Ung thư đã xâm lấn xương hàm
Bệnh nhân N.V.C. (50 tuổi) tới Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương khám trong tình trạng có vết loét lâu lành trong khoang miệng. Kết quả khám bệnh nhân C được chẩn đoán mắc ung thư biểu mô sàn miệng xâm lấn xương hàm dưới.
Theo bệnh nhân C, lúc đầu vết loét rất nhỏ bệnh nhân nghĩ đó là nhiệt. Tại nhà bệnh nhân có uống vitamin, tuy nhiên vết loét nặng thêm và lan rộng. Sau đó bệnh nhân có đi khám tại tuyến cơ sở được điều trị theo hướng nhiệt miệng nhưng bệnh ngày càng nặng.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Nhung, Khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình - Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương cho hay, hình ảnh phim chụp của bệnh nhân C cho thấy có khối u lan từ sàn miệng vào vùng xương hàm dưới vùng cửa.
Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cắt u, cắt sàn miệng, cắt đoạn xương hàm dưới, nạo vét triệt để hạch cổ 2 bên, tạo hình sàn miệng và xương hàm dưới bằng vạt da - xương xương mác tự do có nối mạch máu.
Bác sĩ đang dùng kỹ thuật vi phẫu tạo hình sàn miệng, ảnh BSCC.
Trong quá trình phẫu thuật, ê-kíp mổ phát hiện khối u của bệnh nhân đã thâm nhiễm rộng vùng sàn miệng. Bệnh nhân phải cắt bỏ sàn miệng 2 bên đồng thời cắt bỏ xương hàm dưới đoạn lớn.
Bệnh nhân đã được phẫu thuật bằng kỹ thuật vi phẫu tạo hình sàn miệng, trả lại cho bệnh nhân chức năng vùng miệng như nuốt, thở và trả lại khuôn mặt bằng tạo hình xương mác.
Đối với trường hợp bệnh nhân C phát hiện ung thư muộn, tế bào ung thư đã xâm lấn từ biểu mô miệng vào tới xương. Bệnh nhân có dấu hiệu từ vết nhiệt ở miệng song không để ý, khi tới bệnh viện, khối u đã xâm lấn nên phải phẫu thuật lớn. Bác sĩ phải sử dụng mảng da lớn đi kèm để tạo hình sàn miệng rất phức tạp.
Thói quen dễ mắc ung thư khoang miệng
Bác sĩ Nhung cho biết ung thư khoang miệng thường hay gặp ở nam giới hơn nữ. Do nam giới có thói quen không lành mạnh như uống rượu và hút thuốc.
Hút thuốc có liên quan tới tổn thương ung thư và tiền ung thư khoang miệng. Người hút thuốc dưới 5 điếu/ngày có nguy cơ tổn thương tiền ung thư và ung thư cao hơn gấp 2 lần so với người không hút thuốc.
Bên cạnh đó, rượu cũng là một nguyên nhân lớn làm tăng bệnh ung thư miệng. Sự kết hợp của hút thuốc và uống rượu càng làm nguy cơ mắc ung thư miệng cao hơn.
Bác sĩ Nhung khuyến cáo, thói quen nhai trầu cũng là một yếu tố quan trọng làm gia tặng tỷ lệ mắc ung thư khoang miệng ở phụ nữ Ấn Độ và một số nước Đông Nam Á.
Bệnh ung thư khoang miệng cao ngang nam giới cho thấy ngoài những yếu tố thói quen không lành mạnh đặc trưng cho hai giới tính thì yếu tố môi trường sống bị ô nhiễm, thói quen ăn uống không đảm bảo vệ sinh hay bệnh lý nhiễm virus HPV, bệnh lý biến đổi gen là những yếu tố gây ung thư khoang miệng.
Bác sĩ Nhungcho hay, ung thư khoang miệng nói chung, ung thư biểu mô sàn miệng nói riêng, được phẫu thuật rộng rãi và nạo vét hạch triệt để sẽ không cần điều trị. Nếu hạch nạo vét có kết quả âm tính, người bệnh không cần điều trị hóa trị bổ trợ, còn kết quả hạch là dương tính thì phải điều trị hóa trị và xạ trị bổ trợ.
Người dân khi có các triệu chứng nhiệt lâu không liền cần tới khám đúng nơi để được chẩn đoán đúng. Ung thư khoang miệng phát hiện sớm tiện lượng điều trị sẽ tốt hơn.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!