Khoảng thời gian 9 tháng 10 ngày mang thai là những ngày hạnh phúc nhưng không kém mệt mỏi, lo lắng. Một trong những nỗi lo thường trực nhất là con bị khuyết tật bẩm sinh. Một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến dị tật bẩm sinh ở thai nhi thường là: Người mẹ sinh con khi đã lớn tuổi; Gia đình có tiền sử khuyết tật bẩm sinh; Người mẹ sử dụng một số loại thuốc trong thời gian mang thai hoặc tiếp xúc với các hóa chất độc hại, thiếu dưỡng chất, nhất là a-xít folic...
Nhưng với bản năng vốn có, các mẹ bầu hoàn toàn có thể phòng tránh các khuyết tật bẩm sinh cho con bằng cách thực hiện những điều quan trọng sau đây:
Khám bệnh, tư vấn sức khỏe
Thăm khám đầy đủ theo đúng quy trình, lịch hẹn của bác sĩ là vô cùng quan trọng. Qua đó, bác sĩ sẽ theo dõi sự phát triển và những bất thường của thai nhi tốt hơn. Đặc biệt, các thủ tục giám định di truyền còn có thể xác định nguyên nhân của hầu hết các dị tật bẩm sinh, nhất là những dị tật không thấy được qua hình ảnh siêu âm. Từ kết quả cuối cùng, bác sĩ sẽ tư vấn về nguy cơ dị tật cho vợ chồng bạn để đưa ra quyết định mang thai và sinh con.
Khám thai là việc rất quan trọng để theo dõi sức khỏe bà bầu (Ảnh: Internet)
Tránh uống rượu, thuốc lá
Uống nhiều rượu trong những tháng mang thai có thể dẫn tới hội chứng ngộ độc rượu bào thai - một trong những nguyên nhân gây chậm phát triển tâm thần ở trẻ. Điều này cũng xảy ra tương tự ở những bà bầu có thói quen hút thuốc hay hít phải khói thuốc lá. Ngoài ra, hút thuốc, uống rượu trong khi mang thai còn tăng tỉ lệ sảy thai, sinh con nhẹ cân, sinh non, thai chết lưu và tử vong sơ sinh... Bởi vậy, tránh hút thuốc, uống rượu trước và trong khi mang thai, khi cho con bú là cách đơn giản mà bà mẹ nào cũng nên làm vì con của mình.
Uống bổ sung sắt, a-xít folic sớm
Mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh nở cần uống bổ sung a-xít folic ít nhất 3 tháng trước khi mang thai, đặc biệt là 3 tháng đầu thai kì. Người mẹ cần bổ sung a-xít folic và sắt đầy đủ để tránh tình trạng thiếu hụt folate - nguyên nhân gây ra một loạt các dị tật bẩm sinh và dị tật ống thần kinh (phổ biến là tình trạng nứt đốt sống, thiếu não...) ở thai nhi. Những dưỡng chất này còn giúp mẹ bầu luôn khỏe mạnh, tránh những hiện tượng choáng, ngất… do thiếu máu, gây nguy hiểm cho cả mẹ và con.
Tránh tiếp xúc các hóa chất độc hại
Các hóa chất độc hại có trong môi trường, hóa mỹ phẩm, chất tẩy rửa, các loại dung mỗi, hóa chất... và được coi là nguyên nhân có thể gây dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Các hóa chất độc hại này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đến thai nhi ở quãng thời gian mang thai 8 - 12 tuần, vì đây là những tuần thai nhi phát triển các bộ phận và dây thần kinh trung ương, cũng là giai đoạn nhạy cảm nhất, dễ bị tổn thương nhất. Chính vì vậy, mẹ bầu cần cẩn thận và chú ý tránh xa các chất có hại này trong cuộc sống. Nếu công việc buộc phải tiếp xúc với hóa chất thì nên đeo găng tay, khẩu trang (mặt nạ chống độc) và thông hơi đầy đủ.
Ăn uống lành mạnh
Thai nhi chỉ có thể phát triển khỏe mạnh, toàn diện khi được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng thiết yếu. Bất kì sự thiếu hụt dưỡng chất nào cũng có thể khiến cho chức năng trong cơ thể trẻ phát triển không đầy đủ, dẫn đến các khuyết tật. Vì vậy, lời khuyên chung cho các mẹ bầu muốn bảo vệ con mình phát triển khỏe mạnh là cần đa dạng các loại thực phẩm lành mạnh, hạn chế thực phẩm chế biến công nghiệp. Trong trường hợp người mẹ không ăn uống được thì cần gặp bác sĩ để được tư vấn và bổ sung dưỡng chất thích hợp.
Mẹ bầu ăn nhiều rau quả giúp con khỏe mạnh (Ảnh: Internet)
Không tùy tiện dùng các loại thuốc
Điều mà chắc chắn mẹ bầu nào cũng biết là không được tự ý dùng bất kì loại thuốc nào mà không có chỉ dẫn của bác sĩ. Lý do tại sao? Đó là bởi vì các loại dược phẩm khi dùng đều có thể gây ra các tác dụng phụ, có tác động không tốt đến sự phát triển của thai nhi. Trong suốt 9 tháng, thai nhi phát triển liên tục và sức đề kháng rất kém, không thể kháng lại các tác dụng phụ của thuốc nên dễ dẫn tới dị tật bẩm sinh.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!