Những ngày vừa qua, khi cơn lũ qua đi, người dân ở các tỉnh miền Trung nhanh chóng bắt tay vào việc khắc phục: Sửa chữa nhà cửa, dọn dẹp bùn đất, quét dọn vườn tược... để nhanh chóng ổn định cuộc sống. Trong khi khắc phục, người dân đã phát hiện nhiều loại rắn độc trú ngụ tại' Khe cửa, góc nhà, trong tủ quần áo, nhà kho, gara xe, ngoài vườn... Đây đề là nơi trú ngụ lý tưởng, ít người phát hiện, rắn dễ dàng sinh sôi nảy nở.
Ngoài ra, rắn còn thường sinh sống ở những nơi ẩm thấp như: bụi cây, ngoài vườn, bờ ao, bụi cỏ... Chúng ngụy trang vào môi trường qua sắc xanh của cỏ lá nên khi phát hiện, con người thường rơi vào trạng thái bất ngờ, hoảng hốt.
Rắn độc nói riêng và rắn nói chung là nỗi sợ bản năng của nhiều người, nó được hình thành trong quá trình tiến hóa nhằm giúp con người tránh được nguy hiểm khi đối đầu với những sinh vật này. Tuy nhiên, trong cuộc đụng độ không mong muốn, chúng ta cần được trang bị những kiến thức để đối phó lại với rắn độc, tránh gây nguy hiểm.
Cách xử lý khi đối mặt với rắn độc
Trước tiên, chúng ta cần trang bị kiến thức để có thể phân biệt giữa rắn thường và rắn độc, từ đó có biện pháp đối phó phù hợp. Rắn hổ mang khi chuẩn bị tấn công thì cổ bạnh, phát ra âm thanh đặc trưng; rắn cạp nong thì có thân mình khúc vàng khúc đen; rắn cạp nia thân mình khúc trắng khúc đen; rắn lục thì thường màu xanh lá cây, đầu to hình thoi hoặc hình tam giác.
Theo Zing News, bác sĩ chuyên khoa I Trương Phước Hữu, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), tâm lý chung của nhiều người là hoảng loạn, la hét và cố gắng đuổi đánh hoặc bỏ chạy khi thấy rắn trong nhà. Tuy nhiên, tấn công hay bỏ chạy đều không phải cách xử lý tốt khi gặp rắn. Điều này thậm chí có thể tạo ra tác động ngược, khiến rắn tấn công lại bạn và người trong gia đình, nhất là trẻ em.
Khi phát hiện rắn, bạn cần nhanh chóng quan sát xung quanh và thông báo cho người xung quanh. Nếu có trẻ em, hãy đưa trẻ đến xa khu vực có rắn và dặn bé không được đến gần. Trường hợp các loài rắn độc dễ nhận biết như lục đuôi đỏ, hổ mang chúa, cạp nong, cạp nia, hãy chuẩn bị găng tay, mang ủn nếu có sẵn để tránh bị rắn cắn.
Sau đó, bạn có thể dùng cây gậy dài và nhẹ nhàng dọa đuổi chúng đi. Nếu rắn vẫn nằm yên trong hóc nhà, kẹt tủ hay quấn trong chăn, hãy để yên và đừng động đến chúng. Cách tốt nhất là gọi người có kinh nghiệm đuổi bắt rắn để cùng giải quyết, không nên xử lý một mình. Điều quan trọng nhất lúc này là giữ tâm lý bình tĩnh để giải quyết vấn đề, hành động dứt khoát.
Nếu không may mắn bị rắn độc cắn, bạn có thể gặp nguy hiểm tính mạng. Nọc các loài rắn hổ mang, cạp nong, cạp nia, lục đuôi đỏ, chàm quạp…, có thể gây rối loạn đông máu, phù nề, hoại tử, liệt cơ hô hấp, trụy tim.
Nạn nhân có thể tử vong trong vòng 30-60 phút nếu không được sơ cứu và dùng huyết thanh kháng nọc. Nguy hiểm hơn, nếu người xung quanh không có kỹ năng sơ cứu, nọc độc có thể xâm nhập nhanh hơn, tính mạng của nạn nhân càng thêm nguy cấp.
Cách sơ cứu khi bị rắn cắn
Khi bị rắn cắn, mọi sẽ sẽ bị ảnh hưởng tâm lý dẫn tới các triệu chứng như: Buồn nôn, choáng váng, nhịp tim nhanh, toát mồ hôi. Đối với rắn lành, chỉ bị trầy xước vết thương ngoài da. Nhưng với rắn độc, nạn nhân sẽ bi: Đau rát, sưng nề, chảy máu, bầm tím, thậm chí là hoại tử. Biểu hiện toàn thân là: Khó nói, sụp mí mắt, suy hô hấp, liệt toàn thân, loạn nhịp tim, chảy máu trong cơ, suy thận cấp, suy đa cơ quan.
Đầu tiên, nhanh chóng di chuyển nạn nhân xa ra khỏi tầm hoạt động của con rắn. Giữ bình tĩnh, trấn an và không để bệnh nhân cử động, di chuyển. Nên để bệnh nhân nằm hoặc ngồi nghỉ tĩnh và đặt vùng bị cắn ở vị trí thấp hơn tim. Sau đó, rửa sạch vết cắn bằng nước sạch và xà phòng. Áp dụng biện pháp băng ép bất động khi bị nhóm rắn hổ cắn có thể giúp làm chậm sự xuất hiện các biến chứng liệt và suy hô hấp do nhiễm độc thẩn kinh.
Khi bị rắn cắn, cần nhanh chóng sơ cứu, tránh để nọc độc phát tán. (Ảnh: Intetnet)
Lưu ý các vết cắn do nhóm rắn lục sưng nề nhiều không nên nẹp hoặc băng chặt, nên tháo bỏ đồ trang sức và nới lỏng quần áo chật nhằm tránh gây chèn ép gây thiếu máu nuôi dẫn đến hoại tử chi. Điều chỉnh tư thế sao cho vùng bị cắn nằm thấp hơn mức tim, kể cả trong quá trình vận chuyển đến bệnh viện. Nhanh chóng chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất, tránh tốn quá nhiều thời gian trong việc sơ cứu hoặc tự điều trị theo kinh nghiệm dân gian làm chậm trễ 'thời gian vàng' để cứu sống nạn nhân.
Ở những vùng sâu, vùng xa nếu phải vận chuyển bằng các phương tiện thô sơ như xe gắn máy… bên cạnh thực hiện các biện pháp sơ cứu như trên, cần đảm bảo an toàn cho nạn nhân như phòng ngừa bỏng chi do bô xe, té ngã do ngồi phía sau một mình…
Nếu tình trạng bệnh nhân nặng, xuất hiện các triệu chứng như: Li bì, khó thở, tím môi, tay chân lạnh… cần ngay lập tức gọi số khẩn cấp cho cơ sở y tế gần nhất hoặc cấp cứu 115 để được hỗ trợ xử trí ban đầu và vận chuyển đúng cách đến bệnh viện có đủ phương tiện hồi sức chống độc. Trong thời gian chờ sự trợ giúp y tế hoặc ngay trước khi vận chuyển nạn nhân nên thực hiện các biện pháp xử trí ban đầu như trên để làm chậm sự hấp thu nọc độc vào cơ thể và hạn chế các biến chứng.
Rất nhiều người bị rắn độc cắn dẫn đến tổn thương nặng, thậm chí là tử vong ngay sau đó. Vì vậy, mỗi chúng ta cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để đối phó với loài vật này, tránh để trường hợp xấu xảy ra.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!