Cần kiêng cữ các loại thực phẩm nhiều gia vị kích thích, có vị cay (thuộc hành Kim) như: tiêu, ớt, hành, tỏi, cà ri, gừng, mù tạt… Các thức ăn có nhiều chất đạm, tính nóng như thịt dê, thịt chó, ba ba, lòng đỏ trứng gà…, các loại đậu hạt có nhiều chất béo như: đậu phụng, hạt điều, hạt hướng dương… hoặc các món ăn chiên xào nhiều dầu mỡ khó tiêu, có nhiều nguyên liệu có tính nóng, cay, chua, mặn, cũng cần nên kiêng cữ.
Ngoài ra, một số thực phẩm có chứa độc tố như măng tre, khoai mì, cà chua còn xanh, khoai tây mọc mầm… cũng gây tổn hại cho gan mật.
Thức ăn có nhiều chất béo có tác dụng thúc đẩy sự co bóp, làm tăng số lần co bóp của túi mật, dẫn tới áp lực trong túi mật tăng cao, túi mật phình ra, làm cho người bệnh viêm mật, sỏi mật bị đau nhiều hơn. Do đó, nên hạn chế chất béo, mỗi ngày chỉ dùng giới hạn từ 20 - 25g.
Sự thay đổi thành phần trong dịch mật, đặc biệt là sự thay đổi hàm lượng muối mật và cholesterol trong dịch mật là nguyên nhân chủ yếu tạo thành sỏi mật. Vì vậy, người bị bệnh túi mật nên lưu ý giảm lượng cholesterol trong các loại thực phẩm, mỗi ngày chỉ dùng không quá 200mg.
Các thực phẩm có hàm lượng cholesterol >50mg% (tức trong 100g thực phẩm có chứa hơn 50mg cholesterol) như:
Cá trích (52), thịt bò (59), thịt heo hộp (60), chân giò heo (60), thịt thỏ (65), sườn heo (66), thịt bò, heo xay hộp (66), cá chép (70), dăm bông heo (70), thịt bê béo (71), thịt ngựa (75), thịt vịt (76), thịt cừu (78), thịt ngỗng (80), thịt gà tây (81), thịt bò hộp (85), mỡ heo (95), dạ dày bò (95), lưỡi bò (108), sữa bột toàn phần chưa tách béo (109), thịt gà hộp (120), tim heo (140), bầu dục heo (375), phô mai (406), gan gà (440), trứng gà toàn quả (600), lòng đỏ trứng gà (1790), não bò (2670), não heo (3.100).
Khi túi mật bị viêm, trứng giun và các tổ chức hoại tử khác kết hợp với sắc tố mật có thể tạo thành sỏi mật nhanh chóng. Chất đường ngọt cùng là một trong những nguyên nhân thúc đẩy sự hình thành sỏi mật.
Việc phòng ngừa nhiễm giun sán và hạn chế các thức ăn nhiều chất đường sẽ có tác dụng tích cực để ngăn chặn sự hình thành sỏi mật.
Người bị bệnh về mật không nên ăn các thức ăn quá chua như: me, xoài sống, khế chua, mơ chua, cóc, dấm…, bởi vì vị chua (toan) thuộc hành Mộc, có tính thu liễm, co rút, sẽ làm cho túi mật co lại, gây đau nhiều hơn.
Mỗi khi bệnh phát tác cấp tính, nên tạm thời kiêng ăn 1 - 2 ngày, hoặc chỉ dùng một vài món ăn nhẹ như cháo với lòng trắng trứng gà, canh thịt bò bằm nhuyễn, cháo loãng. Sau khi bệnh giảm bớt thì chỉ ăn những thực phẩm dễ tiêu, nấu loãng nhừ, rồi dần dần dùng đến các thực phẩm hầm nhừ, ít dầu béo.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!