Trong ba tháng đầu đời, sữa mẹ hoặc sữa bột sẽ cung cấp đầy đủ dưỡng chất dinh dưỡng cần thiết cho bé. Nhưng đến giai đoạn bé bắt đầu phát triển cả thể chất và trí não, quá trình cho ăn của bé sẽ tiến triển nhanh chóng. Nhìn chung, bé sẽ uống nhiều sữa hơn trong lúc bú (vì vậy bạn sẽ không cần phải cho bé bú thường xuyên như trước) và bé cũng sẽ ngủ lâu hơn vào buổi tối.
Mặc dù ở giai đoạn này bé không có bất cứ thay đổi nào trong chế độ dinh dưỡng, bạn vẫn có thể nhận biết được một vài thay đổi trong việc đại tiện của bé. Ruột của con bạn có thể chứa nhiều thức ăn hơn và hấp thụ được dinh dưỡng nhiều hơn từ sữa, do đó phân bé có thể bị lỏng, phản xạ dạ dày giảm dần, do đó bé không còn đi đại tiện sau mỗi lần bú. Thực tế vào giữa tháng thứ 2-3, tần suất đi đại tiện của trẻ bú sữa mẹ cũng như trẻ uống sữa bột có thể giảm rõ rệt. Vài trẻ bú mẹ chỉ đi đại tiện 3-4 lần mỗi ngày, một vài bé bú mẹ khỏe mạnh chỉ đi đại tiện một lần một tuần. Miễn là bé ăn tốt, tăng cân và phân không quá khô hoặc cứng thì bạn không có lý do gì phải lo lắng về điều này cả.
Con bạn có đang uống đủ lượng sữa cần thiết?
Cách tốt nhất để xem bé có dùng đủ sữa hay không là giám sát sự phát triển của bé. Bác sĩ sẽ đo cân nặng, chiều cao và kích thước đầu cho bé mỗi lần thăm khám. Hầu hết trẻ bú sữa mẹ đều sẽ tiếp tục yêu cầu được cho bú suốt ngày và đêm. Lượng sữa trung bình mà bé tiêu thụ ở một lần bú sẽ tăng lên từ từ, từ khoảng 120 -150 ml trong tháng thứ 2 lên tới 150-180 ml ở tháng thứ 4, tuy nhiên lượng tăng sữa này rất khác nhau giữa các bé. Lượng sữa bé nạp vào hàng ngày nên nằm trong khoảng từ 750-900 ml ở tháng thứ 4. Thông thường, lượng sữa này sẽ cung cấp đủ dinh dưỡng cho các bé ở độ tuổi này.
Nếu con bạn cứ có vẻ đói liên tục sau khi đã được ăn đủ lượng sữa mà bạn nghĩ rằng là vừa phải, hãy dẫn bé đi khám bác sĩ khoa nhi. Khi trẻ sơ sinh bú mẹ không tăng cân, rất có thể lượng sữa mà bạn cung cấp đã giảm. Nếu lượng cung cấp sữa cho bé từng đủ nhưng bây giờ lại giảm thì việc sụt giảm này có thể liên quan đến việc người mẹ đi làm trở lại mà không bơm đủ sữa hoặc do người mẹ bị stress, do khoảng cách giữa các giấc ngủ của bé dài hơn nên không bú đủ số lượng sữa cần thiết hoặc hàng loạt các yếu tố khác. Bạn có thể áp dụng một vài kỹ thuật để làm tăng lượng cung cấp sữa và lượng tiêu thụ của bé. Hãy thử làm tăng số lần cho bé bú và dùng dụng cụ hút sữa để làm tăng lượng sữa sản xuất trong cơ thể bạn. Nếu bạn vẫn tiếp tục lo lắng về lượng cung cấp sữa, hãy xin ý kiến của bác sĩ hoặc tư vấn viên về việc có nên tiếp tục cho bé uống sữa mẹ.
Bé có nên ăn dặm vào thời điểm này?
Thông thường, bạn nên tránh cho trẻ em ăn dặm trước khi được sáu tháng tuổi và hoàn toàn không được cho bé ăn loại thức ăn này trước khi được bốn tháng tuổi. Nguyên nhân của lời khuyên trên là khi bạn đút cho trẻ nhỏ hơn bốn tháng tuổi ăn bằng muỗng, bé sẽ duỗi lưỡi ra và đẩy thức ăn ra ngoài – đây là một phản xạ bình thường ở giai đoạn này. Ở độ tuổi từ 4-5 tháng tuổi, phản xạ đẩy lưỡi sẽ biến mất và khi con bạn được sáu tháng tuổi, bé có thể đưa một lượng nhỏ thức ăn được xay nhuyễn từ trước miệng sang sau khoang miệng và nuốt thức ăn. Nhưng nếu bé có vẻ không muốn ăn thức ăn dặm, hãy tránh cho bé ăn thức ăn dặm trong khoảng 1-2 tuần và sau đó cho bé thử lại lần nữa. Nếu tình trạng kháng cự thức ăn vẫn tiếp diễn, bạn nên nói chuyện với bác sĩ nhi khoa để chắc chắn rằng sự kháng cự của bé không phải là dấu hiệu của bất kỳ bệnh tật nào.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!