8 rủi ro khi cho trẻ nhỏ uống nước trái cây

Dinh dưỡng cho Trẻ - 04/29/2024

Uống nước trái cây có tố như bạn nghĩ? Bạn sẽ muốn tìm hiểu trên Hello Bacsi về 8 rủi ro nước trái cây có thể đem lại cho con bạn trước khi cho bé uống đấy.

Hầu hết trẻ sơ sinh không cần phải uống nước trái cây. Bé hấp thu các chất dinh dưỡng, vitamin và các khoáng chất từ sữa mẹ hoặc sữa bột và sau đó là từ thức ăn rắn. Khi con bạn đã lớn hơn và bạn muốn bé uống nước ép trái cây, hãy chú ý kiểm soát lượng nước ép trái cây mà bé uống vì tám rủi ro sau.

Sâu răng

Uống nhiều nước trái cây có thể làm hỏng men răng và dẫn đến tình trạng sâu răng bởi khi đó răng bé tiếp xúc quá nhiều với các loại đường trong nước uống. Thường xuyên nhấm nháp nước trái cây từ chai, ly hoặc hộp nước ép trái cây trong ngày hoặc trước khi đi ngủ sẽ tăng nguy cơ sâu răng ở bé.

Chướng bụng, đầy hơi và khó chịu

Con bạn vào lúc này rất dễ bị đau bụng vì hệ thống tiêu hóa của bé vẫn chưa trưởng thành. Nguyên nhân là bởi hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh dưới sáu tháng thiếu lượng enzyme cần thiết để tiêu hoá lượng đường cao trong nước ép. Ngay cả khi hệ thống tiêu hóa của bé đã hoàn thiện, con bạn vẫn cần giới hạn lượng nước trái cây bé uống hàng ngày.

Bệnh tiêu chảy

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đặc biệt dễ bị tiêu chảy bởi nước ép vì hệ thống tiêu hóa của bé vẫn chưa hoàn thiện. Đường trong ruột già sẽ rút chất lỏng bổ sung và các vi khuẩn tự nhiên trong ruột sẽ lên men đường. Điều này sẽ dẫn đến hiện tượng chướng bụng và đi phân lỏng thường xuyên.

Quá nhiều nước ép trái cây (hơn 150ml mỗi ngày) có thể gây tiêu chảy. Tiêu chảy mãn tính, đôi khi được gọi là “tiêu chảy ở trẻ mới biết đi”, có liên quan đến việc uống quá nhiều nước ép trái cây.

Chậm tăng trưởng

Uống nước trái cây quá nhiều là một yếu tố góp phần khiến con bạn không thể phát triển khỏe mạnh. Nước trái cây có thể ngăn cảm giác thèm ăn của bé. Nếu bé uống nước ép trái cây mà không được giới hạn, thức uống này có thể chiếm chỗ sữa mẹ, sữa bột hoặc các thức ăn bổ dưỡng khác trong chế độ ăn uống của trẻ – đây là nguồn gốc của những chất dinh dưỡng cần thiết để bé tăng trưởng và phát triển khỏe mạnh.

Béo phì

Nước ép trái cây thường có chỉ số đường huyết cao, điều này có nghĩa là tỷ lệ phần trăm của các loại đường đơn trong nước ép trái cây sẽ làm tăng lượng đường trong máu bé một cách nhanh chóng. Sự gia tăng lượng đường sẽ kích thích giải phóng insulin vào trong máu. Nồng độ insulin cao sẽ thúc đẩy việc lưu trữ chất béo cũng như tăng cảm giác đói cho bé và con bạn sẽ rất dễ bị béo phì.

Suy dinh dưỡng

Nước ép trái cây và nước trái cây thường chứa lượng đường đơn cao nhưng lại thiếu tinh bột phức, protein (chất đạm), chất béo, chất xơ cũng như các khoáng chất như sắt, canxi và kẽm. Nếu một đứa trẻ không có một chế độ ăn uống cân bằng, bé có thể bị thiếu các chất dinh dưỡng thiết yếu. Uống nước trái cây sẽ vẫn cung cấp được calo nhờ các loại đường có trong loại thức uống này, nhưng uống nước ép quá nhiều có thể dẫn đến suy dinh dưỡng và/hoặc thiếu máu. Nguyên nhân là bởi uống quá nhiều nước trái cây sẽ khiến trẻ em không uống đủ sữa để có được nguồn canxi và vitamin D cần thiết.

Ít uống nước lọc

Khi bé bắt đầu ăn thức ăn rắn, bổ sung nước là một việc rất cần thiết để duy trì cân bằng nước trong cơ thể. Các bác sĩ thường khuyên bạn cho bé uống nước ép trái cây pha loãng để cung cấp thêm nước vì con bạn thường rất thích vị ngọt của nước ép.

Giảm ăn trái cây

Trái cây cung cấp nhiều lợi ích dinh dưỡng hơn so với các loại nước ép trái cây. Tuy nhiên, nếu con bạn phụ thuộc quá nhiều vào nước ép trái cây, bé sẽ vô tình quên đi việc ăn trái cây và bỏ qua những chất dinh dưỡng rất tốt mà nước ép trái cây không thể mang lại.

Vì vậy, bạn không nên cho bé uống quá nhiều nước ép trái cây trong các bữa ăn hàng ngày. Tốt nhất con bạn chỉ nên uống ít hơn 120 ml mỗi ngày khi bé lớn hơn sáu tháng tuổi.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!