Mỗi tháng trôi qua là một tháng bạn trải qua biết bao cảm xúc lẫn lộn. Chắc chắn bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc vô cùng khi nhìn thấy con yêu lớn lên từng ngày, hạnh phúc vì những biểu hiện ngây thơ, đáng yêu của trẻ.
Ở 8 tháng tuổi, trẻ yêu của bạn sẽ khiến bạn rất bận rộn. Hai bàn tay trẻ hoạt động liên tục, thích thú bò và di chuyển để khám phá những ngóc ngách nhỏ trong nhà…
Hãy theo dõi những phát triển của trẻ trong tháng tuổi thứ 8 này nhé:
Di chuyển khắp nơi:Tháng tuổi này, trẻ rất bận rộn với việc học bò. Một số trẻ lại có những cách di chuyển rất lạ như trườn bằng bụng, mông hoặc lăn tới những nơi mình muốn. Bạn đừng quan trọng trẻ di chuyển bằng cách nào, miễn là trẻ có thể vận động cả cánh tay và chân, phối hợp với hai bên sườn.
Đứng:Dường như bò đã trở nên không đủ ‘đô’, nên thường vào cuối tháng 8 trẻ bắt đầu chuyển sang học đứng. Mặc dù học đứng chẳng dễ chút nào: trẻ không những cần phải có đôi chân khỏe mà còn phải biết cách cong đầu gối, vịn vào điểm tựa và nâng người lên. Khi trẻ mỏi chân, muốn ngồi xuống bạn hãy hướng dẫn trẻ gập đầu gối lại và ngồi bệt xuống, có thể phải mất thêm vài tuần nữa trẻ mới ngồi xuống thành thạo như đứng lên được.
Thay đổi tư thế thuần thục hơn: Trẻ có thể đang nằm rồi ngồi dậy hoặc tự đứng lên khá thoải mái như: vịn vào thành giường, tủ, chập chững bước lần lần đi khắp nhà. Ở tháng này, một số trẻ có thể tự bước đi (tuy chưa thật vững) còn một số trẻ thì vẫn trong tư thế bò.
Giấc ngủ:Đến tháng thứ 8, trẻ thường bắt đầu thức giấc giữa đêm. Trẻ có thể tự nhiên khóc lên và tự ngủ trở lại, hoặc cũng có thể khóc rất lâu. Đôi lúc, bạn thấy trẻ liên tục di chuyển trong cũi, cố gắng bò, lật, vịn để đứng lên dù đang nửa đêm. Dường như trẻ muốn nói rằng ‘Con muốn luyện tập thêm chút nữa’ hoặc ‘Con đang đứng và không thể ngồi xuống lại được’. Điều này đôi lúc khiến bạn bực bội vì nghĩ qua giai đoạn ‘ngủ ngày thức đêm’ của trẻ, bạn đã có thể ngủ được giấc dài nhưng kết quả là đêm nào cũng phải thức dậy nhiều lần vì giấc ngủ thất thường của trẻ.
Thị lực: Thị lực của trẻ trước đây ở khoảng 20/40, nay đã phát triển gần như người lớn về mức độ rõ ràng và độ sâu. Trẻ 8 tháng tuổi có thể nhìn tốt nhất ở tầm gần, thị lực tầm xa của trẻ cũng đủ tốt để nhận ra mọi người và các vật trong phòng. Trẻ 8 tháng tuổi có thể nhìn thấy món đồ chơi ở góc xa và bò về hướng đó.
Nhận biết người thân: Bây giờ trẻ đã có thể nhận ra mình khi nhìn hình hoặc gương. Một trò tiêu khiển trẻ rất thích là xem hình của những người thân. Bạn có thể mua hoặc tự làm một album hình và xếp các hình của những người trẻ thích lại một chỗ với nhau. Có thể cho cả hình của ông bà, cô dì, chú bác đang sống ở xa và kể cho trẻ nghe về những người trong hình – chẳng bao lâu sau, trẻ sẽ có thể chỉ đúng hình khi bạn nhắc đến tên của một trong những người đó.
Âm nhạc và cử động: Trẻ rất thích nhạc và các bài hát. Các nghiên cứu cho thấy âm nhạc kích thích khả năng đọc và ngôn ngữ của trẻ. Có nhiều bài hát rất phù hợp để trẻ vừa nghe hát, vừa vận động tay chân như bài ‘Thể dục buổi sáng’: cô dạy em, bài thể dục buổi sáng… hay ‘Đưa tay lên nào’: đưa tay lên nào, nắm lấy cái tai, lắc lư cái đầu… khi bạn làm mẫu, hoặc cầm tay trẻ làm cùng, chẳng lâu sau, trẻ sẽ thử tự múa và hát theo (vừa hát vừa cử động còn khuyến khích trẻ sử dụng cả hai bán cầu não).
Khả năng cầm nắm:Trẻ đã biết cầm những vật nhỏ bằng ngón cái và ngón trỏ. Tập trung vào những đồ vật hơn là chỉ cần cố gắng chụp lấy chúng và thường hay đưa vào miệng. Dù vậy, trẻ vẫn chưa ý thức được nhiều nên thường ném hoặc thả rơi đồ vật sau khi nắm bắt được.
Biết khám phá đặc điểm, công dụng của đồ vật: Khi sự phối hợp tay và mắt thành thục hơn, trẻ thích khám phá những đồ vật một cách chi tiết và học cách sử dụng chúng. Trẻ sẽ ngắm những bức ảnh không biết chán hay bắt chước bạn chải đầu bằng lược hoặc nói chuyện qua điện thoại.
Trẻ biết ‘lạ’ và sợ sự xa cách:Đến tháng tuổi thứ 8, trẻ cảm thấy lo lắng lúc người lạ đến gần hay khi bạn đi vắng, không biết liệu bạn rời khỏi phòng chỉ trong chốc lát hay là để trẻ lại với người giữ trẻ cả buổi chiều. Con của bạn có thể khóc, bám lấy bạn hay không cần tới sự quan tâm của người khác.
Biết thể hiện cảm xúc: Trẻ có thể vỗ tay khi cảm thấy thích thú hoặc vẫy tay tạm biệt, hôn người thân nếu trẻ vui mừng. Ngoài ra trẻ có thể khóc thét lên nếu như trẻ muốn thứ gì đó mà bạn không cho hoặc khi giận dữ…
Con yêu của bạn dần ‘lớn’ lên cả về thể chất lẫn trí tuệ. Với bài viết này, hi vọng bạn sẽ có hiểu về sự phát triển của trẻ để có cách chăm sóc trẻ thật tốt.
Nguồn ảnh: Internet
Thùy Chi
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!