Bác sĩ Việt tại Mỹ giải đáp câu hỏi lớn: Khẩu trang y tế có phòng được virus corona không?

Thời sự - 11/24/2024

Tôi tình cờ thấy 2 vị học giả tranh luận về cái khẩu trang, ai cũng đưa được bằng chứng khoa học. Là người trong một thành phố sắp bị cách ly, tôi tự có ý kiến của mình.

Bản thân cái tên khẩu trang y tế không thật chính xác vì ngày nay có cái khẩu trang nào không phải là vì sức khỏe? Chúng đều chống bụi, chống nhiễm khuẩn, chống lây nhiễm, chống hóa chất độc... xét cho cùng đều là y tế cả.

Tên đúng của nó, là khẩu trang phẫu thuật. Thăng trầm cả trăm năm nay, nó vốn chỉ có một mục đích là dùng trong phẫu thuật, tránh cho nước mũi hay hắt hơi tình cờ rơi vào vết mổ.

Nhờ vào chất lượng ngày càng cao và chi phí ngày càng rẻ, khẩu trang phẫu thuật ngày nay được dùng rộng rãi vào nhiều mục đích không phẫu thuật như: chống hôi, chống bụi, chống nắng,.. và đến ngày 10/3/2020, chính thức được CDC đóng dấu khẩu trang chống Covid-19.

Câu hỏi 1, khẩu trang y tế có bảo vệ chúng ta khỏi Coronavirus không?

Câu trả lời là tùy bạn hiểu thế nào là bảo vệ. Nếu bạn nghĩ bảo vệ là đeo vào thì an tâm, tha hồ đi chơi không lo Covid-19, vậy thì không đúng.

Khẩu trang y tế không bảo vệ chống Coronaviru vì nó không được thiết kế làm điều đó. Nó mỏng và thưa, chứa đầy những lỗ, nhỏ hơn mấy giọt bắn li ti nhưng lớn hơn nhiều so với virus này.

Các giọt bắn tới từ ai đó hắt xì có thể bị giữ lại, nhưng bạn hít thở vài cái thì đám virus lúc nhúc trên đó sẽ bay cả vào phổi. Mặt khác, bất kể bạn cột chặt đến đâu, luôn có chỗ hở. Đó có thể là 2 bên má, là dưới cằm... và tạo cửa ngách cho virus đang lượn chung quanh đến làm quen khi bạn hít vào.

Bác sĩ Việt tại Mỹ giải đáp câu hỏi lớn: Khẩu trang y tế có phòng được virus corona không?

TS BS Võ Xuân Quang

Rõ ràng, đeo khẩu trang y tế có thể bảo vệ một cách tuyệt đối nếu như bạn đừng hít thở. Rất tiếc, điều đó là không thể.

Theo một cách nhìn khác, nếu bạn chỉ mong mỏi chúng làm giảm bớt rủi ro và hạn chế khả năng bị nhiễm, dù không hoàn toàn. Câu trả lời là có. Rất đơn giản, việc lây nhiễm mạnh nhất khi các giọt bắn thẳng vào mặt bạn với vận tốc lớn nhất. Khẩu trang y tế đơn giản là làm giảm vận tốc, tăng trở ngại trên đường đua của bọn virus.

Catherine Makison Booth, một nhà vi sinh học nổi tiếng người Anh với nhiều công trình thực nghiệm để nghiên cứu về các quá trình lây nhiễm, trong đó có mô hình nổi tiếng Larry ói mửa về Norovirus. Năm 2009, bà làm một thực nghiệm để đánh giá khả năng bảo vệ của các loại khẩu trang y tế khác nhau. Một hình nhân được gắn máy thở và mang khẩu trang.

Một thiết bị giả lập cơ chế hắt xì với virus cúm được sử dụng. Xét nghiệm kiểm tra sau đó cho thấy tất cả các mẫu khẩu trang đều không ngăn được virus cúm nhưng số lượng virus thâm nhập giảm xuống 6 lần.

Mặt khác, WHO và CDC đều khẳng định khẩu trang y tế không bảo vệ được chúng ta khỏi virus Corona, đồng thời họ gián tiếp công nhận khẩu trang y tế là một công cụ hữu hiệu giúp người đeo không sờ mắt, mũi, miệng.

Bác sĩ Việt tại Mỹ giải đáp câu hỏi lớn: Khẩu trang y tế có phòng được virus corona không?

Khẩu trang y tế bảo vệ như thế nào?

Đeo khẩu trang, không phải để ngừa virus mà để ngừa bạn sờ, tự sờ hay sờ người khác ....

Tóm lại, khẩu trang y tế làm giảm bớt rủi ro. Thời dịch bệnh, giảm một chút là cũng tốt lắm rồi.

Câu hỏi thứ 2 những lý luận trên chẳng có gì cao siêu, ai cũng hiểu được. Cớ sao các ông lớn vẫn gào nên đừng mua, đừng đeo?

Đơn giản thôi, vì họ nhìn vấn đề theo tầm thế giới và cả nước. Chúng ta- những con người nhỏ bé- chỉ biết đến gia đình của mình.

Chuyện này được giải thích nhiều và đang xảy ra. Chiến lược phòng bệnh nói chung là cách ly và điều trị ngay từ những ca đầu tiên. Nhân viên y tế là những người ở tuyến đầu, cần được bảo vệ ở mức cao nhất, không chỉ vì chính bệnh nhân mà còn nhằm ngăn họ biến thành những nguồn lây thứ cấp nguy hiểm hơn.

Việc bảo vệ cao nhất gồm: thiết bị thở cá nhân, cộng với bộ áo kín dùng một lần và găng tay. Bệnh nhân nằm trong phòng áp lực âm để virus không bị phát tán ra ngoài. Số phòng áp lực âm và số thiết bị thở cá nhân của từng bệnh viên không phải là nhiều.

Khi số bệnh nhân tăng lên, mức bảo vệ giảm xuống bao gồm khẩu trang N95 kính bảo vệ hay miếng che mặt, áo bảo vệ, găng tay.

Việc người dân mua ào ạt khẩu trang N95 trong thời gian qua đã làm giảm khả năng cung cấp cho các bệnh viện và dẫn đến khả năng không còn đủ N95 khi bệnh nhân tiếp tục tăng lên. Ngày 10/3 vừa qua, trước tình trạng dịch đang bùng phát mạnh ở Mỹ, CDC đã ra hướng dẫn mới đồng ý sử dụng khẩu trang y tế như là một phương tiện bảo vệ cá nhân thay thế.

Với thông tin này, người dân không biết là nên vui hay nên buồn? Vui vì đúng là khẩu trang y tế có một chút tác dụng, buồn vì chính những người ào ạt mua N95 một cách không cần thiết đang góp phần làm nhân viên y tế khắp thế giới đang chịu thêm nguy hiểm trong công việc của mình.

Tuy nhiên, phải thừa nhận là việc khan hiếm N95 sẽ ảnh hưởng nhiều đến các cơ sở y tế vùng dịch còn khẩu trang y tế thì tác động của nó thật sự không nhiều. Do đó, ai có thì cứ tiếp tục mang, không bổ ít cũng bổ nhiều còn ai không có cũng đừng sợ.

BS Võ Xuân Quang tốt nghiệp Đại học Y dược TPHCM năm 1987, cựu nội trú Bệnh viện Chợ Rẫy, nguyên trưởng khoa Nội soi của Bệnh viện Chợ Rẫy.

Bác sĩ được đào tạo chuyên sâu ở Nhật và đã góp phần đào tạo nhiều thế hệ bác sĩ nội soi chẩn đoán và điều trị ở miền Nam và miền Trung Việt Nam. Hiện ông sinh sống và làm việc tại Hoa Kỳ.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!