4 sai lầm dinh dưỡng mà bạn thường nhầm lẫn

Dinh dưỡng - 11/24/2024

Bạn có chắc mình đã am hiểu hết các vấn đề về dinh dưỡng? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu xem sai lầm dinh dưỡng nào bạn thường gặp phải nhé.

Bạn luôn cho rằng thức ăn nhanh rất dễ tiêu hóa? Bạn từng nghĩ rằng trái cây cũng gây hại cho sức khỏe tương tự như kẹo? Nếu câu trả lời là có, bạn đã mắc vào 1 trong 4 những sai lầm dinh dưỡng thường dễ nhầm lẫn. Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu nhé! 

1. Khi ăn thức ăn nhanh, bạn có thể nhanh chóng chuyển hóa chúng thành nguồn năng lượng

Trên thực tế, chất lượng của loại thực phẩm bạn chọn ăn sẽ quyết định dạ dày mất bao nhiêu thời gian để tiêu hóa hoàn toàn. Một nghiên cứu vào năm 2015 cho thấy các chất phụ gia nhân tạo chứa trong các thực phẩm chế biến sẵn làm dạ dày khó tiêu hóa và có thể làm tăng nguy cơ gây các bệnh tự miễn dịch.

Đặc biệt, nếu bạn cố gắng bù đắp cho cơ thể sau khi ăn những thực phẩm kém chất lượng thông qua các bài tập thể chất, điều đó thật sự là một sai lầm! Như bạn đã biết, các hoạt động thể chất sẽ làm tăng áp lực tác động lên cơ thể. Tuy nhiên, do ăn các thức ăn nhanh, bạn sẽ không cung cấp lượng dưỡng chất cần thiết đủ để cơ thể hồi phục lại sau một buổi tập vất vả. Vì thế, bạn sẽ trở nên kiệt sức nhiều hơn. Để tránh gặp phải tình trạng này, bạn nên xây dựng cho bản thân một chế độ ăn uống lành mạnh. Đặc biệt nếu bạn là người thường xuyên tập luyện thể thao, việc tránh ăn các loại thức ăn nhanh và có chế độ dinh dưỡng hợp lý là cực kỳ quan trọng!

2. Ăn càng nhiều protein sẽ càng tốt cho sức khỏe

Hầu hết mọi người đều thường lo ngại về việc tiêu thụ quá nhiều carb. Trên thực tế, bạn có thể hấp thu thật nhiều các dưỡng chất đa lượng thỏa thích – bao gồm cả protein. Protein sẽ giúp bạn duy trì, phục hồi và sửa chữa các mô trong cơ thể, từ đó giúp xây dựng các múi cơ. Tuy nhiên, nếu bạn hấp thu quá nhiều protein mà cơ thể không chuyển hóa hết, lượng dưỡng chất thừa sẽ gây cản trở trong quá trình giảm cân – hay thậm chí là gây tăng cân.

Một vấn đề khác liên quan đến việc quá nhiều protein gây khử canxi từ xương. Việc ăn quá nhiều protein sẽ kích hoạt khả năng giải phóng axit trong cơ thể. Quá nhiều protein làm nồng độ axit tăng lên. Để trung hòa axit, cơ thể giải phóng các chất đệm như canxi phosphat. Để sản xuất đủ lượng canxi phosphat cần thiết, cơ thể lại “kéo” canxi từ xương. Việc đó làm giảm lượng canxi có trong xương, làm tăng nguy cơ loãng xương.

Một lượng protein quá mức có thể gây hại cho gan, não và hệ thần kinh. Khi bạn cung cấp protein cho cơ thể, cơ thể bạn sản xuất amoniac, một chất làm gan tổn hại. Hấp thu quá nhiều protein trong một thời gian dài có thể gây ra gan của bạn trở nên làm việc quá sức, cho phép ammonia và các chất độc hại khác “tung hoành”trong máu. Điều này có thể dẫn đến rối loạn chức năng não và hệ thần kinh.

4 sai lầm dinh dưỡng mà bạn thường nhầm lẫn

3. Thói quen ăn sau khi tập luyện sẽ khiến những nỗ lực của bạn thành “công cốc”

Lượng calo mà cơ thể bạn tiêu thụ sau khi tập luyện sẽ không thể chuyển hóa thành các tế bào chất béo ngay lập tức được. Do đó, điều này là không đúng! Trên thực tế, các chuyên gia sức khỏe đều khuyến khích bạn nên có một bữa ăn nhẹ sau khi cơ thể đổ mồ hôi cũng như tiêu hao năng lượng quá nhiều.

Quá trình tập luyện thực chất sẽ mang lại cho cơ thể một số tổn hại, vì thế sau khi tập luyện, đó là lúc cơ thể bạn cần thời gian để phục hồi. Việc ăn một bữa ăn giàu dinh dưỡng và lành mạnh sẽ giúp cung cấp dưỡng chất đến các tế bào, giúp hồi phục và sửa chữa các tổn thương. Quá trình hồi phục đóng vai trò quyết định hiệu quả luyện tập bởi vì việc chữa lành các tế bào từ việc tập luyện sẽ giúp tái xây dựng và duy trì các khối cơ bắp. Ngoài ra, quá trình này còn giúp tăng cường sự chuyển hóa chất cũng như khiến vóc dáng trở nên săn chắc nhanh chóng.

Do đó, để đạt được hiệu quả luyện tập tốt nhất, sau mỗi buổi tập, bạn hãy chọn ăn những thực phẩm giàu vitamin, chất khoáng, chất chống oxy hóa, protein nạc cùng chất béo tốt cho sức khỏe. Bạn có thể ăn món xà lách trộn phủ cá hồi hoặc các loại đậu và bơ, sinh tố protein cùng các loại rau củ, trái cây.

4. Trái cây giống như kẹo – đều gây hại cho sức khỏe

Một số người thường không xu hướng ăn trái cây nhiều – hay có thể nói là tránh ăn vì họ cho rằng hàm lượng đường tự nhiên chứa trong chúng sẽ gây tăng cân. Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây của Đại học Harvard đã chứng minh rằng việc hạn chế ăn các loại trái cây không có tác dụng giúp kiểm soát cân nặng. Các nhà nghiên cứu đã quan sát hơn 130.000 đối tượng là người trưởng thành và nhận thấy những người ăn thêm một khẩu phần trái cây mỗi ngày chỉ tăng lên khoảng 226,8g mỗi 4 năm.

Trái cây là nguồn giàu các dưỡng chất vô cùng quan trọng, đặc biệt là nước và chất xơ. Ngoài ra, trái cây còn giúp cung cấp lượng đường tự nhiên có nồng độ thấp hơn so với các loại thực phẩm ngọt khác. Chẳng hạn như, một chén dâu tây chỉ chứa khoảng 7g đường tự nhiên trong khi một thìa canh mật ong chứa đến 17g, 17 viên kẹo dẻo chứa đến 21g và một lon coca nhỏ chứa đến 30g!

Thậm chí, các nghiên cứu còn chứng minh rằng so với nhiều loại rau củ, trái cây còn mang lại hiệu quả giảm cân tuyệt vời hơn. Nguyên nhân là vì trái cây thường có xu hướng thay thế cho các món ăn hoặc bữa ăn giàu calo; trong khi đó, bạn chỉ có thể ăn các loại rau củ theo hướng bổ sung hoặc ăn kèm chung. Tóm lại, với việc mang lại vô số các lợi ích sức khỏe, trái cây chính là loại thực phẩm cần xuất hiện trong mỗi bữa ăn hàng ngày của bạn – miễn là bạn không ăn quá nhiều. Hãy ăn hai khẩu phần trái cây mỗi ngày – bạn có thể ăn một khẩu phần vào buổi sáng và khẩu phần còn lại vào bữa ăn nhẹ hoặc tráng miệng. Ngoài ra, bạn cũng có thể ăn nhiều hơn nếu bạn thuộc tuýp người đặc biệt năng động nhé.

Hy vọng với những chia sẻ trên, bạn sẽ hiểu hơn về chế độ dinh dưỡng của như biết cách ăn uống hợp lý để có sức khỏe tốt.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Những lưu ý “vàng” khi bổ sung protein
  • Dùng trái cây một cách thông minh
  • Cảnh báo những tác hại vô cùng đáng sợ khi bạn ăn thức ăn nhanh

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!