Bác gái bệnh nhân 17 diễn biến nặng, phổi còn tổn thương, tim rối loạn nhịp

Thời sự - 11/24/2024

Dù đã có nhiều tiến triển nhưng tình trạng sức khoẻ bác gái bệnh nhân 17 diễn biến nặng vẫn còn điều đáng lưu ý - thông tin từ Bộ Y tế sáng 23/4.

Sáng 23/4, Bộ Y tế cho biết, sáng nay không có ca mắc mới, đánh dấu ngày thứ 7 liên tiếp (tính từ ngày 16/4) Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc mới nào, vẫn có 268 ca mắc, 223 ca đã khỏi bệnh (hơn 83%). Riêng trong ngày 22/4 có 7 bệnh nhân khỏi bệnh.

Trong số 45 bệnh nhân đang điều trị, đã có 11 ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2, số ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-CoV-2 là 8 ca.

Hiện vẫn có 3 ca diễn biến nặng gồm: Bác gái bệnh nhân 17, bệnh nhân 161 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và bệnh nhân 91 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh:

Bác gái bệnh nhân 17 diễn biến nặng, phổi còn tổn thương, tim rối loạn nhịp

Nguồn: Bộ Y tế

Trong đó, bác gái bệnh nhân 17 (là bệnh nhân 19) hiện thở máy qua ống mở khí quản, phổi còn tổn thương nhưng oxy hóa máu đã cải thiện. Tim còn rối loạn nhịp, nhưng mức độ nhẹ hơn, huyết áp ổn định, tri giác tốt, giao tiếp được, không phù, đi tiểu nhiều. Ăn qua ống thông dạ dày, không trào ngược, không có tình trạng xuất huyết, không sốt.

BN161 vẫn còn thở máy qua ống mở khí quản, thông khí 2 bên rõ, phổi tiến triển tốt, ngày qua tiếp tục cho bệnh nhân tập tự thở qua máy. Tim mạch bình thường, huyết áp bình thường. Gọi hỏi bệnh nhân có giao tiếp chậm, ăn tiêu qua sonde, không có biểu hiện xuất huyết, không sốt.

Nam phi công Vietnam Airlines người Anh (bệnh nhân 91) hiện không sốt, thở máy, không chảy máu mũi miệng, hút đàm có ít máu. Vấn đề hiện tại: Rối loạn đông máu kiểm soát tạm ổn. X-Quang phổi không tổn thương xấu thêm.

Tại Thông báo số 141/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về phương án sản xuất máy thở phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 nêu rõ, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới, việc đáp ứng đủ nhu cầu máy thở cho hoạt động khám chữa bệnh nhân là đặc biệt quan trọng và cần thiết, liên quan trực tiếp đến tính mạng của người bệnh.

Khi dịch bệnh bùng phát mạnh, nhu cầu sử dụng máy thở tăng cao, khả năng đáp ứng máy thở sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, khả năng sản xuất của các doanh nghiệp nước ngoài cũng không đủ cung ứng nhu cầu các nước trên thế giới, gây khó khăn cho việc đặt mua máy thở của Việt Nam từ nước ngoài.

Trước tình hình đó, việc đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất máy thở trong nước có ảnh hưởng sống còn đến quá trình kiểm soát dịch bệnh ở nước ta.

Do tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Phó Thủ tướng lưu ý cần nhanh chóng chuẩn bị đủ các trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh, đặc biệt là máy thở, sẵn sàng các phương án ứng phó, kể cả với tình huống xấu nhất.

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế rà soát lại toàn bộ số lượng các loại máy thở hiện đang sử dụng và dự trữ, đồng thời đánh giá đầy đủ nhu cầu máy thở cho các kịch bản và xây dựng kế hoạch huy động, đặt hàng sản xuất mới. Bộ Y tế chủ động phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp sản xuất máy thở trong nước để chủ động trong nghiên cứu và sản xuất; nghiên cứu kiến nghị của các doanh nghiệp để đẩy nhanh tiến độ sản xuất máy thở trong nước như ban hành tiêu chuẩn về máy thở, hỗ trợ thiết bị đo lường, thực hiện thủ tục thông quan và miễn thuế nhập khẩu đối với các nguyên liệu để sản xuất máy thở.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẵn sàng đào tạo, tập huấn cho đội ngũ nhân lực sử dụng, vận hành máy thở; chủ động phương án cung ứng các nguyên liệu, phụ tùng thay thế trong quá trình sử dụng máy thở đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!