Á sừng - Sớm khỏi bệnh nếu tuân thủ điều trị

Cần biết - 05/06/2024

Á sừng là một trong những biểu hiện của nhiều bệnh da liễu có sự khô da và bong vảy sớm, trong đó điển hình là bệnh viêm da cơ địa dị ứng, á vảy nến, vảy nến thể đảo ngược lòng bàn tay, bàn chân...

Vào mùa đông, tình trạng nứt nẻ sẽ càng nặng hơn, phần da bệnh có thể sẽ bị toét ra, rớm máu, nứt sâu ở các gốc ngón (tay, chân), khiến người bệnh đau đớn khi đi lại.

Nhiều nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân gây bệnh á sừng đến nay vẫn chưa được xác định, nhưng có một số nghiên cứu cho rằng, bệnh á sừng có thể do: Di truyền; thời tiết lạnh làm tăng quá trình mất nước và sừng hóa dưới da hình thành nên bệnh; do tiếp xúc với các loại hóa chất tẩy rửa hóa chất độc hại lâu ngày làm tổn thương tế bào da gây nên bệnh á sừng; tiếp xúc nước bẩn; dùng sai mỹ phẩm dưỡng da...

Ngoài ra, thiếu hụt chất dinh dưỡng, thay đổi nội tiết trong cơ thể ở tuổi dậy thì, mang thai và mãn kinh... cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến bệnh á sừng.

Bệnh dễ nhận biết

Á sừng rất dễ nhận biết bằng những dấu hiệu bên ngoài: Da khô dày sừng, kèm theo đỏ và sưng tấy. Sau vài ngày xuất hiện da sẽ chuyển sang tình trạng nứt nẻ, bong vẩy sừng thành từng lớp và gây chảy máu và đau đớn. Vì vậy, đây cũng được xem là một triệu chứng khá đặc trưng mà bạn cần biết rõ.

Á sừng - Sớm khỏi bệnh nếu tuân thủ điều trị

Vùng bàn tay bị á sừng thường khô ráp, bong tróc, nứt nẻ.

Á sừng cũng dễ nhầm lẫn với các bệnh ngoài da khác nên dẫn đến các cách điều trị sai lầm, không dứt điểm, bệnh sẽ nhanh chóng tái phát và tình trạng bong tróc da ngày càng trở nên nặng hơn. Cần phát hiện và điều trị sớm để tránh các tổn thương do á sừng ngày càng nghiêm trọng, dễ bị viêm nhiễm rất khó chữa trị.

Điều trị bệnh á sừng

Điều trị tại chỗ là phác đồ chủ yếu và là biện pháp dự phòng, á sừng tái phát hữu hiệu nhất. Một số loại thuốc được áp dụng điều trị bệnh á sừng điển hình như: Thuốc bôi ngoài da (thuốc acid salycilic, hoạt chất corticoid như gentrisone, fucicort…). Các loại kem bôi cũng được áp dụng bổ sung giúp làn da bị sừng hóa trở nên mềm hơn, hạn chế quá trình khô da.

Trong một số trường hợp nghiêm trọng hơn thì bệnh nhân có thể được chỉ định một số loại thuốc uống trị tình trạng viêm nhiễm lan rộng, thường dùng nhất đó chính là thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau... Tuy hiệu quả trị bệnh thường cho kết quả nhanh nhưng có thể gây tác dụng phụ không tốt cho cơ thể nếu như sử dụng trong một thời gian dài. Vì vậy việc dùng thuốc điều trị cần tuân thủ đúng theo chỉ định của các bác sĩ để bệnh được điều trị đúng, hiệu quả.

Một số phương pháp dân gian cũng có thể giảm triệu chứng khó chịu của bệnh: Mật ong, lá trầu không, lá chè xanh, quả chanh...

Á sừng - Sớm khỏi bệnh nếu tuân thủ điều trị

Da sẽ xuất hiện vẩy sừng thành từng lớp, gây chảy máu và đau đớn.

Cách ngăn chặn sự phát triển của bệnh

Để bệnh á sừng không tiến triển nặng hơn, vào mùa đông khi thời tiết khô càng làm da thô ráp, nứt nẻ, bệnh nhân phải luôn giữ ẩm cho da (bôi kem dưỡng ẩm, dầu dừa, dầu oliu...) đi tất, đeo găng tay. Ngoài ra, cần tăng cường ăn rau quả tươi, rau xanh, đặc biệt là rau quả có nhiều vitamin C, E như giá đỗ, cà chua, các loại đậu, rau ngót, rau bí, bắp cải, cam bưởi, đu đủ, cà rốt... Thường xuyên uống nước (2 lít/ngày) để tránh tình trạng cơ thể không bị thiếu nước dẫn tới da khô, nứt nẻ.

Bệnh nhân cũng nên tránh ăn thực phẩm có nguy cơ gây ngứa, dị ứng ngoài da cao như: Tôm, cua, một số loại cá (cá ngừ, cá hồi, cá bơn...), thịt gà, nhộng, sữa bò, trứng tươi, đậu phộng, đậu tương... Không dùng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, cafein, nước ngọt có ga. Tránh xa các thực phẩm có chất gây kích thích như ớt, hạt tiêu, gừng, món ăn chiên rán...

Tuy không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, nhưng á sừng gây mất thẩm mỹ và phiền toái cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Vì vậy, khi phát hiện bị á sừng, tốt nhất nên đến bệnh viện kiểm tra để có hướng điều trị đúng cách, kịp thời.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!