Carbohydrate gần đây thường bị gắn liền với những 'tiếng xấu' như khiến chúng ta tăng cân hay mắc các vấn đề về sức khỏe khi được tiêu thụ thường xuyên trong mọi bữa ăn, bao gồm bệnh béo phì và tiểu đường. Có khá nhiều trào lưu ăn kiêng gần đây đang cổ vũ xu hướng cắt giảm - hoặc thậm chí là loại bỏ hoàn toàn lượng carbs trong khẩu phần ăn.
Trong khi đó, cũng có nhiều lời khuyên rằng carbs là một nguồn năng lượng thiết yếu đối với cơ thể và không nên bị loại bỏ khỏi khẩu phần ăn hàng ngày. Điều này có thể khiến nhiều người cảm thấy bối rối và có những lựa chọn sai lầm, dẫn đến các hậu quả không mong muốn về sức khỏe.
Theo các chuyên gia về dinh dưỡng thì một chế độ ăn lành mạnh cần đảm bảo sự đa dạng của các nguồn thực phẩm khác nhau. Các tổ chức về y tế trên thế giới cũng khuyến khích mọi người cần áp dụng các biện pháp giảm cân một cách từ từ cũng như luôn duy trì nguồn cung carbs để đảm bảo an toàn về sức khỏe. Việc từ bỏ carbs có thể gây nguy cơ mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa trong cơ thể cũng như làm suy giảm năng lượng, khiến cơ thể dễ gặp tình trạng mệt mỏi. Dưới đây là tổng hợp những hiểu nhầm thường gặp phải nhất về việc tiêu thụ carbs mà bạn nên tránh!
Hiểu nhầm #1: Tin vào con số ghi trên nhãn thực phẩm
Con số 'khối lượng tịnh' mà bạn thấy trên nhãn các thực phẩm chứa carbs sẽ dễ dàng đánh lừa người tiêu dùng. Đây là con số sau cùng về khối lượng carbs chứa trong sản phẩm, sau khi đã trừ bỏ đi lượng chất xơ - điều này khiến nhiều người yên tâm rằng mình đang ăn ít hơn lượng thực tế họ nạp vào cơ thể. Do đó, để đánh giá lượng carbs mà bạn sẽ ăn vào khi tiêu thụ một sản phẩm nào đó, bạn nên tìm thông tin ở mục Giá trị dinh dưỡng (Nutrition Facts).
Khi bạn đang thực hiện chế độ ăn low-carbs, bạn cần giới hạn lượng carbs nạp vào cơ thể trong khoảng 20gr mỗi ngày. Đây là ngưỡng cần thiết để cơ thể bạn chuyển đổi phương thức chuyển hóa năng lượng từ việc dùng nguồn carbs sang việc đốt cháy chất béo. Nếu bạn bỏ qua lượng carbs thu nhận từ chất xơ, bạn có thể sẽ tiêu thụ nhiều carbs hơn so với ngưỡng yêu cầu và không đạt được hiệu quả trong quá trình ăn kiêng low – carbs của mình.
Hiểu nhầm #2: Bánh mì, ngũ cốc và các loại thực phẩm chế biến là nguồn bổ sung carbs duy nhất
Cơ thể con người cần carbs để sinh tồn, vì đây là nguồn năng lượng ưa thích cho sự trao đổi chất của chúng ta. Tuy vậy, nhiều người cho rằng carbs chỉ đến từ những thực phẩm như bánh mì, ngũ cốc, mì ống hoặc những sản phẩm có đường và do đó họ chỉ nạp các loại thực phẩm này để bổ sung carbs cho cơ thể. Thực tế, các sản phẩm này hiện nay thường được sản xuất từ tinh bột đã qua chế biến. Nguồn carbs từ các thực phẩm chế biến sẵn này sẽ khiến cơ thể mất nhiều thời gian hơn để tiêu hóa, đồng thời chúng dễ bị tích trữ thành mỡ thay vì được tiêu thụ làm năng lượng cho hoạt động sống. Ngoài carbs, các loại thực phẩm đã qua chế biến còn chứa nhiều loại protein mà cơ thể khó tiêu thụ – vốn vẫn đang gây nhiều tranh cãi về tính an toàn cho sức khỏe con người.
Ở một góc độ khác, những người tham gia chế độ ăn low-carbs thường hay tránh các thực phẩm trên và cho rằng như vậy là đủ để cắt giảm nguồn carsb. Thực tế, carbs còn đến từ rất nhiều nguồn khác như trong các loại củ quả như đậu và khoai tây, nhiều loại trái cây và sữa. Việc không đưa những loại thực phẩm trên vào mục cần hạn chế có thể là nguyên nhân khiến chế độ ăn low – carbs của bạn bị thất bại!
Hiểu nhầm #3: Tất cả các loại carbs đều có hại cho sức khỏe
Có nhiều loại carbs khác nhau, những loại carbs bị cho là 'xấu' là những loại chứa ít giá trị dinh dưỡng như bánh kẹo ngọt, đồ uống có ga, thực phẩm chế biến sẵn. Chúng thường tạo ra sự dư thừa đường trong cơ thể cũng như là nguyên nhân làm chúng ta tăng cân. Bên cạnh đó cũng có những loại carbs 'tốt' - những thực phẩm bổ sung nhiều chất dinh dưỡng cho cơ thể ngoài carbs như chất xơ, protein và vitamin. Các loại carbs 'tốt' bao gồm các loại ngũ cốc nguyên hạt, khoai tây, đậu, ngô, nhiều loại rau củ như bí và một lượng lớn các loại trái cây. Đây là những loại carbs không nên bị cắt giảm quá mức hoặc bị loại bỏ hoàn toàn ra khỏi thực đơn ăn kiêng của bạn bởi ngoài carbs, chúng còn cung cấp nhiều dưỡng chất không thể thiếu cho cơ thể chúng ta.
Hiểu nhầm #4: Không bổ sung carbs sau khi tập thể thao
Sau khi bạn tập luyện, cơ thể bạn cần dinh dưỡng và năng lượng để phục hồi. Cường độ tập luyện cũng như thời gian tập luyện của bạn sẽ quyết định lượng dinh dưỡng bạn cần nạp vào. Nếu bạn muốn các cơ bắp phát triển, ngoài bổ sung protein, bạn cần bổ sung cả carbs. Các nghiên cứu đã cho thấy những người phối hợp cả carbs và protein sau các buổi tập sẽ đạt được kết quả tập luyện hiệu quả hơn những người không bổ sung carbs. Loại carbs hợp lý và an toàn nhất bạn nên tiêu thụ sau khi tập là từ các loại trái cây.
Nguồn: Medicaldaily
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!