45 năm chung sống với mảnh bom găm vào tim nữ bác sĩ

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Gần nửa thế kỷ trước bà Tâm bị một mảnh bom nổ văng găm vào tim, bác sĩ không thể gắp ra được vì rất nguy hiểm đến tính mạng.

Nữ bác sĩ nay đã 57 tuổi sống tại quận Gò Vấp, TP HCM. 'Hồi ấy tôi cùng mẹ và một người hàng xóm bị thương, trong đó tôi bị nặng nhất với rất nhiều mảnh bom nổ găm vào bụng và ngực', bà Tâm nhớ lại.

45 năm chung sống với mảnh bom găm vào tim nữ bác sĩ

Bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM. Ảnh: NP.

Bà Tâm được một bác sĩ Hàn Quốc đang làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy cứu sống. Tuy nhiên thời ấy kỹ thuật y khoa chưa phát triển nên ê kip phẫu thuật chỉ gắp các mảnh bom găm vào bụng và ngực bà.

Riêng một mảnh bom găm vào tim, các bác sĩ không dám mạo hiểm lấy ra vì sợ nguy hiểm cho tính mạng người bệnh.

Bà Tâm cho biết suốt 45 năm qua không gặp vấn đề gì liên quan đến sức khỏe tim. Người phụ nữ lập gia đình sinh 2 đứa con khỏe mạnh. Gần đây bà cảm thấy mệt khi gắng sức và thường xuyên đánh trống ngực.

Tại Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, kết quả siêu âm cho thấy tim hở van 3 lá và đứt một số dây chằng, tim phải giãn lớn, chỉ định phẫu thuật sửa van. Kết quả chụp chiếu sau đó cho thấy ở tâm nhĩ phải tim bà Tâm có một mảnh dị vật cản quang.

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Định, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch quyết định phẫu thuật nội soi tim để sửa van 3 lá và gắp dị vật ra.

Ca phẫu thuật kéo dài 3 giờ rưỡi, các bác sĩ phải mất 20 phút để dò tìm và gắp mảnh bom kích cỡ 12x4mm ghim trong tâm nhĩ phải, nằm sát đường đi của động mạch vành phải.

Bác sĩ Định chia sẻ: 'Đây là một trường hợp rất hy hữu, dị vật không gây tổn thương tim nhiều. Chỉ cần lệch vài mm, mảnh dị vật sẽ làm tổn thương động mạch vành phải và đe dọa tính mạng người bệnh'.

Sau khi lấy dị vật, các bác sĩ mới tiến hành sửa chữa van 3 lá đồng thời tái tạo vùng thương tổn. Người bệnh phục hồi nhanh, các lá van đóng kín và hoạt động tốt.

Bác sĩ Định cho biết đây là lần đầu tiên áp dụng phương pháp mổ nội soi để gắp dị vật trong tim tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM.

Phương pháp này mang lại rất nhiều lợi ích như bệnh nhân không bị xẻ dọc xương ức như khi mổ hở, tránh nguy cơ biến chứng nhiễm trùng và xương mất vững.

Ngoài ra còn giảm thời gian thở máy sau mổ, thời gian điều trị hồi sức và tổng thời gian nằm viện sau mổ, giảm truyền máu, nhờ vậy mà quá trình điều trị bệnh nhẹ nhàng hơn, thời gian hồi phục nhanh.

        Biết để sinh tồn: Sơ cứu khi có dị vật trong tai. (Thực hiện bởi SongKhoe.vn).

>> Xem thêm: Lần đầu tiên lấy dị vật ẩn náu ở tim 45 năm bằng nội soi

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!