Cái chết là một phần tất yếu của cuộc sống, nhưng chết sớm là điều chúng ta có thể phòng tránh được. Ở Việt Nam, theo thông tin từ Bộ Y tế, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam (năm 2012) là 73 tuổi. Tử vong tại bất kỳ thời điểm nào trước độ tuổi này được coi là chết sớm. Có một số yếu tố nguy cơ quan trọng góp phần gây chết sớm như bệnh mạn tính. Những yếu tố như hút thuốc, uống rượu, ăn nhiều muối, cao huyết áp được coi là các yếu tố nguy cơ làm tăng đáng kể nguy cơ chết sớm. Trong khi các tác động nguy hại của hút thuốc và cao huyết áp đã được biết đến, có những hành vi tưởng như vô hại khác cũng có thể dẫn tới chết sớm.
1. Xem tivi quá nhiều
Sau một ngày dài làm việc, việc nằm trên ghế và xem tivi không phải là thói quen dễ bỏ. Tuy nhiên, những hành vi tĩnh tại này có thể đe dọa đến tính mạng con người. Một nghiên cứu được thực hiện tại Khoa Y tế công cộng, Trường ĐH Navarra, Tây Ban Nha đã xem xét những lựa chọn lối sống của 13.284 sinh viên tốt nghiệp đại học trong thời gian trung bình là 8,2 năm. Các nhà nghiên cứu đã đặt mục tiêu xác định mối liên quan giữa nguy cơ tử vong và 3 trong số những hành vi tĩnh tại gồm xem tivi kéo dài, thời gian dài ngồi trên ô tô và dành cho Internet. Kết thúc nghiên cứu này, có tổng cộng 97 người tham gia đã chết, bao gồm 19 người chết vì các biến chứng tim mạch, 46 người chết vì ung thư và 32 người chết vì các nguyên nhân khác.
So với những người xem tivi không quá 1 giờ, những người xem từ 3 giờ trở lên đã tăng gấp đôi nguy cơ chết sớm. Mặt khác, thời gian dành cho Internet hoặc lái xe không có ảnh hưởng lên nguy cơ chết sớm.
2. Sự cô đơn
Sự cô đơn rõ ràng có những tác động tiêu cực về mặt tâm lý nhưng liệu có ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất của chúng ta hay không? Nghiên cứu được trình bày tại Hội nghị thường niên của Hiệp hội Vì sự tiến bộ của khoa học Mỹ ở Chicago đã phát hiện thấy một loạt các khía cạnh liên quan tới sự cô đơn tột cùng làm gia tăng nguy cơ chết sớm. Những người lớn tuổi cảm thấy cô đơn ít có khả năng phục hồi sau stress hoặc có cái nhìn tích cực về cuộc sống. Cô đơn cũng có thể dẫn tới huyết áp cao, tăng hàm lượng cortisol (loại hoóc-môn trầm cảm) và phá vỡ chu kỳ giấc ngủ. Nhìn chung, các nhà nghiên cứu thấy rằng những người lớn tuổi cảm thấy cô đơn đã tăng 14% nguy cơ chết sớm.
3. Nghỉ hưu sớm
Làm việc quá sức có thể làm tăng mức độ căng thẳng và lo lắng của một người tham công, tiếc việc nhưng không làm việc cũng làm tăng nguy cơ trầm cảm, bệnh tim và chết sớm. Nghỉ hưu sớm có vẻ là một cơ hội tốt để nghỉ ngơi và tận hưởng những năm còn lại của cuộc đời. Tuy nhiên, nghiên cứu tương ứng chỉ ra rằng nghỉ hưu sớm có thể hạn chế số năm sống của bạn. Các nhà nghiên cứu từ ĐH Zurich ở Úc đã điều tra mối liên quan giữa nguy cơ tử vong và về hưu sớm ở những người lao động chân tay. Những người có quyết định về hưu sớm đã tăng nguy cơ chết sớm trước tuổi 67. Trên thực tế, cứ thêm mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi sẽ làm tăng 13,4% nguy cơ tử vong sớm.
4. Phơi nhiễm với ô nhiễm không khí
Ở một số nơi trên thế giới, ô nhiễm không khí cả trong nhà và ngoài trời đã trở nên phổ biến đến nỗi mọi người có xu hướng bỏ qua các vấn đề sức khỏe thông thường có thể là kết quả của sự phơi nhiễm nghiêm trọng. Ô nhiễm không khí thường được coi là nguy cơ sức khỏe môi trường lớn nhất thế giới. Sự phơi nhiễm kéo dài có liên quan với gia tăng nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim, các nhiễm trùng hô hấp cấp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và một số loại ung thư. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2012, trên toàn cầu có khoảng 7 triệu người chết, cứ 1 trong 8 người chết là do phơi nhiễm với ô nhiễm không khí trong nhà và ngoài trời.
Theo TS. Maria Neira, Giám đốc bộ phận Y tế công cộng, Các yếu tố môi trường và xã hội của sức khỏe của WHO, nguy cơ từ ô nhiễm không khí là lớn hơn nhiều so với chúng ta nghĩ hoặc biết trước đây, đặc biệt là đối với bệnh tim và đột quỵ. Hiện nay, ít có nguy cơ nào tác động lên sức khỏe toàn cầu lớn hơn ô nhiễm không khí, điều này cho thấy sự cần thiết phải có hành động phối hợp để làm trong sạch bầu không khí mà chúng ta đang hít thở.
5. Không đánh răng
Một nhóm các nhà nghiên cứu Thụy Điển gần đây cho biết sự tích tụ quá nhiều các mảng bám răng có thể liên quan tới tử vong sớm do ung thư. Tổng số 1.390 người đã tham gia nghiên cứu được kéo dài từ năm 1985 tới năm 2009. Các nhà nghiên cứu đã xem xét các yếu tố lối sống làm tăng nguy cơ ung thư của mỗi người và đánh giá tình trạng vệ sinh răng miệng của họ lúc bắt đầu tham gia nghiên cứu. Sau 24 năm nghiên cứu, 58 người tham gia đã chết, trong đó có 35 người chết do ung thư. So với những bệnh nhân sống sót trong thời gian nghiên cứu, những người đã chết có chỉ số mảng bám răng cao hơn, nghĩa là vùng nướu răng bị bao phủ bởi mảng bám. Màng vi khuẩn từ mảng bám răng được cho là nguồn tiềm ẩn nhiễm trùng và theo thời gian có thể đóng vai trò là chất sinh ung thư.
Hà Ngân (Theo Medicaldaily)
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!