Ảnh minh họa
Mới đây, chị Trần Phương T. (SN 1993, ở Trương Định, Hoàng Mai, Hà Nội) đã bỏ nhà đi và ôm theo cô con gái nhỏ 7 tháng tuổi. Theo người thân của chị T sau khi sinh con được 4 tháng, chị T. có dấu hiệu trầm cảm, thay đổi tính cách và không nói chuyện với mọi người trong nhà.
Đến ngày 25/9, người thân đã tìm được thi thể của chị T. ở khu vực sông Hồng, phường Lĩnh Nam, Hà Nội còn cháu bé chưa rõ tung tích.
Trầm cảm sau sinh là bệnh lý khá phổ biến trong cuộc sống hiện nay, trầm cảm sau sinh có các triệu chứng đầy đủ là buồn (thể hiện khí sắc, trầm, vẻ mặt buồn rầu), chán (mất hứng thú, sở thích). WHO liệt kê thêm triệu chứng quan trọng nữa là mệt mỏi, giảm năng lượng, hay ngồi hoặc nằm một chỗ.
Ngoài ra, bệnh nhân có những triệu chứng rối loạn ăn uống, giấc ngủ, lo lắng, cẳng thẳng, bứt rứt, bồn chồn, bi quan, mặc cảm tội lỗi, và nhiều biểu hiện trên cơ thể như đau đầu, đau bụng, đau ngực, khớp, tim, vã mồ hôi… Cuối cùng, người bệnh có ý tưởng hoặc hành vi tự sát. Các triệu chứng này tồn tại ít nhất 2 tuần. Mỗi bệnh nhân có 2-3 triệu chứng thường gặp nếu người nhà không phát hiện sớm sẽ xảy ra nhiều chuyện đau lòng như thời gian qua.
TS Phạm Thị Việt Hương, Bệnh viện K Hà Nội tâm sự về nỗi đau của một bà mẹ khi chứng kiến những câu chuyện xung quanh chứng trầm cảm sau sinh. Chi Việt Hương viết:
'Cứ mỗi lần nghe, đọc tin đâu đó có phụ nữ tự vẫn, giết con, gây thảm án...liên quan đến trầm cảm sau sinh là nước mắt tôi lại tuôn rơi, tim như bị bóp nghẹt lại vì tôi cũng là phụ nữ nên tôi thấu hiểu chuyện gì gây ra trầm cảm sau sinh. Gần đây có quá nhiều vụ mẹ ôm con sơ sinh, mấy tháng tuổi nhảy cầu tự vẫn khiến tôi đau đớn như chính mình là người trong cuộc'.
Nghiên cứu cho rằng nguyên nhân là do giảm lượng hormone sau sinh. Tuy nhiên một thực tế đau lòng là nguyên nhân chủ yếu gây ra trầm cảm sau sinh là do người mẹ bị bỏ rơi, không được động viên tinh thần, chăm sóc thể chất thỏa đáng. Trong xã hội văn minh này, khi mà người ta ra rả nêu khẩu hiệu yêu thương bà mẹ trẻ em thì vẫn có rất nhiều phụ nữ bị đối xử tàn nhẫn ngay trong thai kỳ và những năm tháng nuôi con nhỏ.
Sự ghẻ lạnh của người thân (đặc biệt là của chính người chồng, gia đình nhà chồng), việc phải nuôi con nhỏ quá mệt mỏi không có sự trợ giúp, những lời nói mang tính miệt thị như giè bỉu không đẻ được con trai, con xấu, con không giống bố, con dị tật, việc sinh nở mất sức khỏe nhưng không được chăm sóc lại còn phải chăm sóc người khác như cơm nước cho chồng con chẳng hạn, công việc cơ quan vất vả, gánh nặng kinh tế…Tất cả đè nặng lên thể xác và tinh thần người mẹ trẻ.
Đáng tiếc là rất nhiều người mẹ trẻ thay vì được chăm sóc yêu thương lại còn bị bạo hành ngay trong thời gian nuôi con nhỏ, bị sỉ nhục, bị ngược đãi, bị cô lập, thậm chí bị dọa ly hôn, dọa bị chia con, dọa bị ra khỏi nhà tay trắng...Trong hoàn cảnh này, họ không phải là ngay lập tức tìm đến cái chết để giải thoát. Họ nghĩ đến cha mẹ đẻ và những người yêu thương họ. Nhưng phụ nữ Việt Nam nói riêng, phụ nữ Phương Đông nói chung vẫn theo nếp nghĩ cổ xưa: “Lấy chồng là con nhà người ta, có thế nào cũng không được làm bố mẹ mình buồn lo về mình”. Họ cũng không dễ dàng tâm sự với bạn bè kể cả bạn tin cậy nhất vì họ sợ mọi người biết chuyện riêng của họ sẽ mất thể diện. Thế là họ càng chôn chặt nỗi sợ, nỗi khổ của mình, chịu đựng một mình. Khi nỗi đau đã quá đầy, họ nghĩ đến cái chết để giải thoát. Nhưng nào chết cũng có yên đâu. Họ lo lắng xót xa đứa con và cho rằng chỉ có mang nó theo mình thì con mới đỡ khổ.
Có những người phụ nữ giầu nghị lực và sự chịu đựng phi thường thì họ không tìm đến cái chết. Tuy nhiên họ sống mà đem theo nỗi đau dai dẳng không dễ gì liền được. Chứng trầm cảm này chuyển sang “mạn tính”. Chữa bệnh cho những phụ nữ này không thể dùng thuốc, mà phải dùng tình thương thực sự. Và để có tình thương thực sự thì những người chót phạm tội ác phải đủ dũng cảm nhận thức ra tội ác của mình trong quá khứ đã gây ra cho người phụ nữ, thay vì kết tội người phụ nữ 'cả nghĩ', 'suy nghĩ không tích cực'.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!