Kiểm tra thân nhiệt phòng tránh bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2. Ảnh minh họa: Anh Tuấn/TTXVN
Ban hành kèm theo Quyết định này là Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 thay thế Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm đường hô hấp cấp tính do chủng mới virus Corona mới (2019-nCoV) ban hành tại Quyết định số 322/QĐ-BYT ngày 6/2/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Theo đó, người mắc COVID-19 tử vong thường xảy ra nhiều hơn ở người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch và mắc các bệnh mạn tính kèm theo. Thời gian ủ bệnh là từ 2 - 14 ngày, trung bình từ 5 - 7 ngày. Triệu chứng khởi phát hay gặp là sốt, ho khan, mệt mỏi và đau cơ. Một số trường hợp đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, ho có đờm, nôn và tiêu chảy. Thời gian trung bình từ khi có triệu chứng ban đầu tới khi diễn biến nặng thường khoảng từ 7 - 8 ngày.
Hầu hết người bệnh (khoảng 80%) chỉ sốt nhẹ, ho, mệt mỏi, không bị viêm phổi và tự hồi phục sau khoảng 1 tuần. Trong đó, khoảng 14% số ca bệnh có diễn biến nặng như viêm phổi, viêm phổi nặng cần nhập viện. Khoảng 5% ca bệnh cần điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực với các biểu hiện suy hô hấp cấp, sốc nhiễm trùng, suy chức năng các cơ quan bao gồm tổn thương thận, cơ tim, dẫn đến tử vong…
Ở trẻ em, các biểu hiện lâm sàng đa số nhẹ hơn người lớn hoặc không có triệu chứng. Các dấu hiệu thường gặp ở trẻ em là sốt và ho hoặc các biểu hiện viêm phổi. Tỷ lệ bệnh nặng, nguy kịch ít gặp hơn ở người lớn.
Người bệnh sau khi điều trị sẽ được xuất viện nếu hết sốt ít nhất 3 ngày. Các triệu chứng lâm sàng cải thiện tốt, các dấu hiệu sinh tồn ổn định, xét nghiệm máu bình thường, X-quang phổi cải thiện. Đặc biệt là có ít nhất 2 mẫu bệnh phẩm liên tiếp lấy cách nhau ít nhất trong 24 giờ cho kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Sau khi ra viện, người bệnh sẽ tiếp tục được cách ly tại nhà trong 14 ngày và phải tự theo dõi thân nhiệt tại nhà 2 lần/ngày...
Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 vừa ban hành có nhiều điểm mới. Theo đó, hướng dãn này có sự thay đổi định nghĩa ca bệnh nghi ngờ, vì tình hình dịch tễ đã thay đổi, có nhiều vùng dịch, ổ dịch tại các địa phương ở Việt Nam; bỏ các định nghĩa ca bệnh có thể, vì năng lực xét nghiệm cao hơn trước.
Về điều trị, hướng dẫn đề cập đến việc tập trung chính là điều trị suy hô hấp, cập nhật những khuyến cáo mới nhất theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới về ô xy liệu pháp và đích ô xy máu.
Hướng dẫn đề cập đến việc theo dõi sát bệnh nhân, đặc biệt ngày thứ 7-10 của bệnh (sử dụng các dấu hiệu lâm sàng, các thang điểm cảnh báo sớm, theo dõi tiến triển hàng ngày của X- quang phổi) để phát hiện và xử trí kịp thời các biến chứng/tiến triển nặng của bệnh. Vì theo các báo cáo trên y văn cũng như thực tế các ca bệnh nặng ở Việt Nam thời gian qua, đa số đều diễn biến nặng nhanh trong khoảng thời gian này.
Với bệnh nhân suy hô hấp nặng, nên đặt ống nội khí quản sớm và thở máy xâm nhập. Chỉ cân nhắc các biện pháp hỗ trợ hô hấp không xâm nhập cho từng trường hợp cụ thể chứ không áp dụng thường quy và cần theo dõi sát bệnh nhân.
Về các thuốc kháng virus đặc hiệu (như Lopinavir/Ritonavir, Chloroquine, Hydroxychloroquine, Remdesivir..), do chưa có đủ bằng chứng về hiệu quả và an toàn của những thuốc này trong điều trị COVID-19, nên chưa khuyến cáo áp dụng thường quy trong điều trị. Bộ Y tế sẽ ra các khuyến cáo bổ sung dựa trên những kết quả của các nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam…
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!