Bạn đã bao giờ bị chảy máu cam? Đa số chúng ta không biết cách xử lý thích hợp và sẽ chỉ dùng giấy để chặn mũi. Vậy nên hãy cùng tìm hiểu những thông tin và lời khuyên sau để có biện pháp xử lý phù hợp nhé!
Chảy máu cam hay còn gọi là chảy máu mũi có thể xảy ra đột ngột. Một phút trước bạn vẫn bình thường, một phút sau bạn phải dùng khăn giấy để ngừng lại dòng máu chảy ra từ mũi rồi! Mũi của bạn có rất nhiều mạch máu, chúng dễ vỡ và sẽ gây chảy máu. Chảy máu cam là một vấn đề thông thường, đặc biệt là vào những mùa khô, không khí xung quanh khiến màng nhầy của hệ mao mạch trong mũi bạn bị cứng và vỡ ra, gây nên hiện tượng chảy máu.
Đa số trường hợp chảy máu mũi không nghiêm trọng, nhưng bạn cũng nên học cách xử lý chúng thích hợp, hay bạn nên biết khi nào cần phải nhập viện. Những thông tin dưới đây có thể giúp bạn tự tin hơn khi xử lý chảy máu cam trong những lần tiếp theo.
1. Bạn có thể bị chảy máu cam bất kỳ lúc nào
Người ta ước tính có khoảng 1 trong 7 người Mỹ sẽ bị chảy máu mũi một vài lần trong đời. Theo như Viện hàn lâm Mỹ báo cáo thì việc chảy máu mũi có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở trẻ từ 2 đến 10 tuổi và ở người lớn từ 50 đến 80 tuổi.
2. Phân loại chảy máu cam theo mạch máu
Chảy máu cam có hai loại: chảy máu mũi trước và chảy máu mũi sau.
- Chảy máu mũi trước liên quan đến các mạch máu nhỏ ở phía trước của mũi. Hầu hết dạng chảy máu mũi này bạn có thể tự xử lý được.
- Chảy máu mũi sau lại có liên hệ với những mạch máu lớn hơn và nằm sâu ở khoang mũi. Đây là dạng phức tạp vì lượng máu chảy có thể rất nhiều và khó ngưng. Chảy máu mũi sau hầu như đều cần sự can thiệp y tế. Nhìn chung, chảy máu mũi trước thường gặp hơn chảy máu mũi sau.
3. Nguyên nhân chảy máu cam
Không khí khô có thể giảm độ ẩm của lớp màng ở mũi, nó không chỉ gây khó chịu, mà còn khiến lớp nhầy ở mũi bị cứng, gãy và chảy máu mà không có bất kỳ sự tác động nào. Nhưng đa số chảy máu mũi thường có sự tác động vào mũi như khi bạn xì mũi quá mạnh hay thường xuyên dùng bình xịt mũi chọc vào mũi bạn.
Viêm do dị ứng hay virus thông thường như cúm cũng có thể khiến lớp màng ở mũi bị thương và chảy máu. Ít gặp hơn, chảy máu mũi là kết quả của chấn thương như tai nạn xe hay đánh đấm. Thỉnh thoảng có thể do trẻ nhỏ tự đụng vật nhỏ vào mũi chúng. Sử dụng thuốc chống dị ứng hay thuốc cấm như cocain cũng có thể gây chảy máu mũi. Trong những trường hợp hiếm, chảy máu mũi cũng có thể là do đột biến gen được gọi là hội chứng giãn mạch chảy máu có tính di truyền, có thể do rối loạn đông máu, hay thậm chí ung thư.
4. Thuốc kháng viêm làm chảy máu trầm trọng
Aspirin hay những thuốc kháng viêm non-steroid khác (NSAIDs) và những thuốc chống đông máu như warfarin đều có liên quan đến nguy cơ chảy máu. Nhưng bạn sẽ không bị chảy máu cam vì đã sử dụng những thuốc này đâu. Bác sĩ giải thích rằng những thuốc trên sẽ chỉ là vấn đề đối với những ai bị chảy máu, vì sẽ làm cho tình trạng chảy máu mũi trầm trọng hơn.
5. Cách để bạn ngưng chảy máu cam
- Nghiêng đầu nhẹ về phía trước, không nên ngửa đầu ra sau, nếu bạn không muốn máu sẽ chảy ngược lại vào họng bạn.
- Dùng ngón cái và ngón trở, bóp vùng dưới cánh mũi, dùng lực vừa đủ khiến ngón tay bạn chuyển màu trắng. Giữ nguyên trong 5 phút.
- Nếu máu không ngừng chảy, tiếp tục giữ như thế trong 5 hay 10 phút nữa.
- Sau khi máu đã ngừng chảy, bạn có thể sử dụng thuốc xịt mũi có tác dụng giảm sưng để co nhỏ các mạch máu trong mũi. Nhưng nhớ là nên có sự hướng dẫn của bác sĩ trước khi sử dụng. Một vài người có huyết áp cao và những tình trạng sức khỏe khác không nên sử dụng những thuốc làm co mạch máu vì có thể làm tăng huyết áp.
Hãy nhớ là đừng bao giờ nhét bất cứ thứ gì vào mũi bạn, bạn có thể khiến mọi thứ trở nên tệ hơn bằng việc kích thích các mạch máu mũi đấy.
6. Cách giúp bạn phòng ngừa chảy máu cam
Trong những tháng mùa khô, bạn sử dụng nước muối sinh lý hay máy tạo độ ẩm vào ban đêm để tăng cường độ ẩm cho lớp màng ở mũi, phòng ngừa chúng bị vỡ và chảy máu. Công dụng của nước muối sinh lý không chỉ dành cho mũi mà còn dùng được cho mắt và tai bạn.
Bác sĩ không khuyến cáo sử dụng sáp dưỡng ẩm trong mũi. Trong những trường hợp hiếm, nó có thể di chuyển vào phổi, gây viêm phổi. Thay vì thế, bạn hãy sử dụng gel saline hay tham vấn bác sĩ để được kê thuốc kháng sinh dạng mỡ. Chuyên gia tai mũi họng cũng khuyến cáo ba mẹ cắt móng tay cho trẻ em gọn gàng để tránh con bị chảy máu mũi do ngoáy mũi. Ngoài ra, bạn nên bỏ thuốc lá vì khói thuốc làm khô và kích thích mũi bạn.
7. Đi bệnh viện để có sự can thiệp y tế
Nếu bạn chảy máu cam dai dẳng kéo dài hơn 30 phút, bạn nên đi cấp cứu ngay. Thông thường, chảy máu mũi sau cần có sự can thiệp y tế. Bạn có thể biết mình bị chảy mũi sau nếu cảm thấy có một lượng máu chảy ngược vào họng của bạn.
Nếu bạn bị chảy máu mũi sau, bác sĩ có thể cần dùng gạc để cầm máu. Bác sĩ cũng có thể đốt các mạch máu hay chèn bóng vào mũi bạn để tăng áp lực lên các mạch máu và làm ngưng hảy máu. Thậm chí một vài trường hợp chảy máu mũi trước cũng cần phải khám nếu nó không thể ngưng chảy, hoặc chảy máu tái phát thường xuyên. Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra toàn diện để phát hiện nguyên nhân chảy máu, có thể là nguyên nhân nghiêm trọng như khối u chẳng hạn.
Điều quan trọng nhất khi xử lý chảy máu cam là bạn phải luôn bình tĩnh, hãy làm theo các hướng dẫn trên thì tình hình sẽ ổn hơn đấy.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- 9 nguyên nhân khiến trẻ bị chảy máu cam và cách xử trí khoa học
- Chảy máu cam: Nguyên nhân và cách sơ cứu hiệu quả
- Phải làm gì khi mũi bạn bị chảy máu cam?
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!