Bao quy đầu - giải đáp rắc rối từ A đến Z

Sức khỏe giới tính - 05/17/2024

Làm thế nào để bao quy đầu tự tuột ra mà không cần phẫu thuật; đã quan hệ nhưng vẫn chưa đứt bao quy đầu nên rất đau...

Bao quy đầu là gì?

Bao quy đầu là lớp da bên ngoài ‘cậu nhỏ’ bao phủ toàn bộ đầu dương vật và miệng niệu đạo. Phần lớn con trai trước 7 tuổi, bao quy đầu sẽ bao phủ toàn bộ đầu dương vật. Theo thời gian, thể thích dương vật sẽ lớn dần, dài hơn, khiến cho bao quy đầu co lại, ‘nhường chỗ’ cho đầu dương vật và miệng niệu đạo ‘ló mặt’.

Dấu hiệu bình thường sau khi cắt bao quy đầu

Những dấu hiệu như cậu nhỏ bị chảy một chút máu quanh vết phẫu thuật; có màu bất thường khi chào cờ; khá đau đớn mỗi lần đi tiểu… khi mới cắt bao quy đầu được xem là bình thường bạn nhé, nó sẽ chóng lành sau 1-2 tuần.

Cách vệ sinh cậu nhỏ sau khi cắt bao quy đầu

Sau khi về nhà, bạn hãy vệ sinh câu nhỏ 2 lần/ ngày bằng nước ấm với khăn mềm lau nhẹ xung quanh để không làm tổn thương cậu nhỏ. Bên cạnh đó, bạn cũng không nên để cậu nhỏ bị khô da; nên mặc quần ống rộng để tránh ma sát làm đau cậu nhỏ cũng như hạn chế gây nhiễm trùng.

Nếu cậu nhỏ có dấu hiệu bất thường, như vùng da quanh khu vực nhạy cảm có màu đỏ thậm, đen hoặc bị sưng to; bạn bị sốt trên 40 oC; dịch tiết ra từ cậu nhỏ có màu xanh, mùi hôi kéo dài; hay máu không dừng trong thời gian dài; hãy quay trở lại bệnh viện càng sớm càng tốt.

Bao quy đầu - giải đáp rắc rối từ A đến Z

Ảnh minh họa

1. Làm thế nào để bao quy đầu tự tuột ra mà không cần phẫu thuật?

Bạn năm nay đã 21 tuổi, bộ phận này không tự lộn nhưng vẫn có thể tuột ra khi dùng tay kéo, như vậy rất có thể chỉ là do bao da quy đầu dài hơn bình thường một chút. Trong trường hợp này, bạn chỉ cần tập luyện để bao da linh hoạt co giãn hơn và đừng quên vệ sịnh sạch sẽ mỗi ngày.

Tuy nhiên, nếu nó chỉ tuột ra được khi ‘cậu nhỏ’ ở trạng thái xìu và không thể tuột ra khi cương cứng thì lại là bán hẹp bao quy đầu. Tình trạng bán hẹp bao quy đầu khá nguy hiểm ở chỗ, khi da quy đầu đang lộn thì ‘cậu nhỏ’ cương cứng, khi đó vùng da quy đầu sẽ vô tình trở thành chiếc thòng lọng siết chặt vùng quy đầu gây đau đớn cho thân chủ và có thể dẫn tới các biến chứng như tụ máu, hoại tử...

Ngoài ra, nếu tình trạng bao da quy đầu vẫn có thể dãn đáp ứng được khi cậu nhỏ cương cứng thì cũng cần xem xét tới dây phanh hãm bao da có căng quá mức hay không. Nhìn chung, dựa vào các thông tin mà bạn cung cấp thì chưa thể xác định được nên xử lý theo hướng nào. Bạn nên đến cơ sở y tế chuyên về nam khoa hoặc ngoại tiết niệu để được khám kiểm tra tình trạng bao da quy đầu và nhận tư vấn cụ thể.

2. Mặc dù đã ‘quan hệ’ nhưng em vẫn chưa đứt bao quy đầu. Do đó, mấy lần sau quan hệ, miếng da vẫn còn dính vào trong khiến em cảm thấy rất đau, không biết em có bị gì không?

Bao quy đầu - giải đáp rắc rối từ A đến Z

Ảnh minh họa

Có thể bạn đang gặp bất thường về phanh hãm quy đầu hoặc kết hợp cả hai (bất thường phanh hãm quy đầu và hẹp bao da quy đầu). Nếu tiếp tục để ‘cậu nhỏ’ lâm trận, thì trước tiên sẽ khiến thân chủ của ‘cậu nhỏ’ bị đau, và có nguy cơ bị rách, đứt phanh hãm. Và ngay cả trong trường hợp chưa có tổn thương phanh hãm quy đầu nhưng để trạng thái đau này tái diễn sẽ ảnh hưởng tới chức năng cương dương do bị ức chế tâm lý qua phản ứng sợ đau.

Do đó, bạn nên sớm đến cơ sở y tế chuyên về nam khoa để được tư vấn và áp dụng các biện pháp can thiệp thích hợp. Nếu không có các bất thường kèm theo khác ở ‘cậu nhỏ’ thì các bác sĩ sẽ sử dụng biện pháp đơn giản, nhẹ nhàng để cắt, chỉnh phanh hãm quy đầu, bao da quy đầu để giải phóng ‘cậu nhỏ’ trở về trạng thái bình thường như mong đợi, khi đó ‘cuộc vui’ của bạn sẽ được trọn vẹn.

3. Mình năm nay 21 tuổi, ở bao quy đầu có một vùng hơi đỏ hơn những chỗ khác, chỗ đó thường bị ướt hơn nhưng không có hiện tượng ngứa. Vậy đó là bị bệnh gì, cách chữa trị như thế nào?

Do cấu tạo đặc trưng nên vùng quy đầu của ‘cậu nhỏ’ dễ bị lắng đọng các chất tiết và là nơi cho vi khuẩn trú ngụ, có thể gây ra các viêm nhiễm nếu không được vệ sinh sạch sẽ.

Trường hợp của bạn, nếu không có tổn thương gì kèm theo ở ‘cậu nhỏ’, bạn không nên quá lo lắng, vì có thể đây chỉ là trạng thái tăng tiết bình thường. Điều quan trọng là bạn nên thường xuyên vệ sinh cậu nhỏ, đặc biệt vùng quy đầu và da quy đầu để tránh tích tụ các chất dịch, chất tiết, phòng ngừa các viêm nhiễm.

Trong trường hợp thấy các dấu hiệu như vết đỏ lan rộng, tăng tiết dịch nhiều, loét, đau… hoặc có xuất hiện các biểu hiện bất thường khác ở ‘cậu nhỏ’, bạn nên đến cơ sở y tế chuyên về bệnh da, hoa liễu để các bác sĩ khám và cho làm xét nghiệm nhằm tìm ra đúng nguyên nhân gây bệnh.

4. Bao quy đầu của em khi cương thì chỉ tuột ra một ít. Cho em hỏi là việc ấy có ảnh hưởng gì nghiêm trọng không ạ?

Trường hợp của em, nếu bao da quy đầu có thể tụt được khi ở trạng thái ‘sìu’ nhưng lại chỉ tụt ra được một ít ở trạng thái cương thì là bán hẹp bao qui đầu (hẹp không hoàn toàn), nếu bao da quy đầu không thể tụt ở cả trạng thái ‘sìu’ và cương thì là hẹp hoàn toàn bao qui đầu. Ngoài ra, trạng thái bao da quy đầu không thể tụt ra được có thể còn liên quan tới dây phanh hãm bao da quy đầu bất thường.

Để xác định chính xác tình trạng hẹp bao quy đầu, cũng như dây phanh hãm bao da quy đầu, em nên sớm đến khám tại cơ sở y tế chuyên về nam khoa hoặc ngoại tiết niệu để được tư vấn và xử lý kịp thời.

5. Hẹp bao quy đầu có ảnh hưởng đến chức năng sinh con không?

Hẹp bao da quy đầu không ảnh hưởng tới chất lượng ‘tinh binh’, nên không ảnh hưởng tới khả năng có con mà chỉ ảnh hưởng tới đời sống tình dục.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!