Áp lực nghề hồi sức tích cực

Thời sự - 11/24/2024

Hồi sức tích cực là một trong những giai đoạn quan trọng trong quá trình điều trị cho người bệnh, đặc biệt là các trường hợp bệnh nặng, bị đe dọa tính mạng hoặc có nhiều bệnh lý kết hợp.

Đây là công việc đòi hỏi bác sĩ, điều dưỡng phải đối diện với những căng thẳng, áp lực rất lớn khi phải liên tục theo dõi người bệnh để xử trí kịp thời các trường hợp khẩn cấp, phải nhanh chóng đưa ra các phương án điều trị tối ưu theo từng diễn tiến, tình trạng của người bệnh…

Áp lực là vậy nhưng những đóng góp của họ cho sự thành công của một ca bệnh thường âm thầm và không được nhiều người biết đến. 

Hết lòng vì người bệnh

ThS BS. Bùi Thị Hạnh Duyên, Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TPHCM chia sẻ, trung bình Khoa tiếp nhận 3 – 5 ca bệnh nặng mỗi ngày, cao điểm có khi lên tới 8 – 10 ca.

Đó là các trường hợp người bệnh bị suy hô hấp, hôn mê, sốc nhiễm trùng, sốc tim, sốc mất máu;… người bệnh cần hồi sức sau phẫu thuật lớn, có biến chứng hoặc nhiều bệnh lý kết hợp, nguy cơ tử vong cao.

Hồi sức cho các ca bệnh nặng đòi hỏi đội ngũ Y Bác sĩ phải túc trực cạnh người bệnh 24/24 giờ để liên tục xử trí, hội chẩn và đưa ra quyết định điều trị phù hợp theo từng diễn tiến của người bệnh.

Trong suốt ca trực, các bác sĩ và điều dưỡng luôn phải theo dõi tình hình người bệnh rất sát sao. Họ sẵn sàng bỏ quên những bữa cơm, những giấc ngủ giữa giờ và những khoảng thời gian ít ỏi ở bên gia đình để giúp người bệnh vượt qua giai đoạn nguy hiểm.

Bên cạnh đó, vì người bệnh đều ở trong tình trạng nặng nên các điều dưỡng phải thay người nhà người bệnh chăm sóc toàn diện cho người bệnh từ việc ăn uống cho đến vệ sinh cá nhân, thay tã, giúp người bệnh tiểu tiện, đại tiện tại chỗ…

Áp lực nghề hồi sức tích cực

Điều dưỡng Khoa Hồi sức tích cực chăm sóc cho người bệnh

Để đưa ra phương pháp điều trị tối ưu cho người bệnh, Khoa còn thường xuyên tổ chức các cuộc hội chẩn liên chuyên khoa. Đã có không ít những cuộc hội chẩn được tổ chức nhanh chóng, bất kể ngày hay đêm để kịp thời can thiệp cứu sống người bệnh trong các tình huống nguy cấp.

'Đối với các ca bệnh phức tạp và hiếm gặp, ngoài việc luôn phải túc trực để xử trí các tình huống, các bác sĩ, điều dưỡng còn phải liên tục nghiên cứu, cập nhật kiến thức để tìm ra phương pháp điều trị tối ưu cho người bệnh. Điều đó làm cho mỗi ca trực đều rất căng thẳng, chỉ khi tình trạng người bệnh ổn định, được chuyển về các chuyên khoa thì các bác sĩ, điều dưỡng mới có thể thở phào', ThS BS. Bùi Thị Hạnh Duyên chia sẻ.

Luôn đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau

Với sự tận tâm dành cho người bệnh và tinh thần trách nhiệm cao, các ca trực luôn được bố trí một cách hợp lý, phối hợp với nhau như một mắt xích. Mỗi ca bệnh tại Khoa Hồi sức tích cực đều có nhiều bác sĩ, điều dưỡng tham gia chăm sóc và đóng góp ý kiến để hỗ trợ điều trị tốt nhất cho người bệnh.

Bắt đầu ca trực mới, các bác sĩ xử trí theo bàn giao, lãnh đạo Khoa cũng luôn theo sát các ca trực để hỗ trợ kịp thời trong các trường hợp khẩn cấp.

Mỗi ca bệnh có chuyển biến tốt, tình trạng ổn định là thành công của cả Khoa chứ không riêng của cá nhân nào. Đó vừa là động lực làm việc, vừa là tiền đề để toàn thể nhân viên y tế của Khoa gắn bó, đoàn kết để cùng điều trị và cứu sống nhiều ca bệnh nặng.

Áp lực nghề hồi sức tích cực

Các Y Bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực hội chẩn cho người bệnh

Công tác đào tạo tại Khoa cũng luôn được chú trọng để nâng cao chuyên môn và cập nhật kiến thức cho các Y Bác sĩ. Để đảm bảo tất cả thành viên của Khoa được tham gia học tập, các lớp học chuyên đề được tổ chức một cách linh hoạt, bổ ích. Vì luôn phải bố trí kíp trực liên tục cạnh người bệnh nên một chuyên đề thường được tổ chức giảng dạy nhiều lần để Bác sĩ, điều dưỡng đều có thể tham gia.

Khoa còn thường xuyên kết hợp với các chuyên khoa khác như Dược lâm sàng, Vật lý trị liệu, Kiểm soát nhiễm khuẩn, Dinh dưỡng – Tiết chế… trong quá trình điều trị. Điều này không chỉ mang lại hiệu quả điều trị cho người bệnh mà còn là dịp để các bác sĩ, điều dưỡng cùng phối hợp, học hỏi và trau dồi kiến thức một cách toàn diện hơn.

Áp lực nghề hồi sức tích cực

Bác sĩ và điều dưỡng Khoa Hồi sức tích cực thăm khám, chăm sóc cho người bệnh

Với sự năng động, nhiệt huyết và hết lòng người bệnh, những bác sĩ và điều dưỡng của Khoa Hồi sức tích cực vẫn âm thầm làm việc và cống hiến từng ngày, từng giờ. Dù công việc áp lực, thường xuyên phải trực đêm nhưng họ vẫn thường động viên nhau cố gắng.

Mỗi ca bệnh khó là một thử thách mới, là dịp để học hỏi và nâng cao kiến thức chuyên môn. Các bác sĩ, điều dưỡng sau nhiều năm gắn bó và làm việc tại Khoa Hồi sức tích cực luôn tự tin về khả năng xử lý các tình huống khẩn cấp cũng như đưa ra các phương pháp điều trị đúng đắn cho người bệnh. Đó cũng chính là niềm tự hào, là động lực để họ - những chiến binh thầm lặng của nghề y luôn giữ được ngọn lửa nhiệt huyết với con đường mà mình đã lựa chọn.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!