Dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác ở hậu môn
TS.BS Lê Mạnh Cường cho hay, nhiều người mắc bệnh trĩ có tâm lý e ngại, ít người chịu đi khám sớm, nhất là phụ nữ, chỉ đến khi xuất hiện biến chứng gây đau đớn, khó chịu cho sinh hoạt thì mới đến bệnh viện.
Theo các bác sĩ, bệnh trĩ tuy không gây tử vong nhưng ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống và trở thành nỗi ám ảnh của người bệnh. Bệnh trĩ nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến biến chứng khó lường.
TS.BS Lê Mạnh Cường.
TS. Cường cho rằng, đi ngoài ra máu, thường là máu đỏ tươi - là triệu chứng thường gặp nhất và là lý do khiến bệnh nhân phải đến các cơ sở y tế khám bệnh. Nhưng bệnh trĩ không phải lúc nào cũng có biểu hiện đi ngoài ra máu, nhiều người bị bệnh trĩ mà không có triệu chứng này nên rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác ở hậu môn.
Biểu hiện khi mắc bệnh trĩ là có cảm giác nặng tức ở hậu môn, mót rặn; cảm giác đau rát hậu môn xuất hiện trong và sau khi đi vệ sinh, hoặc có thể âm ỉ suốt cả ngày, đặc biệt là khi ngồi, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt thường ngày của người bệnh; Đi ngoài thấy búi trĩ sa ra ngoài hậu môn. Búi trĩ có thể tự động thụt lên (bệnh ở độ 1, 2) hoặc phải dùng tay đẩy lên (bệnh ở độ 3) hoặc không thể đẩy vào bên trong ống hậu môn (trĩ ở độ 4). Trĩ sa độ 1, 2 ít gây phiền hà hơn, từ độ 3 trở đi khiến người bệnh cảm thấy khó chịu khi đi đứng và làm việc nặng. Trĩ sa độ 4 khiến bệnh nhân vô cùng bất tiện trong các hoạt động hằng ngày.
50% phụ nữ mắc bệnh trĩ
Chia sẻ về bệnh trĩ ở phụ nữ, PGS. TS. Lưu Thị Hồng - Tổng Thư ký Hội Phụ sản Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em- Bộ Y tế cho biêt, trong quá trình thăm khám chúng tôi gặp rất nhiều chị em phụ nữ đều bị bệnh trĩ, đặc biệt là trong thời kỳ mang thai tỷ lệ ấy còn tăng lên rất nhiều. Nhiều chị em bị bệnh vẫn e ngại không nói mình bị làm sao, khi nằm lên khám mới thổ lộ.
PGS.TS. Lưu Thị Hồng.
Giải đáp về vấn đề có phải càng sinh đẻ nhiều càng dễ bị bệnh trĩ hay không? PGS.TS. Lưu Thị Hồng cho rằng, chị em phụ nữ bị trĩ trong thời kỳ mang thai, càng đẻ nhiều thì khả năng bị trĩ càng tăng. Cơ chế bệnh trĩ của phụ nữ khi mang thai là vì sự thay đổi nội tiết như giữ nước, các tổ chức lỏng lẻo. Khi mang thai ứ trệ nước và tăng sinh mạch máu từ đó nguy cơ chị em bị trĩ cao hơn. Một điều quan trọng nữa là khi thai to người phụ nữ dễ bị trĩ hơn do thai đè xuống tử cung, đặc biệt khi mang thai thì chị em thường táo bón, khi đi táo lâu dẫn đến sa trực tràng, đấy là nguyên nhân có thể chị em bị trĩ trong thời kỳ mang thai.
Đồng quan điểm TS. Cường cho rằng, hiện nay chưa có một nghiên cứu nào về vấn đề này. Nhưng phải nói rằng thai kỳ là một trong những yếu tố nguy cơ gây lên bệnh trĩ nhưng không có nghĩa là cứ mang thai bị mắc bệnh trĩ. Đã có những thai phụ đến xin điều trị vì không thể chịu đựng được trong khi đó thai phụ mới ở tháng thứ 3, khi đó chúng tôi phải hội chẩn với các bác sĩ sản khoa để có điều trị thích hợp.
Chia sẻ về vấn đề khi mắc bệnh trĩ có phải mổ đẻ hay không, các chuyên gia cho rằng, không phải ai mắc bệnh trĩ đều phải mổ đẻ, mổ đẻ phải do chỉ định của bác sĩ. Ngoài bệnh trĩ còn nhiều thai phụ mắc các bệnh lý sàn chậu khác nữa, do đó không phải ai cũng mắc trĩ cũng đều chỉ định mổ đẻ. Các thai phụ cần phải tuân thủ chỉ định của bác bác sĩ để điều trị triệt để - PGS Hồng nói.
Có phải cứ mắc trĩ là phải mổ?
Về điều trị bệnh trĩ, các chuyên gia cho rằng không phải ai mắc bệnh trĩ cũng phải mổ mà tùy từng giai đoạn bệnh trĩ độ mấy mà các bác sĩ có hướng điều trị thích hợp. Theo TS. Cường, đề điều trĩ hiệu quả nhất là phải chẩn đoán đúng, chỉ định đúng, và kỹ năng của người thầy thuốc thực hiện kỹ thuật đúng. Hiện nay chẩn đoán của bệnh trĩ còn khó khăn, vì không tìm được nguyên nhân mà nhiều nhà nghiên cứu mới đưa ra cơ chế giả thuyết, và điều kiện thuận lợi.
Bệnh trĩ có nhiều thể và có các chẩn đoán khác nhau, hiện nay nhiều bệnh nhân có nhiều phối hợp tổn thương khác nhau, đặc biệt ở phụ nữ vì phụ nữ có âm đạo sát với hậu môn, và có thời gian mang thai.
Theo TS.BS. Trần Thái Hà - Trưởng Phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Y học cổ truyền trung ương, ai cũng nghĩ trĩ là bệnh thông thường và không nguy hiểm nhưng nếu phát hiện sớm thì rất tốt. Đông y có cả hệ thống điều trị cho bệnh nhân nếu phát hiện sớm thì sẽ có các phương pháp như luyện dưỡng sinh, luyện thở, cải thiện chế độ ăn, sinh hoạt, chống táo bón (ăn rau mồng tơi, rau đay) rồi dùng thuốc đông y như bột ngâm trĩ rồi uống thuốc rồi một số sản phẩm bôi ngoài.
TS.BS. Trần Thái Hà.
Cũng theo TS. Hà, đông y còn có cả các phương pháp xoa bóp, bấm huyệt (nâng khí) nếu chúng ta bỏ khoa giai đoạn vàng thì rất đáng tiếc. Người cao tuổi cũng thường bị trĩ, nếu chữa trị sớm thì sau sẽ không chịu ảnh hưởng vì với người cao tuổi sẽ kèm theo nhiều bệnh lý khác như đái tháo đường, suy tim, rung nhĩ... và lúc này cần xem xét liệu có phẫu thuật được không. Nếu để qua giai đoạn 'vàng' rồi thì việc điều trị sẽ gặp khó khăn.
Nhiều bệnh nhân khi được thăm khám còn có thể phát hiện nhiều bệnh lý khác nguy hiểm dù triệu chứng cũng là ra máu một chút, táo bón. Bệnh nhân cần đến cơ sở y tế uy tín, kết hợp đông tây y để điều trị - TS. Hà nói.
Các bác sĩ khuyến cáo, tùy từng bệnh nhân mà có những đánh giá khác nhau và phác đồ cũng điều trị khác nhau, vì vậy khi có biểu hiện bệnh cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được các bác sĩ khám và có hướng điều trị cụ thể thích hợp.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!