Hút thuốc đồng nghĩa hút vào người 7.000 chất độc, 69 chất gây ung thư. Thuốc lá đang trở thành nạn dịch và gây ra những cái chết từ từ cho người dân các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng làm một thử nghiệm để đánh giá khả năng gây hại của thuốc láđối với lá phổi của con người. Theo đó, mỗi điếu thuốc lá có chứa 18mg nhựa (hay hắc ín). Khi đốt hết 150 điếu thuốc, màu nước trong bình kín (tượng trưng cho lá phổi) chuyển thành màu vàng. Đốt thêm 230 điếu nữa, nước chuyển thành màu đen như màu cafe. Đốt hết 400 điếu, nước chuyển màu đen kịt.
Sau khi cô đặc nhựa trong bình nước, các nhà khoa học thu được 7,2g hắc ín. Đây cũng chính là thứ xâm nhập vào phổi con người sau khi hút thuốc. Chúng tồn tại lâu dài và gây ra bệnh ung thư phổi.
Theo thạc sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện WHO tại Việt Nam, những hóa chất độc hại người hút tự đưa vào hằng ngày gồm hơn 7.000 hóa chất có trong khói thuốc lá. Trong đó có hàng trăm loại có hại cho sức khỏe, 69 chất gây ung thư, bao gồm chất gây nghiện và các chất gây độc như: sơn, hắc ín, hợp chất thơm có vòng đóng, benzopyrene hay các nitrosamine… Những hóa chất độc hại này nhiều người không dám động tay vào nhưng nhiều người vẫn hút thuốc.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet
WHO ước tính nếu như thế kỷ 20 chỉ có 100 triệu người chết do thuốc lá thì sang đến thế kỷ 21 con số này có thể lên tới 1 tỷ người. Tỷ lệ hút thuốc có xu hướng giảm tại các nước phát triển và gia tăng ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Nó gây tử vong cho 1/2 số người hút. Bộ Y tế Việt Nam nhận định mỗi năm nước ta có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh do thuốc lá, trung bình mỗi ngày có hơn 100 ca tử vong vì lý do này.
Hút thuốc lá là nguyên nhân của 90% các ca ung thư phổi. Tỷ lệ mắc loại ung thư này tăng khá nhanh trong vòng 60 năm qua, tăng hơn nhiều so với các loại ung thư khác. Bên cạnh đó, thuốc lá còn gây ra nhiều bệnh ung thư khác như: họng, thanh quản, tuyến tuỵ, tử cung, cổ tử cung, thận... và là nguyên nhân chính của các bệnh gây tử vong hàng đầu như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
Một số con số đáng chú ý:
- Nguy cơ bị ung thư phổi với người không hút thuốc là 1 thì người hút thuốc lá cao hơn gấp 10 lần.
- Những người nghiện thuốc nặng có tỷ lệ chết vì ung thư gấp 4 lần so với người không hút thuốc.
- Người hút thuốc có tỷ lệ ung thư miệng cao gấp 27 lần và ung thư thanh quản cao gấp 12 lần người không hút thuốc.
Những nguy hại do hít phải hơi thuốc lá của người khác hút (hút thuốc thụ động) cũng không kém phần nguy hiểm. Khói toả ra từ đầu điếu thuốc chứa nhiều chất độc cao gấp 21 lần so với khói thuốc thở ra.
Theo ước tính của WHO, nếu không có các biện pháp ngăn chặn thì đến năm 2020, 10% dân số Việt Nam sẽ tử vong vì các bệnh liên quan đến sử dụng các sản phẩm thuốc lá.
Bác sĩ Phạm Thị Hoàng Anh, Giám đốc văn phòng HealthBridge Canada tại Việt Nam cho biết, biện pháp được WHO đánh giá là hữu hiệu nhất trong việc giảm sử dụng thuốc lá là tăng thuế lại chưa nhận được sự quan tâm thỏa đáng. Các nhà hoạt động chính sách vẫn sợ ảnh hưởng đến doanh nghiệp.
Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó có mặt hàng thuốc lá. Theo đề xuất mới nhất về thuế thuốc lá, Chính phủ đề nghị mức thuế từ 2016 đến 2018 là 70%, và từ 2019 là 75%.
Theo bà Hoàng Anh, mức đề xuất này còn thấp hơn cả đề xuất ban đầu của Bộ Tài chính, chỉ tăng 5% cho giai đoạn 3 năm và thời gian áp dụng cũng lùi lại so với đề xuất ban đầu.
'Điều này có nghĩa, mức tăng giá thực của thuốc thấp hơn mức tăng GDP, như vậy sức mua vẫn tăng. Mức tăng như trên là quá thấp. Mục tiêu tăng thuế thuốc lá để giảm bớt tiêu dùng thuốc lá sẽ không đạt được', bà Hoàng Anh nói.
>> Xem thêm: Hút thuốc không giảm stress
Nam Phương
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!