Hàng loạt người trẻ mắc ung thư – Cánh cửa cuộc đời dường như khép lại
Tại Việt Nam ước tính mỗi năm có 126.000 ca ung thư mắc mới, lấy đi tính mạng của 94.000 người.
Trong số đó, đáng lo ngại là tỉ lệ người trẻ tuổi mắc các loại ung thư đang có chiều hướng tăng lên trong những năm gần đây. Thực trạng này đã và đang khiến cho gánh nặng ung thư ngày càng trở nên trầm trọng. Khi mà lực lượng đang ở độ tuổi lao động thì lại mất khả năng lao động và cần được chăm sóc, điều trị lâu dài.
Bệnh nhân T.N.L (giới tính nam - 27 tuổi – Hà Nội), cách đây một năm đã nội soi dạ dày và được chẩn đoán viêm dạ dày mãn tính. Tuy nhiên, do chủ quan bệnh nhân đã không chữa bệnh và không theo dõi trong một thời gian dài.
Giờ đây, bệnh nhân quay trở lại BV với biểu hiện đau thượng vị, kết quả soi cho thấy, ổ loét cực kỳ lớn, kết quả sinh thiết cũng cho thấy, bệnh nhân đã bị ung thư dạ dày tuýp biểu mô tuyến.
GS.TS Mai Trọng Khoa – Giám đốc Trung tâm Ung bướu và Y học hạt nhân – BV Bạch Mai cho hay: 'Ở Việt Nam, hầu như tất cả các loại ung thư đều tăng, chứ không riêng gì ung thư vú ở phụ nữ hay ung thư phổi, dạ dày ở nam.
Trong số các bệnh nhân được phát hiện bệnh sớm và mới thì tỉ lệ mắc bệnh, tỉ lệ tử vong gặp ở mọi lứa tuổi, mọi giới do ung thư có một xu hướng trẻ hóa tăng cao.
Có rất nhiều loại ung thư chúng ta thấy mắc ở những người có tuổi, lớn tuổi thậm chí ở những độ tuổi nửa sau cuộc đời mới mắc. Nhưng trong thời gian gần đây, mặc dù chưa có một thống kê đầy đủ ở Việt Nam, qua chẩn đoán và thăm khám lâm sàng tại các BV, chúng tôi thấy được rằng, tỉ lệ người trẻ mắc các bệnh ung thư tăng cao như ung thư vòm, dạ dày'.
Bệnh nhân Đ.T.V.A (giới tính nữ - 15 tuổi – Nam Định) mắc ung thư vòm họng và phát hiện khi đã ở giai đoạn II. Bệnh nhân có xuất hiện hạch ở cổ, có biểu hiện đau kèm theo sốt cao từ cách đây một tháng.
Sau khi được làm các xét nghiệm, chụp cộng hưởng từ đánh giá kết quả sinh thiết. Bệnh nhân được phát hiện tổn thương di căn hạch tại chỗ, Theo phác đồ điều trị bệnh nhân sẽ phải hóa xạ trị đồng thời. Chẳng ai có thể ngờ, một cô gái trẻ tuổi lại mắc ung thư vòm họng. Việc học tập gần như bỏ dở, cánh cửa tương lai dường như đã đóng lại trước mắt bệnh nhân.
Người nhà bệnh nhân tâm sự: 'Khi cháu mới phát hiện bệnh, gia đình thấy như trời đất sụp đổ, cháu cũng khóc rất nhiều, nhưng một thời gian điều trị cũng phần nào nguôi ngoai vì được các BS động viên, an ủi'.
Tại Tp.HCM độ tuổi trung bình của một người mắc ung thư là 55 tuổi, trẻ hơn nhiều so với các nước phát triển.
Các yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư ở người trẻ tuổi
Theo quan điểm của các BS, trong số các yếu tố nguy cơ khiến người trẻ tuổi mắc ung, đầu tiên phải kể đến những thói quen xấu trong lối sống và sinh hoạt.
Từ việc ăn uống, ngủ nghỉ cho đến sử dụng các loại thuốc tránh thai, thuốc nội tiết (ở nữ giới) mà không có kiểm soát của BS khiến cho tỉ lệ mắc bệnh tăng cao hơn so với thời gian trước cùng với chiều hướng trẻ hóa độ tuổi mắc.
TS. BS Lê Hồng Quang – Trưởng khoa Ngoại vú – Bệnh viện K chia sẻ: 'Nguyên nhân ung thư vú chủ yếu đến từ lối sống và môi trường, còn chị em có yếu tố di truyền từ gia đình chiếm tỉ lệ thấp.
Chính vì thế, đòi hỏi chúng ta phải thay đổi lối sống, vận động nhiều, ăn uống khoa học, lành mạnh. Với các chị em, nên đi khám định kỳ để từ đó phát hiện những tổn thương sớm của vú. Với những phụ nữ ngoài 30 tuổi là có thể tự khám vú cho bản thân'.
Tương tự như ung thư vú, ung thư dạ dày, vòm họng cũng là loại bệnh thường gặp ở người trẻ tuổi với các nguyên nhân khác nhau.
BS Lê Viết Nam – Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu – BV Bạch Mai cho hay: 'Ung thư vòm đôi khi cũng hay gặp ở người trẻ tuổi, một là có thể do yếu tố gen di truyền, hai cũng có thể do ảnh hưởng của môi trường sống. Nếu bệnh nhân nữ không hút thuốc nhưng khi sống trong môi trường có người thân hút thuốc, do vậy cũng bị tác động ít nhiều.
Hoặc do chế độ ăn uống, nhất là những vùng cao, vùng sâu xa hay mắc bệnh do sử dụng gia vị đồ ăn khác nhau. Thứ nữa có thể do nhiễm một số virus như Hpv, là một trong số các yếu tố nguy cơ khiến người trẻ tuổi mắc ung thư'.
Ngoài rối loạn nội tiết, tổn thương có tính di truyền trong cơ thể mỗi người, thì sự gia tăng của căn bệnh ung thư là tổng hòa của các yếu tố ngoại cảnh tác động lên như môi trường ô nhiễm, thực phẩm nhiễm nhiều hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng.
Hoặc chính con người đã tự rước họa cho mình bằng lối sống thiếu khoa học, hút thuốc, uống rượu, thức khuya, chế độ dinh dưỡng không an toàn và hợp lý.
Vì thế, nếu nhìn vào các yếu tố nguy cơ chủ quan, mỗi người đều có thể tự phòng tránh được căn bệnh nguy hiểm này cho chính mình.
Bệnh nhân 15 tuổi còn rất trẻ nhưng mắc ung thư vòm họng và phát hiện khi đã ở giai đoạn II
Người trẻ mắc ung thư – Gánh nặng cho toàn xã hội
Trước thực tế, tỉ lệ trẻ hóa ung thư ngày càng tăng, các BS bày tỏ quan ngại sâu sắc. Nhiều cháu bé 15 – 17 tuổi mắc bệnh hiểm nghèo, đây lại là lứa tuổi mà sau này có nhiều đóng góp cho xã hội.
Chuyên gia nhấn mạnh, đây thực sự chính là hồi chuông cảnh báo để chúng ta có biện pháp phòng tránh, sàng lọc sớm khi có điều kiện để từ đó đem lại kết quả điều trị hiệu quả.
Trẻ hóa ung thư đang là thực tế đang lo ngại tại Việt Nam. Với tỉ lệ mắc ngày càng tăng, chi phí điều trị tốn kém lại kéo dài, ung thư thực sự trở thành gánh nặng cho gia đình và cả xã hội.
Kết quả thống kê trên 120.000 người mắc ung thư tại Tp.HCM cho thấy, độ tuổi trung bình của một người mắc ung thư là 55 tuổi, trẻ hơn nhiều so với các nước phát triển.
Qua thực tế khám chữa bệnh, các BS cũng ghi nhận nhiều trường hợp mắc ung thư ở độ tuổi thanh thiếu niên.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!