Người bị bệnh hen suyễn nên kiêng ăn gì là vấn đề thực phẩm mà các bệnh nhân mắc bệnh hen đặc biệt quan tâm. Bởi một số thức ăn có thể làm cơn hen tái phát hoặc trở nên trầm trọng hơn. Tránh một số thức ăn sau để duy trì một sức khỏe tốt, hạn chế sự bộc phát của bệnh hen suyễn.
7 thực phẩm người hen suyễn nên kiêng ăn
1. Trái cây sấy khô
Nhiều loại trái cây sấy khô có sulfite, đó là chất bảo quản kéo dài thời hạn sử dụng của thực phẩm và là một trong các chất phụ gia trong thực phẩm không có lợi cho nhiều người bị bệnh hen suyễn.
Tiếp xúc sulfite có thể rất có hại, thậm chí gây tử vong cho người bị hen suyễn và những người bị dị ứng với sulfite hoặc nhạy cảm. Sulfite là một hóa chất độc hại và nguy hiểm cho cả cơ thể chúng ta và môi trường.
Nên chú ý đọc các từ như "kali bisulfit" và "sodium sulfite" trên những gói quả sấy khô như quả anh đào hoặc quả mơ, tránh dùng những loại quả đóng gói này ở bệnh nhân hen suyễn, vì chúng có thể gây ra đợt kịch phát của bệnh hen suyễn.
Tuy nhiên, bạn không nên ngừng ăn trái cây sấy khô hoàn toàn. Các nghiên cứu cho thấy, ăn trái cây sấy khô điều độ rất hữu ích trong việc giảm cân và duy trì vóc dáng lý tưởng.
2. Rượu và bia
Nhiều loại rượu vang và bia cũng chứa chất sulfite, không có lợi cho bệnh nhân hen suyễn. Một số nghiên cứu cũng cho thấy rằng histamine trong rượu vang có thể gây ra các triệu chứng như chảy nước mắt, hắt hơi và thở khò khè.
Cần nhớ rằng không phải tất cả những người bị hen phế quản đều bị lên cơn hen hay xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng hơn khi uống rượu. Rượu vang, có chứa cả sulfite và histamine, là nguyên nhân hàng đầu gây khởi phát các triệu chứng hen. Rượu vang trắng thường chứa ít histamine hơn là rượu vang đỏ và vang nổ. Rượu vang 100% hữu cơ không có chứa thành phần sulfate.
3. Tôm đông lạnh
Tôm đông lạnh hoặc chế biến sẵn có thể nguy hiểm nếu bạn bị hen. Một lần nữa sulfite lại là thủ phạm trong trường hợp này.
Tôm và các hải sản đông lạnh khác thì thường chứa sulfite vì chúng ngăn cản sự hình thành của các đốm đen không ngon miệng. Nếu bạn đi ăn ngoài hàng, hãy chắc chắn là bạn không vô tình ăn phải thứ gì đó là được nấu trong nước dùng làm từ tôm hoặc nghêu sò khác.
4. Đồ muối chua
Dưa muối, cà muối... thường chứa chất bảo quản sulfite. Sulfite cũng thường có mặt trong các loại thực phẩm lên men khác như dưa bắp cải chẳng hạn. Thay vì ăn thực phẩm muối chua, bạn có thể thay thế bằng salad.
5. Khoai tây đóng gói hoặc chuẩn bị sẵn
Cũng như thực phẩm đông lạnh, các loại thực phẩm đóng gói sẵn như khoai tây chiên cũng có chứa sulfite. Nếu muốn ăn, bạn nên tự chế biến chúng từ những củ khoai tây tươi.
6. Mứt anh đào ngâm
Loại thực phẩm này trông rất đẹp mắt, giống như đồ trang sức sáng màu trong một lọ thủy tinh, nhưng bất cứ ai bị hen suyễn dễ nhạy cảm với sulfite thì không nên ăn. Trái cây đóng hộp và các loại nước ép trái cây đóng chai, chẳng hạn như chanh ép, có thể cũng chứa chất bảo quản làm kích hoạt cơn co thắt phế quản hoặc các triệu chứng khác của bệnh hen suyễn.
7. Bất kỳ loại thực phẩm mà bạn dị ứng
Hội Dị ứng, Hen và Miễn dịch Mỹ báo cáo những thực phẩm gây ra phần lớn các phản ứng dị ứng bao gồm các loại hạt có vỏ cứng, lúa mì , đậu nành, lạc (đậu phộng), trứng, cá, động vật thân mềm có vỏ và sữa bò.
Nếu bạn bị dị ứng với bất kỳ loại thực phẩm nào, hãy tránh ăn chúng và tránh bất kì thứ gì có thể bị nhiễm chéo những thực phẩm này.
Bệnh hen suyễn kiêng ăn gì đã được liệt kê gần hết trong top 7, bạn nên đặc biệt chú ý đến những biểu hiện và những thực phẩm bạn có nguy cơ dị ứng. Ngoài ra bạn cũng nên tránh các tác nhanh khác từ môi trường như khói bụi, lông chó mèo, môi trường ô nhiễm... Cạnh những thực phẩm kiêng ăn bạn cũng nên tìm hiểu dinh dưỡng cần thiết cho bệnh hen suyễn.
Những thực phẩm người hen suyễn nên ăn
1. Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa
Vitamin C, vitamin E, glutathione, beta-caroten là tiền chất vitamin A,... được coi là những dưỡng chất có thể tác động đến ác phản ứng viêm trong cơ thể. Nếu bạn tăng cường dùng chúng vào thực đơn hàng ngày sẽ tác động đến việc co giãn cơ trơn, tính thấm thành mạch và sự bài tiết chất nhầy,... Do đó, sẽ rất hữu ích khi dùng chúng, đặc biệt là nên bổ sung 2g vitamin C tự nhiên mỗi ngày.
2. Thực phẩm giàu omega 3
Loại chất béo lành mạnh này được coi là “vũ khí” giúp điều trị và phòng bệnh hen hiệu quả. Bởi chúng được nghiên cứu có khả năng giảm bớt tình trạng viêm đường hô hấp, giúp các triệu chứng hen suyễn được cải thiện dễ dàng hơn. Rau xanh, dầu hạt cải, viên dầu cá hoặc các loại cá biển như: cá hồi, cá trích, cá mòi, cá thu, cá ngừ,... được coi là dồi dào hàm lượng omega 3 bạn nên bổ sung. Tuy nhiên, nếu bạn có cơ địa dị ứng với cá thì nên tránh xa nhé!
3. Thực phẩm giàu magie
Có thể tìm thấy magie trong các loại rau xanh, các loại đậu (đậu đen, đậu xanh, đậu đỏ, đậu trắng), các loại hạt (hạt bí, hạt điều, hạt dẻ), cà chua, chuối, atiso,... Magie có công dụng kháng viêm và giãn cơ trơn nên thật sự tốt cho bạn đấy.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!