Các chuyên gia cho rằng, mỗi cơn nóng giận của trẻ như la khóc, mè nheo, ăn vạ... đều là hậu quả của những nhu cầu không được đáp ứng, hoặc là cách biểu lộ trẻ đang thiếu thoải mái. Do đó, thay vì cho trẻ 'ăn đòn' ngay lập tức hay phạt trẻ, tốt nhất cha mẹ nên ngăn chặn tâm lý tiêu cực đang leo thang ở con - đơn giản là hãy giúp con bình tĩnh trước. Các biện pháp dưới đây có thể hữu ích cho bạn:
Đừng la hét với bé
Trẻ em từ 1 - 3 tuổi thường rất dễ bị kích động. Đừng để mình bị cuốn theo cơn giận dữ của bé dù bé ngang bướng không chịu nghe bất cứ điều gì bạn nói. Những lúc bé đang bù lu bù loa cách tốt nhất là ngồi bên cạnh vỗ về bé để bé bình tĩnh lại. Đừng lẳng lặng bỏ ra khỏi phòng, điều đó chỉ khiến bé thấy mình bị bỏ rời và càng dễ bị thất vọng. Mọi cơn nóng giận đều chỉ đến trong khoảng thời gian rất ngắn, sau đó bé sẽ cảm thấy an tâm và bạn cũng sẽ thấy bé nghe lời bạn hơn nếu bạn cùng con vượt qua khoảng thời gian tồi tệ ấy.
Đừng quên rằng bạn là người lớn
Đừng đặt ra điều kiện để đổi lại việc bé dừng giận dỗi, viêc đó sẽ nuôi dưỡng những thói quen xấu của con bạn. Việc cơn giận dữ của bé kéo dài bao lâu không quan trọng, quan trọng nhất là cách bạn dạy cho trẻ kiểm soát chúng. Đừng để việc người ngoài nghĩ gì ảnh hưởng đến việc bạn dạy con.
Những lúc bé giận dữ đến mất kiểm soát là thực sự bé đang thực sự sợ hãi. Điều bạn nên làm là đứng đó để giúp con bộc lộ sự khó chịu này trong một giới hạn nhất định. Nếu cơn giận dữ của bé bùng phát thành những hành động quá khích như đập phá đồ đạc hay xé đồ chơi, bạn nên đưa con tới một nơi an toàn và chỉ có mình bé với bạn (ví dụ phòng ngủ của bạn). Hãy ở bên cạnh bé cho tới khi bé không còn nổi điên lên nữa. Việc để bé thể hiện hành vi không tốt này nơi có nhiều người khiến bé khó sửa chữa khuyết điểm của mình.
Cơn nóng giận của trẻ thường xảy ra khi nhu cầu không được đáp ứng (Ảnh minh họa)
Nói chuyện với con khi cơn giận dữ trôi qua
Sau khi bé đã bình tĩnh trở lại bạn nên nói chuyện với con về những gì đã xảy ra để gần gũi và hiểu con hơn. Bạn nên nói cho bé biết mình đã buồn và thất vọng thế nào khi bé nổi khùng lên như thế và giúp bé bày tỏ sự không hài lòng của mình thay vì la hét. Nếu có thể bạn hãy cười với con và nói rằng 'Bố/mẹ xin lỗi vì đã không hiểu con'. Mọi lời xin lỗi chân thành đều đem lại sự đồng cảm.
Cố gắng ngăn chặn những cơn giận dữ - dự đoán tình huống
Nếu đã có những lần bé giận dữ vì một lí do nào đó mà bạn chưa thể xử lý được, bạn nên tránh để bé gặp lại tình huống đó lần nữa. Nếu quan sát thấy bất cứ biểu hiện nào của những cơn giận dỗi sắp sửa tới, bạn nên cảnh báo nhẹ nhàng trước điều đó cho bé. Hãy di chuyển khỏi vị trí đang ngồi (từ sân chơi vào nhà hay từ phòng khách ra bàn ăn) để bé có thời gian để điều chỉnh lại cảm xúc. Trẻ con cũng rất thích được tôn trọng và muốn thấy mình độc lập.
Quan sát những dấu hiệu của sự căng thẳng
Giận dữ là điều bình thường đối với trẻ con đặc biệt là ở những bé mới biết đi nhưng bạn cũng nên để mắt tới những dấu hiệu đó ở con bạn. Gia đình bạn đang có trục trặc? Mấy đứa lớn bắt nạt em hay hai vợ chồng bạn đã quá bận rộn để thường xuyên quan tâm tới con? Mọi thứ đều có thể gây ra những kích động tới thần kinh của bé và gây ra những cơn giận dữ vô cớ. Nếu bé thường xuyên có những màn ăn vạ kinh khủng, la hét tùm lum khi chọn quần áo mặc hay đồ chơi bạn nên đưa con tới các bác sĩ để biết rõ nguyên nhân của những trận bùng phát và thể trạng thể chất, tâm lý của bé.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!