Gần đây trang MentalHelp.net, một trang web hỗ trợ những người nghiện các chất gây nghiện và ma túy đã đăng tải hình ảnh minh họa cho thấy những hậu quả của việc sử dụng các chất nói trên trong thai kỳ.
Tuy nhiên điều may mắn là nếu người mẹ từ bỏ việc sử dụng các chất trên ngay lập tức, tỉ lệ rủi ro cũng sẽ lập tức giảm xuống.
1. Tác hại của thuốc lá
Thai chết lưu
MentalHelp đã dẫn một loạt các nguồn thông tin cho thấy các vấn đề về tâm thần và rối loạn hành vi khi sử dụng các chất gây nghiện, đồng thời trích dẫn kết quả nghiên cứu của viện Karolinska tại Thụy Điển cho thấy việc hút thuốc lá ở người mẹ có thể khiến nguy cơ thai chết lưu tăng vọt.
Trong một nghiên cứu được triển khai trên hơn 25 ngàn phụ nữ mang thai người ta đã kết luận được tỉ lệ thai chết lưu và tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giữa những người hút thuốc và không hút thuốc trong thai kỳ đều là 2:1.
Tuy nhiên nếu người mẹ bỏ thuốc ngay tại thời điểm trong 3 tháng đầu của thai kỳ thì tỉ lệ này ngay lập tức hạ xuống mức ngang bằng với người không hút thuốc. Điều này đã cho thấyviệc dừng tiêu thụ thuốc lá ngay lập tức có thể bảo vệ được sức khỏe thai nhi. Đồng thời nguy cơ sảy thai cũng có khả năng tăng tỉ lệ thuận với số lượng thuốc mà người mẹ tiêu thụ.
Sảy thai
Tổng quan từ 98 nghiên cứu về mối tương quan giữa khói thuốc lá và hiện tượng sảy thai của các nhà nghiên cứu tại đại học Southern California đã chỉ ra mỗi điếu thuốc lá người mẹ hút vào trên 1 ngày sẽ làm tăng 1% nguy cơ sảy thai. Thậm chí ngay cả việc người mẹ hít phải khói thuốc lá do người khác nhả ra cũng có khả năng đẩy tỉ lệ sảy thai lên tới 11%.
Thậm chí ngay cả việc người mẹ hít phải khói thuốc lá do người khác nhả ra cũng khiến con gặp nguy hiểm (Ảnh minh họa)
Trung bình cứ 2% phụ nữ mang thai sẽ xảy ra hiện tượng nhau bong non nhưng nếu người mẹ có hút thuốc, nguy cơ này có thể tăng cao đột biến. Theo nghiên cứu của Đại học y tế và vệ sinh cộng đồng Johns Hopkins, tỉ lệ sảy thai cũng có khả năng tăng tới 40% nếu người mẹ hút thuốc đều đặn trước khi mang thai.
Sinh non
Sinh non có thể gây ra các biến chứng sức khỏe nghiêm trọng cho trẻ sơ sinh, bao gồm các bệnh về tim hô hấp, xuất huyết não và các rối loạn miễn dịch.
Nghiên cứu từ Đại học Modena và Reggio Emiliađã chứng minh thuốc lá làm tăng nguy cơ sinh non, và nguy cơ này tăng vọt đối với các phụ nữ hút thuốc trong thai kỳ. Việc trẻ sơ sinh ra đời có cân nặng ít hơn 2,5kg sẽ có khả năng gây ra nhiều loại bệnh, nhiễm trùng và ảnh hưởng tới khả năng học hỏi của trẻ.
Các chuyên gia từ Đại học Fukuoka, Nhật Bản đã kết luận75% nguy cơ sinh con nhẹ cân là do thuốc lá. Đồng thời kết quả nghiên cứu từ Đại học John Hopkins cũng cho thấy nguy cơ hở hàm ếch hoặc sứt môi cũng có phần của việc hút thuốc của người mẹ.
2. Tác hại của rượu
Tác hại của rượu đến thai nhi
Thai chết lưu và sảy thai
Đại học East Tennessee kết luận những phụ nữ có thói quen uống rượu trong thai kỳ có nguy cơ bị thai chết lưu cao hơn 40% so với người bình thường. Nguy cơ này thậm chí xảy ra đối với cả những người có thói quen uống rượu nhưng không thường xuyên. Khả năng sảy thai đối với người bình thường là 20% , tuy nhiên nếu người mẹ tiêu thụ rượu mỗi ngày thì tỉ lệ này sẽ vọt lên gấp nhiều lần.
Hội chứng rượu bào thai
Đây là hội chứng gây ra do việc tiếp xúc lâu ngày với rượu trước khi chào đời. Những người mắc hội chứng này có khả năng phải đối mặt với các ảnh hưởng về mặt tăng trưởng, ngoại hình, khả năng nhận thức và chậm phát triển. Việc người mẹ thường xuyên say xỉn khi mang thai sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc phải hội chứng rượu bào thai ở trẻ sơ sinh do lượng cồn trong máu cao sẽ gây hại cho quá trình phát triển của thai nhi
Bại não
Rượu có thể khiến con bị bại não (Ảnh minh họa)
Mặc dù không phải là nguyên nhân duy nhất nhưng rượu chính là nguyên nhân có khả năng cao nhất khiến trẻ bị bại não. Các chuẩn đoán về việc rối loạn nồng độ cồn trong cơ thể người mẹ cho thấy có sự gia tăng tỉ lệ thuận giữa nồng độ cồn và khả năng bị bại não ở trẻ sơ sinh.
Sinh con nhẹ cân
Chỉ cần một lượng nhỏ rượu cũng có thể đẩy nguy cơ sinh con nhẹ cân lên mức cao. Những người mẹ tiêu thụ một hoặc vài ngụm rượu mỗi ngày trong thời gian mang thai có nguy cơ sinh con nhẹ cân hơn 4 lần so với người bình thường
3. Tác hại của Cocaine
Tác hại của cocaine đến thai nhi
Dị tật tim bẩm sinh
Việc người mẹ sử dụng cocain trong thời kỳ mang thai sẽ có ảnh hưởng cực xấu tới sự phát triển của thai nhi. Cocaine có khả năng gây ra các dị tật về tim cho trẻ ngay cả trước và sau sinh, điển hình là khuyết tật tâm nhĩ, tâm thất, hai bên tim phát triển không đồng đều và rối loạn nhịp tim.
Các rối loạn này là do hiện tượng chết mô tim do tiếp xúc với cocain trong thời kỳ bào thai. Trẻ sơ sinh bị ảnh hưởng của các rối loạn này sẽ có nguy cơ mắc các bệnh về tim rất cao trong quá trình trưởng thành.
Bệnh thận
Loạn sản thận và hiện tượng thận phát triển bất thường trong thai kỳ. Theo nghiên cứu, bệnh lý này có khả năng xảy ra khi người mẹ sử dụng cocaine trong thời gian mang thai. Bệnh này sẽ làm giảm khả năng lọc máu và nước tiểu của thận, đồng thời các tế bào u nang sẽ chiếm chỗ của các tế bào thận khỏe mạnh.
Loạn sản thận từ đó sẽ khiến trẻ có thể phải cấy ghép thận và làm giảm tỉ lệ sống của trẻ sơ sinh trong trường hợp cả hai bên thận đều bị loạn sản.
Giảm lưu thông máu đến nhau thai
Cocaine là nguyên nhân gây ra hiện tượng co thắt mạch máu dẫn đến việc giảm lưu lượng oxy trong máu đến nhau thai. Việc sử dụng chất này có thể phá hỏng nhau thai, đe dọa tính mạng của cả thai nhi và người mẹ.
Sinh non
Việc người mẹ sử dụng cocain có thể gây ra khả năng sinh non cao bất thường, trẻ sinh non thường hay gặp các vấn đề về phổi, tim và não. Những người mẹ sử dụng cocaine trong thai kỳ có khả năng sinh non cao gấp 3 lần người bình thường.
Dị dạng đầu nhỏ
Những người có lượng tiêu thụ cocaine lớn trong thai kỳ đã được kết luận là sẽ sinh con có dị tật đầu nhỏ so với tỉ lệ cơ thể bình thường. Hiện tượng này có khả năng là kết quả của sự rối loạn phát triển não trong quá trình mang thai.
Bên cạnh đó, các nghiên cứu cũng cho thấy tỉ lệ sinh con nhẹ cân ở phụ nữ sử dụng cocaine trong thời gian mang thai cao gấp 3 lần người bình thường.
4. Tác hại của Heroin
Tác hại của heroin đến thai nhi
Trẻ nghiện heroin
Heroin là loại chất gây nghiện mạnh và các triệu chứng nghiện có thể được truyền cho trẻ sơ sinh từ cơ thể người mẹ.
Hội chứng cai nghiện ở trẻ sơ sinh có thể bao gồm các triệu chứng như khó chịu, khả năng điều chỉnh thân nhiệt kém và thậm chí cả co giật. Người sử dụng heroin cũng thường xuyên dùng kim tiêm, nguy cơ sử dụng chung kim tiêm dẫn tới nhiều bệnh.
HIV và viêm gan
Việc sử dụng chung kim tiêm nhiễm máu người khách có thể gây ra các bệnh lây nhiễm qua đường máu như HIV và viêm gan.
Đối với phụ nữ mang thai, vi-rút HIV và viêm gan B có thể truyền qua đường máu sang cho thai nhi, về sau gây ra bệnh AIDS, làm suy giảm các chức năng miễn dịch khiến cho đứa trẻ có thể phải cả đời sống chung với bệnh tật và thuốc men, trong khi đó vi-rút viêm gan B có thể gây ra nhiều loại bệnh ở trẻ sơ sinh, tổn thương hoặc hỏng hoàn toàn gan, thậm chí gây tử vong cho trẻ
Sinh non
Việc sử dụng heroin của người mẹ cũng có thể tạo ra các mô có hại trong nhau thai và dây rốn, hai bộ phận giữ vai trò vận chuyển chất dinh dưỡng và oxy từ mẹ sang thai nhi. Do đó sẽ gây ra khả năng sinh non, tạo ra rủi ro về mặt sức khỏe cho trẻ. Những đứa trẻ có mẹ sử dụng heroin cũng có khả năng bị nhẹ cân cao hơn bình thường gấp 4,5 lần.
>> Xem thêm: Phản ứng của thai nhi khi mẹ hút thuốc lá
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!