Ăn lẩu cũng phải chọn đúng loại

Điều cần biết - 11/24/2024

Người cao huyết áp không nên ăn lẩu hải sản, trong khi bệnh nhân viêm dạ dày nên tránh lẩu nấm quá nhiều...

Nồi lẩu nóng hổi, nghi ngút khói là lựa chọn của nhiều gia đình những khi mùa đông đến. Nhưng với đặc trưng của từng loại lẩu, đôi lúc nó có thể ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của bạn.

Lẩu hải sản

Ăn lẩu cũng phải chọn đúng loại

Lẩu hải sản rất nguy hiểm cho bệnh nhân bị gút, tiểu đường, cao huyết áp (Ảnh minh họa: Internet)

Với một nồi lẩu đầy ắp những món hải sản tươi ngon thì những người mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp, bệnh gút không nên ăn. Ngoài ra, người dị ứng với hải sản cũng nên tránh để đảm bảo sức khoẻ. Bạn có thể chọn những loại lẩu thanh đạm hơn để giúp cơ thể mạnh khoẻ.

Lẩu cừu

Cừu là một thực phẩm nhiều dinh dưỡng nhưng không phải ai cũng nên dùng. Đặc biệt là những người bị bệnh gan, viêm họng cấp tính, viêm mũi cấp tính, viêm amiđan cấp tính, viêm phế quản cấp tính. Người bị nóng trong, lạnh sớm hoặc đang dùng thuốc nhuận tràng cũng cần hạn chế ăn. 

Lẩu nấm

Nấm nhiều nước, vitamin và khoáng chất. Tuy nhiên nhiều người bị dị ứng với nấm, ăn lẩu nấm có thể làm cơ thể bị ảnh hưởng. Ngoài ra, người bị viêm dạ dày mãn tính cũng không nên ăn. 

Lẩu cay

Lẩu cay đem đến sự cay nồng giúp sưởi ấm cơ thể. Song những thực phẩm cay dễ gây tổn thương đến dạ dày, nhất là những người có dạ dày hoặc lá lách yếu. Đây cũng là loại lẩu không nên ăn thường xuyên với bất cứ ai.

Lẩu Tứ Xuyên

Món lẩu bắt nguồn từ Trung Quốc không là món ăn phù hợp với nhiều người. Những người bị bệnh dạ dày, loét, bệnh ngoài da, chảy máu cam thường xuyên, viêm họng mãn tính, chảy máu nướu răng viêm miệng, bệnh trĩ, nứt hậu môn đều không nên thưởng thức để tránh những tác hại không đáng có.

Đặc biệt phụ nữ mang thai không nên thường xuyên ăn lẩu. Đây là thời gian thân nhiệt cơ thể ở mức cao, thường xuyên ăn lẩu khiến hệ tiêu hoá của bạn bị ảnh hưởng và điều đó không có lợi cho thai nhi.

Để ăn lẩu an toàn

Ăn lẩu cũng phải chọn đúng loại

Nên rửa sạch các nguyên liệu để phòng tránh giun sán (Ảnh minh họa: Internet)

Ngoài những người có bệnh cần tránh ở trên, bạn có thể chọn loại lẩu và cách ăn hợp lý để nâng cao sức khoẻ cho người thân và chính mình.

Trước hết, cần rửa sạch nồi, nguyên liệu trước khi sử dụng. Những vật sót lại trong nồi có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng nồi lẩu. Việc rửa sạch nguyên liệu giúp loại bỏ phần nào trứng ký sinh và vi khuẩn gây hại. Vì thế, bạn không nên bỏ qua bước giản đơn này.

Thứ hai, thực phẩm cần được nấu chín. Ăn lẩu dùng thịt, cá và rau sống. Trong quá trình chế biến và sử dụng dễ bị nhiễm trứng ký sinh trùng. Do đó, nguyên liệu cần được nấu chín để nâng cao hiệu quả khử trùng, đảm bảo tính an toàn cho thực phẩm. Thêm nữa, bạn nên để các nguyên liệu trong những đĩa tách biệt. 

Thứ ba, thức ăn đưa vào miệng không nên quá nóng. Điều này có tác động xấu đến niêm mạc, thực quản. Ngoài ra, đồ nóng còn gây hại cho răng và nướu. Bạn nên gắp thức ăn ra bát để giảm nhiệt độ rồi mới ăn giúp bảo vệ cho những cơ quan nhạy cảm.

Thứ tư, nguyên liệu cho nồi lẩu cần được lựa chọn phù hợp. Một nồi lẩu đầy xương, thịt không phải là một cách hay. Bạn nên tăng cường các loại rau củ giúp điều hoà lượng dinh dưỡng từ thịt cá. Thêm vào đó, một đĩa đậu phụ sẽ giúp bổ sung dinh dưỡng và giải nhiệt.

Thứ năm, không nên thường xuyên ăn lẩu. Ăn lẩu quá nhiều ảnh hưởng đến hoạt động của hệ tiêu hoá, khiến bạn từ một người khoẻ mạnh lại phải mang trong mình những căn bệnh phiền toái.

Thứ sáu, hãy đảm bảo mọi nguyên liệu đều tươi mới, ngay cả nước lẩu. Nguyên liệu tươi giúp nguồn dinh dưỡng của nồi lẩu được đảm bảo. Bạn không nên để dành nước lẩu thừa để tái sử dụng. Việc để dành có thể gây phát sinh những chất có hại cho sức khoẻ.

Như vậy, lẩu cũng có những nguyên tắc riêng để thưởng thức một cách an toàn. Vì thế, bạn cần tính toán kỹ trước quyết định để đảm bảo sức khoẻ cho mình và người thân.

>>> Xem thêm: Top 5 thực phẩm chứa đầy chất xơ ngừa ung thư vú

Thanh Nguyên (TH)

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!