vẻ quách tỉnh (thực ra được mọi người cảnh báo trước) không dám hỏi han, chỉ dám nắm lấy 2 bàn tay động viên, hàng chục cơn đau trôi qua và kết quả là ngón tay áp út và ngón đeo nhẫn hằn lên dổ ửng vì vợ nghiến quá mạnh :((. Chồng không dám ngủ, thỉnh thoảng ngó lên máy monitor theo dõi xem nhịp tim thai hay chỉ số cơn co có gì bất thường không...thời gian cứ chậm chạp trôi từng giây, 2 vợ chồng vật vờ đến chiều tối thì y tá đưa vào bát cháo thịt bằm ăn lấy sức để sẵn sàng đêm chiến đấu, cơ mà đau quá nên động viên mãi cũng chỉ ăn được nửa bát.
Vợ đau dữ dội gò người lên từng cơn, nhìn vợ lúc này thì không 1 ông chồng nào cầm nổi lòng được, vợ đau từng cơn co thắt trong bụng thì chồng đứng bên cạnh mà xót xa từng khúc ruột. Hết gục vào vai, rồi gục xuống chân, ôi trời lúc ấy chỉ ước sao san sẻ được cơn đau dữ dội ấy cho vợ...
Cơn co kéo dài từ sáng đến 20h00 vẫn chưa dứt, Vợ đau quá không chịu nổi, gọi bác sỹ truyền gây tê màng cứng xong cái là êm ái nhẹ nhàng không còn cảm giác đau đớn gì nữa nhưng có 1 trục trặc vướng mắc không hề nhẹ là đầu em bé không chui xuống ống dẫn sinh mà lại nhô cao, 1 phần vì ối vợ bị dư nhiều, 1 phần chắc do em bé ko chịu chui ra bằng đường thông thường... Bác sỹ thông báo khả năng đẻ thường giờ chỉ còn 50-50, có khả năng phải sinh mổ nếu tình trạng vẫn cứ tiếp diễn. Đến 12h hơn, vẫn chỉ mở 4 phân, khả năng đẻ thường chỉ còn 30%, cả nhà quyết định chuyển sang đẻ mổ cấp cứu, tâm trạng bố lúc này lo lắng hơn gấp bội phần vì trước đó cứ đinh ninh quá trình chuyển dạ diễn ra nhanh chóng và thuận lợi (trước đó đi siêu âm mọi thứ đều bình thường, ngôi thai thuận, thai phát triển bình thường). Sau khi ký vào đơn cam đoan đồng ý phẫu thuật mổ đẻ, vợ được cáng di chuyển sang phòng phẫu thuật mổ lấy em bé, chồng cùng 2 mẹ di chuyển đồ đạc, vừa chờ ở ngoài vừa lo lắng vừa...run.
Đón chào sinh linh mới ra đời
Sau thời gian chờ đợi 30 phút mà dài như 3 ngày, hết thấp thỏm rồi lại hỏi thăm khi thấy có y tá hay người nhà sản phụ khác đi ra,... xe đẩy em bé Suti đã đi ra, bạn y tá chúc mừng gia đình, thông báo em bé ra đời lúc 1h20 và nặng 3 kg. Một cảm giác nghẹn ngào sung sướng khó tả khi được lên chức. Y tá đẩy em bé lên tầng 5 - nội trú sản để các y tá chăm sóc, mặc quần áo sạch sẽ thơm tho, bố và bà ngắm nhìn qua cửa kính không rời mắt, em bé mở mắt thao láo nhìn ngó thế giới lạ lẫm xung quanh và nghe các bạn khác khóc ré lên. Ông bố vội vã làm thủ tục nhận phòng rồi chạy xuống phòng hồi sức hậu sản với mẹ.
Suti ra đời lúc 1h20 và nặng 3 kg.
Lúc này là gần 2h sáng, chẳng còn sản phụ nào có mỗi vợ nằm trong phòng hồi sức rộng phải đến 200 m2, trong này rộng thật, đường vào thì lạnh và sâu hun hút... Vợ nằm bất động trên giường, người run mạnh lên bần bật từng hồi như ai đó cầm vào người và lay, hỏi y tá thì đây là phản ứng bình thường sau khi mổ. Sau khi nằm trong phòng hồi tỉnh 2 tiếng, mẹ được về phòng rồi con cũng được đẩy về phòng cùng mẹ để kịp bú sữa non vừa về rất tốt cho trẻ sơ sinh. Tiếp đó là hàng loạt các phản ứng sau mổ mà vợ phải chịu đựng như đau vết mổ dữ dội khi hết thuốc tê, ngứa ngáy khó chịu khắp người...
Cơ mà tất cả mọi đau đớn hậu sản đều được vitamin Suti xoa dịu khi ngắm nhìn thiên thần của mẹ, mẹ cháu bắt đầu bị cuồng ngắm con, ngắm từ đầu đến chân, ngắm suốt đêm tới sáng...
Mẹ bầu nên ăn gì trong những ngày sắp "vượt cạn"
Thai quá ngày và những điều nên biết
Ra máu âm đạo ba tháng cuối thai kỳ cảnh báo điều gì?
Mẹ bầu nên sinh mổ hay sinh thường?
Mẹ bầu cần phải nhớ cách chuẩn bị để sinh không đau
Chứng kiến “toàn cảnh” vợ đẻ em mới thấu nỗi lòng cha mẹ, mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày rồi nuôi nấng dưỡng dục. Em biết ơn, hạnh phúc và tự hào lắm. Rất thương vợ nhưng chỉ biết chăm sóc, động viên tinh thần vợ. Trước cứ mạnh mồm rằng, anh đau hộ em, anh sinh hộ em,...nhưng thực tế chứng minh là sợ hết hồn ạ, cứ mắt thấy tai nghe thì các anh sẽ hiểu.”
Một câu chuyện đầy chân thực và cảm động của ông bố Đức Ngọc đã thực sự tiếp thêm động lực cho các đấng mày râu. Chào đón bé yêu ra đời là cả một niềm hạnh phúc vô bờ bến của các bậc làm cha làm mẹ. Và là phụ nữ, nếu được quan tâm, chăm sóc như vậy trong giờ phút đau đớn dữ dội nhất cuộc đời làm sao không hạnh phúc cho được!
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!